Khám phá thế giới

Nghề làm giấy truyền thống Washi Nhật Bản

- Thứ Bảy, 02/06/2012, 07:39 - Chia sẻ
Không phải là nước khai sinh ra giấy, nhưng từ hơn nghìn năm về trước, khoảng năm 800, người Nhật Bản đã sở hữu một kỹ thuật làm giấy đỉnh cao hoàn hảo mà không nơi đâu có thể bắt chước được. Đó là kỹ thuật làm giấy Washi truyền thống.

Giấy Washi là loại giấy có độ sáng bóng, mịn, nhẹ và độ bền tuyệt vời. Những sản phẩm làm ra từ loại giấy này có vẻ đẹp ngỡ ngàng, thể hiện sự tỉ mỉ, tinh tế trong từng đường nét của người Nhật Bản. Giấy Washi được sử dụng trong rất nhiều lĩnh vực đời sống thường ngày của người dân xứ mặt trời mọc như nghệ thuật thư pháp, vẽ tranh, origami, thả diều, làm búp bê, làm ô che mưa, bưu thiếp, giấy bọc đồ nữ trang, tấm lót khung, làm nền cho các bức ảnh, giấy dán và vô số các ứng dụng khác.

Theo tiếng Nhật, “Wa” có nghĩa là Nhật Bản và “Shi” là giấy. Loại giấy này sản xuất từ sợi của ba loại cây đặc hữu của đất nước Phù Tang, gồm cây Kozo, Mitsumata và Gampi. Trong số ba loại cây trên, Kozo được dùng làm giấy nhiều nhất bởi cây Mitsumata cho sợi ngắn hơn và thời gian thu hoạch khá dài. Còn cây Gampi tuy cho ra sản phẩm giấy chất lượng tuyệt hảo nhất, nhưng chúng rất khó trồng, chỉ có thể thu hoạch những cây mọc tự nhiên.

Để có được những tờ giấy Washi truyền thống, người ta phải trải qua rất nhiều công đoạn từ chọn lựa nguyên liệu đến khi ra được thành phẩm cuối cùng. Những công đoạn đó không chỉ yêu cầu kỹ thuật chính xác cao mà còn đòi hỏi tính kiên trì, nhẫn nại và không ít mồ hôi của người thợ thủ công chuyên cần. Trước tiên, họ tiến hành thu hoạch ba loại cây vào đầu đông khi cây đã trút hết lá, cắt thành những đoạn dài 1,2m, rồi đun trong nồi hơi có hình dạng đặc biệt. Sau đó, tước vỏ dọc theo chiều dài đoạn cây, buộc thành từng bó và sấy khô.

Tiếp đến là công đoạn chuẩn bị sợi thô. Các dải vỏ cây khô được ngâm qua đêm để làm mềm và loại bỏ các lớp cứng bên ngoài để sau đó được đôi chân người thợ chà xát nhằm loại lớp vỏ màu đen ngoài cùng. Tiếp đến, họ dùng dao cẩn thận cạo bỏ lớp màu xanh và tách các chồi, mấu, chỗ rạn một cách khéo léo tránh làm hỏng sợi. Lớp vỏ trắng còn lại sẽ được sấy khô trong bóng râm cho đến khi sẵn sàng cho công đoạn chế biến tiếp theo.


Vỏ cây màu trắng đã khô tiếp tục được ngâm qua đêm, rửa sạch trước khi được đun sôi bằng dung dịch kiềm trong vòng 30 phút. Trước đây người ta thường dùng than gỗ để đun vỏ cây. Ngày nay, họ dùng xút, bột soda... thay cho than gỗ để loại bỏ xenluloza. Khi vỏ cây đã được luộc chín và các tạp chất được hớt bỏ, những thớ sợi dài lộ ra và chúng sẽ được ngâm vào nước mát. Ngày hôm sau, những mảng sợi này sẽ được thợ rửa sạch kỹ bằng tay và dùng thanh gỗ vuông chắc chắn đập trên bề mặt gỗ hoặc đá cho đến khi các sợi tách rời ra.

Công đoạn kế tiếp là tạo hình và độ dày mỏng cho giấy. Người thợ lấy một lượng sợi nhỏ và nhanh tay lắc khuôn để các sợi dàn đều trên mặt phẳng. Tiếp theo, lấy một lượng sợi nhiều hơn lần đầu và dịch chuyển khuôn để se từng sợi kết lại với nhau. Tiếp tục thao tác này cho đến khi đạt được độ dày mong muốn. Tùy thuộc vào từng loại giấy mà cách chuyển động của khuôn khác nhau. Những tấm giấy được dàn trải ban đầu để ngót nước tự nhiên và sẽ được nén chặt bằng máy hoặc vật nặng với trọng lượng tăng dần trong vòng 6 giờ.  Sau khi giấy được nén chặt và đạt được độ khô nhất định chúng sẽ được gỡ ra và được trải trên bề mặt những tấm gỗ tự nhiên như gỗ thông, hạt dẻ ngựa, cây bách Nhật Bản được sấy trên bề mặt kim loại. Khi sản phẩm giấy hoàn thiện, chúng sẽ được nhuộm màu, tạo hoa văn theo chủ đích của người thợ.


Trải qua bao thằng trầm của lịch sử, nghề sản xuất giấy truyền thống độc đáo này chưa hề bị mai một, dù số lượng các cơ sở sản xuất không còn nhiều như trước. Từng tờ giấy Washi thể hiện những nét tinh hoa, độc đáo mà chỉ xứ sở hoa anh đào mới có được.

Mai Phương