Nghe dân nói, nói dân hiểu và làm dân tin

- Chủ Nhật, 31/10/2021, 06:50 - Chia sẻ
“Đại biểu phần lớn là cán bộ, công chức, viên chức, doanh nhân… Cần bám sát phương châm 9 chữ “Nghe dân nói, nói dân hiểu và làm dân tin”. Làm tốt 9 chữ đó thì đại biểu thực sự là đại biểu của dân rồi” - cử tri hiến kế. Và, điều quan trọng nhất chứng minh việc làm để dân tin đó chính là quan tâm giải quyết kịp thời các kiến nghị, nguyện vọng chính đáng của cử tri và Nhân dân.

Đừng để giãn cách thêm… cách lòng

Đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 khiến hàng chục tỉnh, thành phố trong cả nước chịu ảnh hưởng, thiệt hại nặng nề. Đại dịch Covid-19 chính là một lời cảnh tỉnh sâu sắc nhắc nhở tất cả chúng ta phải quan tâm đến môi trường sống và sức khỏe con người. Phong tỏa, giãn cách, cách ly, kiểm soát… là những khái niệm không còn xa lạ. Mọi người không ai bảo ai chấp hành nghiêm túc để khó khăn nhanh chóng qua đi, nhưng cũng không ít người vì sự ích kỷ cá nhân mà chống đối, hành xử không đẹp, tạo nên những dư luận xấu xí trong lòng công chúng và Nhân dân. Đáng buồn thay, trong số đó có cả đại biểu của Nhân dân.

“Anh đại diện cho dân mà ý thức anh chấp hành như thế thì làm sao đại diện được” - cử tri thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh bày tỏ quan điểm tại cuộc TXCT trực tuyến giữa ĐBQH với cử tri trước Kỳ họp thứ Hai khi nhắc đến một số vụ việc đại biểu dân cử ở một số địa phương vi phạm phòng dịch. “Chúng tôi đồng tình với việc do dịch bệnh, đại biểu không thể trực tiếp TXCT như trước đây. Nhưng thiếu gì cách đại biểu đến với cử tri: TXCT trực tuyến, liên hệ qua Zalo, Facebook, điện thoại… Đừng đổ lỗi tại Covid-19 mà một số kiến nghị của cử tri chưa được quan tâm giải quyết kịp thời. Lý do đó chưa thuyết phục” - một cử tri ở Nghệ An bày tỏ khi việc nâng cấp, mở rộng tuyến đường liên xã nông thôn mới đầy ổ voi, ổ gà nhưng mãi chưa được giải quyết.

Khi chưa có dịch Covid-19, bên cạnh những đại biểu tâm huyết, nỗ lực, gần gũi với Nhân dân thì cũng còn những đại biểu có vẻ “cách lòng” dù chưa giãn cách. “Về với dân, xách cặp ngồi bàn trên, chỉ chào lãnh đạo địa phương mà không hề xuống bắt tay cử tri một tiếng. “Lời chào cao hơn mâm cỗ”. Không phải cứ đợi đến giới thiệu rồi vỗ tay, cúi chào như vậy mới là chào. Đại biểu dân cử phải chào cử tri bằng cái tâm kìa” - cử tri Nguyễn Tiến Dũng (thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh) nói vui khi tôi đề cập đến lời chào cử tri. Theo ông, đại biểu về TXCT theo kế hoạch đó là đương nhiên, bắt tay xã giao cử tri cũng là chuyện bình thường, thế nhưng cũng có một số đại biểu lặng lẽ khi gặp cử tri. Chào cho có tâm là chào trân trọng, là sự quan tâm hỏi han, là tiếp thu một cách cầu thị kiến nghị của cử tri. Dù Covid-19 hay không thì lời chào ấy vẫn có thể thực hiện được bởi bây giờ chúng ta đang vận dụng kinh tế số vào mọi hoạt động trong đó có cả hoạt động của cơ quan dân cử.

Cử tri kỳ vọng những đại biểu dân cử đã được lựa chọn thực hiện nghiêm túc lời hứa khi đi vận động bầu cử

Ảnh: Bình Nguyên

Giải quyết kịp thời những nguyện vọng chính đáng

“Đại biểu phần lớn là cán bộ, công chức, viên chức, doanh nhân… Cần bám sát phương châm 9 chữ “Nghe dân nói, nói dân hiểu và làm dân tin”. Làm tốt 9 chữ đó thì đại biểu thực sự là đại biểu của dân rồi” - cử tri hiến kế. Nghe dân nói thì phải liên hệ với dân, anh không liên hệ với dân thì sao mà nghe dân nói được. Nói dân hiểu có nghĩa là thực hiện cho tròn vai đại biểu dân cử trong việc đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết của Quốc hội và HĐND đi vào cuộc sống, mà trách nhiệm đầu tiên là của đại biểu dân cử sau mỗi kỳ họp trong tuyên truyền, giải thích các văn bản, nghị quyết cho cử tri và Nhân dân “thấu”. Làm dân tin thì chứng minh bằng việc hiện thực hóa lời hứa của mình. Dành đủ hoặc nhiều hơn 1/3 thời gian cho hoạt động của cơ quan dân cử. Liên hệ chặt chẽ với cử tri và lựa chọn được hình thức phù hợp trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Điều quan trọng nhất chứng minh việc làm để dân tin đó chính là quan tâm giải quyết kịp thời các kiến nghị, nguyện vọng chính đáng của cử tri và Nhân dân. “Một kiến nghị mấy nhiệm kỳ chưa giải quyết được và lý do chưa giải quyết giải thích chưa rõ ràng thì làm sao cử tri chúng tôi tin cho được. Vậy nên, đại biểu cần quan tâm nhất chính là làm cho tốt chức năng đại diện, cầu nối giám sát, đôn đốc các cơ quan chức năng giải quyết kiến nghị của cử tri” - cử tri khẳng định rõ quan điểm.

Một giải pháp nữa phải kể đến đó là cần sớm thể chế hóa bằng các quy định cụ thể để người dân thực hiện được phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” trong hoạt động của cơ quan dân cử trên mọi lĩnh vực. Trong đó, cần nhất quan tâm công bố, công khai quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; đất đai, đầu tư công cho người dân biết. Thực hiện thực chất khâu lấy ý kiến Nhân dân. Tiếp thu, tôn trọng ý kiến đóng góp của Nhân dân khi dân bàn đến dự án; đối với những hạng mục còn nhiều khúc mắc, cần tổ chức đối thoại với Nhân dân. Để người dân có căn cứ kiểm tra, giám sát, ngoài công khai minh bạch các hạng mục, dự án, công trình thì cần quy định rõ cơ chế giám sát. Ngoài giám sát qua cơ quan dân cử; qua MTTQ và các đoàn thể; qua Ban giám sát đầu tư cộng đồng, Thanh tra Nhân dân, cần cụ thể hóa hình thức giám sát trực tiếp, gửi kiến nghị, đơn thư phản ánh; giám sát qua báo chí...

Lê Hồng Hạnh - Phó trưởng ban Kinh tế - Xã hội HĐND thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh