Nghề dệt tơ tằm đất Thăng Long
Thăng Long ngàn xưa, vùng đất nằm miên man ven sông Hồng và các chi lưu của sông Hồng, rất nhiều đất bãi trồng dâu, là thuận thế lớn cho nghề tằm tang phát triển sớm cùng nghề dệt tơ tằm nhanh chóng đạt đến tầm văn hóa thẩm mỹ cao.

Ca dao Hà Nội xưa có câu: Nhắn ai trẩy chợ Kinh thành/Mua em tấm lĩnh hoa chanh mượt mà. Truyền thuyết về Hai Bà Trưng có liên quan đến nghề chăn tằm rằng, nghề tằm có hai loại kén, kén đầu là kén chắc, kén sau là kén nhì. Thân phụ, thân mẫu của hai Bà đã theo tên kén mà đặt tên con, và đời sau chép vào sử sách là Trưng Trắc, Trưng Nhị. Như vậy, vùng châu thổ sông Hồng thời đầu công nguyên đã có nghề tằm tang canh cửi. Các làng dệt Trích Sài, Bái ân, Yên Thái, Nghĩa Đô ở vùng Bưởi có sản phẩm lĩnh dệt từ tơ tằm rất nổi tiếng và cũng lưu truyền câu chuyện rất hay: Mùa xuân 1011, Lý Thái Tổ mới định đô ở Thăng Long, một hôm, ngự thuyền rồng đến bến Giang Tân (một bến sông Tô ở gần chợ Bưởi ngày nay), dân chúng dâng vua một tấm lĩnh có vẽ hình con rồng khổ lớn. Lý Thái Tổ biết đó là sản vật quý ở địa phương đã khen dân có nghĩa, bèn cho đổi tên làng Dâu thành Nghĩa Đô, xóm Bãi thành Bái ân. Đến thời Lý Thái Tôn (1022 – 1054), triều đình cho đón thợ dệt từ nhiều vùng quê có nghề dệt hay về kinh thành dạy các cung nữ nghề dệt. Chỉ một thời gian ngắn sau, hàng lụa là trong cung tự làm được đủ để không phải mua của người Tống nữa. Đến năm 1156, nhà Lý đưa cống vật sang Tống, cùng các vật phẩm khác, có 850 tấm đoạn màu vàng có hoa rồng cuốn. Thời Lý Thần Tôn, công chúa Từ Hoa đã đưa một số cung nữ về Nghi Tàm, gây dựng cho dân ở nghề tằm tang và dệt lụa. Một số thư tịch cũ cho biết, thế kỷ XIII, ở nước ta nghề dệt có bước phát triển quan trọng. Sứ đoàn nhà Nguyên sang ta năm 1280 đã ghi nhận nhiều điều về nghề dệt, Trần Phu đã thấy khắp nơi có những vườn dâu nho nhỏ và Từ Minh Thiện đã tận mắt thấy, tự tay sờ những tấm lụa ngũ sắc sợi nhỏ mịn ở Thăng Long.
Trong sách Dư địa chí, Nguyễn Trãi ghi nhận, ở Đông Đô có những phường dệt nổi tiếng về tài dệt những tấm lụa mịn mặt như Nghi Tàm, Thụy Chương. Thời Lê Thánh Tông, cuối thế kỷ XV, vùng Tam Giang có nhiều thợ giỏi dệt được những hàng tơ lụa cao cấp. Thợ dệt Mật Cầu làm được nhiều thứ lụa mỏng, màu sắc đẹp có thể sánh ngang lụa Trung Quốc. Thợ dệt ở Mỗ thì nổi tiếng tài dệt lụa hoa. Ông Nguyễn Quý Đức tiến sỹ khoa Bính Thìn (1676) làm quan đến chức Tham tụng kiêm Thượng thư bộ lễ, là người vùng Mỗ. Có chuyện về Nguyễn Quý Đức hồi còn bé đã đối đáp với viên Tri phủ người làng Đơ. Ông Phủ Đơ ra vế đối: Khoai Đơ xanh tốt nhờ có phủ, và bắt Quý Đức phải đối. Ý câu đó là nhờ có ông Phủ mà khoai Đơ nổi tiếng mới xanh tốt. Quý Đức đối lại ngay: Lĩnh Mỗ vàng trơn bởi vì nghè, ý là lĩnh Mỗ danh tiếng nhờ có kỹ thuật nghè và cũng hàm ý đất Mỗ là đất có nhiều người đỗ tiến sỹ. Qua câu chuyện đối đáp của Nguyễn Quý Đức, ta biết, đầu thế kỷ XVII thợ dệt Đại Mỗ đã dệt được lĩnh rất đẹp. Từ thế kỷ XV, thợ dệt Thăng Long đã dệt được lụa tấm dài 30 thước (tức gần 10m) và rộng từ thước rưỡi trở lên (tức nửa mét trở lên).
Trong sách Kiến văn tiểu lục, Lê Quý Đôn (1726 – 1784) có ghi chép nhiều về nghề dệt trên địa bàn Hà Nội xưa. Ông khẳng định, nước ta thuộc xứ nóng nuôi tằm nhiều hơn các xứ khác, một năm được đến 8 lứa. Tổ tiên ta chọn lựa được 8 giống tằm mà mỗi giống thích nghi với khí hậu từng tháng nhất định trong năm. Lê Quý Đôn cho biết, vùng Tam Giang đất hẹp người đông, Từ Liêm có nhiều bãi sông trồng dâu, nhân dân chăm lo việc chăn tằm, dệt vải. Các làng như Mỗ, La, Phùng có tài dệt lụa, là, sồi, lĩnh và các thứ lụa dày là láng, lĩnh vân. Cuối thế kỷ XVIII, Nguyễn Huy Lượng viết Tụng Tây Hồ phú, có mô tả cảnh dệt lĩnh, dệt gấm thật rộn rã ở phường Trích Sài và phường Bái ân. Phần lớn những hàng dệt tơ tằm đều được đưa về nội thành bán, tập trung nhiều nhất ở Hàng Đào. Dư địa chí của Nguyễn Trãi đã ghi: “Phường Hàng Đào nhuộm điều”, là chuyện nhuộm các màu đỏ, hồng, hoa đào. Sách Thượng kinh phong vật chí ghi: “Phường Hàng Đào làm nghề nhuộm màu. Màu trắng như tuyết, màu đỏ như tiết, màu đen như mực... Màu vàng là chính. Màu tạp thì có màu hoa hiên, thiên thanh, cánh chả, quan lục, không màu nào giống màu nào”. Sang thời thuộc Pháp, phố Hàng Đào bán đủ loại hàng dệt tơ tằm: Lụa, the, là, lượt, lĩnh, nái, nhiễu, gấm, vóc, sa... Trong những thứ hàng cao cấp ấy, trừ gấm và vóc dệt bằng tơ đã nhuộm, các thứ khác đều để mộc, và người Hàng Đào mua đồ dệt mộc đó về nhuộm những màu điều. Màu thâm thì họ giao người ở phố Hàng Thợ Nhuộm làm. Muốn chuội cho trắng thì họ nhờ người bên phố Cầu Gỗ làm...
Lượt, là, lĩnh, lụa, khuyến, lương
Ấy là những thứ mặc thường của ta
Thứ trơn rồi lại thứ hoa
Quế, vân, gấm, vóc, băng, sa, kỳ, cầu...
Ở mỗi làng dệt, thợ giỏi có thể dệt được nhiều mặt hàng, trong đó tinh xảo nhất là lụa hoa, còn gọi là lụa vân. Thợ Vạn Phúc, Đại Mỗ tài hoa tạo nên nhiều loại lụa hoa, trong đó có lụa ngũ sắc, lụa cài hoa hồng, hoa cúc, hoa đào, quả lựu, rồi bướm, hạc, phượng, chữ thọ... Những vẻ đẹp hoa lụa Đại Mỗ, Vạn Phúc đã trở thành giá trị thẩm mỹ riêng biệt của hàng tơ tằm của Việt Nam. Hàng lĩnh nhiều nơi dệt được, nhưng lĩnh đẹp nhất nước ta là do thợ dệt Trích Sài, Bái ân, Nghĩa Đô, Võng Thị tạo nên. Hàng the được dệt bởi các sợi mảnh và thưa, để may những áo dài mặc ngoài, làm tôn chiếc áo cánh mặc bên trong. Hàng sa rất mỏng, cũng mặc ngoài, khiến áo trong rất gợi cảm. Còn hàng băng thì dệt như mạng, trong suốt hoặc lác đác một ít hoa văn. Nhiều thì dệt dày, nổi cát, may đồ mặc mùa lạnh. Gấm có nền màu lam điểm hoa văn chữ thọ, dùng may lễ phục từ xưa...
Có thể nói, hàng dệt tơ tằm Thăng Long Hà Nội theo thời gian trở nên vô cùng phong phú và ngày càng phát triển cao cả về mặt kỹ thuật dệt cũng như vẻ đẹp văn hóa thẩm mỹ. Nó luôn đáp ứng được nhu cầu của người Thăng Long – Hà Nội thanh lịch nói riêng và của người cả nước nói chung.
Anh Chi