Xuống ấp đối thoại với dân
Mô hình “Ngày thứ sáu nghe dân nói” được triển khai ngày 20.6.2014 tại xã Đông Phước A, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang. Nhớ lại ngày đầu triển khai mô hình, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Nguyễn Thanh Việt cho biết, năm 2014, khi mô hình đi vào hoạt động, ông đang là Phó Chủ tịch UBND xã trực tiếp ghi nhận, trả lời nhiều ý kiến người dân đặt ra. Sau đó, ông được bầu làm Chủ tịch UBND, hiện nay là Bí thư Đảng ủy xã, mô hình luôn được ông Việt chỉ đạo duy trì, thực hiện hiệu quả.
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Nguyễn Thanh Việt cho biết, người dân muốn phản ánh khó khăn, bức xúc nhưng ngại gặp cán bộ, ngại va chạm. Tình trạng người dân kiến nghị vượt cấp cũng xuất phát từ việc những kiến nghị, bức xúc của họ chưa được xem xét, giải quyết kịp thời. Trước thực tế đó, Đảng ủy xã đã quyết định xây dựng mô hình “Ngày thứ Sáu nghe dân nói” với phương châm cán bộ, công chức của xã phải chủ động xuống tận ấp nghe dân nói, xem việc của dân là việc của mình để cùng bàn bạc, giải quyết. Từ sáng kiến này, mỗi thứ Sáu tuần cuối tháng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND, cán bộ phụ trách các ngành, MTTQ Việt Nam và các đoàn thể xã xuống một ấp để đối thoại với dân. Tháng sau lại luân phiên ở một ấp khác, cứ thế trong năm sẽ đối thoại đủ hết các ấp trên địa bàn.
Qua từng cuộc đối thoại, lắng nghe trao đổi, phản ánh những vướng mắc, cán bộ, công chức xã Đông Phước A đã hiểu rõ tình hình, đời sống, tâm tư, nguyện vọng của người dân, kịp thời xử lý, giải quyết những kiến nghị chính đáng cho bà con ngay từ cơ sở, hạn chế tối đa các kiến nghị vượt cấp.
Xác định việc giải quyết, trả lời ý kiến của người dân là yếu tố quan trọng để mô hình phát huy hiệu quả, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh đề nghị người đứng đầu cấp ủy, UBND các cấp phải xem việc tiếp dân, đối thoại, giải quyết khiếu nại, kiến nghị, tâm tình của dân là công việc thường xuyên của hệ thống chính trị; đồng thời, yêu cầu chính quyền các cấp chủ động bố trí thời gian, sắp lịch tiếp công dân định kỳ và đột xuất, không chỉ tiếp công dân tại cơ quan, mà có thể bố trí ngay tại cơ sở, tại điểm nóng.
Từ nỗ lực đó, người dân và chính quyền gắn bó với nhau hơn, cùng bắt tay thực hiện những việc “dễ trăm lần không dân cũng khó”. Ông Nguyễn Văn Em, một người dân ấp Phước Tân cho biết: “Năm đó, khi họp dân, nghe người dân bày tỏ mong muốn được nâng cấp tuyến lộ trong ấp, cấp ủy, chính quyền xin ý kiến bà con về việc nâng cấp tuyến lộ ấp Phước Tân theo phương châm Nhà nước và Nhân dân cùng làm. Chúng tôi tin tưởng nên đã tự nguyện đóng góp tiền, ngày công lao động để cùng với chính quyền sửa lộ, lắp đèn, không chỉ sửa được đường mà tuyến lộ dài 1.200m còn được lắp thêm 60 bóng đèn chiếu sáng.
Việc sửa đường, làm cầu, tổ chức các hoạt động xã hội, khám chữa bệnh đến việc giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương cũng trở nên nhanh chóng, dễ dàng hơn khi có sự phối hợp ăn ý, chia sẻ với nhau từ những tối thứ 6 nghe dân nói. Tình trạng cán bộ nhũng nhiễu, vòi vĩnh hay “làm khó” bà con của cán bộ cũng được chấn chỉnh kịp thời qua phản ánh của người dân.
Lan tỏa rộng khắp
Từ những kết quả đạt được của mô hình “Ngày thứ sáu nghe dân nói” của Đảng ủy xã Đông Phước A, tháng 9.2022, Ban Thường vụ Huyện ủy Châu Thành đã ban hành Kế hoạch số 72-KH/HU về nhân rộng mô hình “Ngày thứ Sáu tuần cuối hàng tháng nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin” tại 8 xã, thị trấn trong toàn huyện để tạo sự gắn kết giữa các cấp ủy đảng, chính quyền và Nhân dân, góp phần cho Châu Thành xây dựng đạt các mục tiêu huyện công nghiệp theo kế hoạch.
Từ tháng 9.2022 đến cuối năm 2023, với mô hình “Ngày thứ Sáu tuần cuối hàng tháng nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”, các cấp ủy, chính quyền huyện Châu Thành đã gặp gỡ, tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân được trên 250 buổi, có hơn 5.000 lượt người tham dự, với gần 1.000 lượt hộ dân phát biểu, gần 2.000 lượt ý kiến. Các kiến nghị tập trung giải quyết các thủ tục hành chính một cửa, chính sách của Nhà nước đối với hộ nghèo, cận nghèo, lộ giao thông, thủy lợi nội đồng, hỗ trợ nhà tình nghĩa, tình thương, giáo dục, BHYT, công tác bảo đảm vệ sinh môi trường ở nông thôn; giải phóng mặt bằng để xây dựng tuyến cao tốc đi qua địa bàn huyện và xây dựng các khu công nghiệp của huyện. Người dân cũng có ý kiến góp ý về tinh thần, thái độ làm việc của cán bộ, đảng viên…
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hậu Giang Lê Công Lý chia sẻ, thực tế cho thấy, nơi nào mô hình “Ngày thứ sáu tuần cuối hàng tháng nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin” được triển khai thực hiện thì cấp ủy, chính quyền nơi đó nhận được lời khen về sự gần gũi, giải quyết tốt công việc của dân.
Tháng 9.2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang ban hành Công văn số 900 ngày 13.9.2023 đề nghị các đơn vị, địa phương tổ chức thực hiện và nhân rộng mô hình trên địa bàn tỉnh. Kết quả đến nay, nhiều địa phương đã học tập vận dụng mô hình có hiệu quả: nhiều vụ việc đã được giải quyết trực tiếp thấu tình đạt lý, nhất là những thắc mắc khiếu nại, tố cáo, bức xúc trong việc đền bù, giải phóng mặt bằng; những vấn đề không thuộc thẩm quyền cũng được ghi nhận để đề xuất lên cấp trên, hạn chế tình trạng khiếu kiện kéo dài, vượt cấp, góp phần mở rộng dân chủ, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội. Bên cạnh đó, việc tiếp dân, đối thoại, giải quyết khiếu nại, kiến nghị, tâm tình của dân là công việc thường xuyên của hệ thống chính trị nhằm giải quyết những bức xúc, xây dựng mối quan hệ gắn bó giữa cấp ủy, chính quyền với người dân.