Mong các cấp lãnh đạo xem xét hỗ trợ giáo viên mầm non về chế độ lương khi trực trưa
Cô Hoàng Thị Vân, giáo viên Trường Mầm non Nấm Dẩn, huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang tâm sự, mong muốn lớn nhất của cô là được Đảng và Nhà nước quan tâm nhiều hơn đến ngành giáo dục nói chung và ngành giáo dục mầm non nói riêng.
Theo cô Vân, hiện nay, tại khu vực vùng cao, khó khăn như Trường Mầm non Nấm Dẩn nơi cô đang công tác, Nhà nước đã hỗ trợ chi phí cho các cháu ở độ tuổi 3 - 5 tuổi, còn các cháu thì từ 0 - 2 tuổi chưa được hỗ trợ tiền ăn trưa. Cô Vân bày tỏ mong muốn, Đảng và Nhà nước tạo điều kiện để trẻ 0 - 2 tuổi cũng được hưởng sự hỗ trợ giống các cháu 3 - 5 tuổi, giúp gia đình các cháu đỡ vất vả hơn.
Bên cạnh đó, cô Hoàng Thị Vân cũng đề xuất các cấp lãnh đạo hỗ trợ nhiều hơn cho giáo viên vùng cao và đặc biệt là giáo viên mầm non. Nữ giáo viên bộc bạch, hiện nay, các thầy cô mầm non vẫn đang trực buổi trưa 2 tiếng mà không có khoản hỗ trợ.
“Nếu như các trường ở thành phố hay trung tâm huyện, trường thị trấn có điều kiện tốt, giáo viên mầm non sẽ được hỗ trợ chút ít từ phụ huynh cho các giờ trực trưa thì giáo viên mầm non các vùng khó khăn hoàn toàn không có, bởi điều kiện phụ huynh còn nghèo, không thể đóng góp. Do đó, tôi rất mong các cấp lãnh đạo sẽ xem xét hỗ trợ giáo viên mầm non về vấn đề này”, cô Vân bày tỏ kỳ vọng.
Cô Vân tâm sự, việc đến với nghề giáo viên mầm non có lẽ là cơ duyên, bởi ban đầu cô chỉ đi học vì được bạn bè rủ và cũng chưa nghĩ sẽ thích nghề này. Tuy nhiên, sau các lần tiếp xúc với trẻ nhỏ và được các con dành tình cảm, cô nhận ra mình đã chọn đúng nghề và rất yêu nghề giáo viên.
“Thời điểm mới lên vùng cao công tác, đường xá đi lại khó khăn, điều kiện kinh tế ở đây còn thấp, phụ huynh vẫn chưa quan tâm đến đời sống và việc học của con em, nên đã có những lúc tôi cảm thấy nản chí rất nhiều. Tuy nhiên, tôi chưa bao giờ có ý định bỏ nghề, bởi tôi rất yêu trẻ nhỏ và rất hạnh phúc khi cảm nhận được tình cảm của những đứa trẻ dành cho mình”, cô Vân nói.
Mong mỏi, đội ngũ giáo viên hãy cùng nhau cố gắng
Cô Võ Hồng Hạnh, giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Việt Hồng, Hóc Môn, TP. Cần Thơ cho biết, bản thân cô cảm thấy rất vui và vinh dự khi là 1 trong 200 giáo viên được Bộ GD-ĐT tuyên dương, khen thưởng năm 2023.
Nói về những khó khăn bản thân và các đồng nghiệp đang phải đối mặt, cô Hạnh tâm sự, bước vào năm học mới, các giáo viên tiểu học đang chuẩn bị, thực hiện Chương trình GDPT mới 2018. “Người cũ việc mới” khiến các thầy cô phải cố gắng rất nhiều trong việc cập nhật kiến thức để đạt được những kỹ năng, kiến thức cần có của Chương trình GDPT 2018, sẵn sàng truyền thụ cho học sinh.
Bản thân cô Hạnh và các đồng nghiệp xung quanh gặp nhiều khó khăn trong cách tiếp cận kiến thức.
Chương trình mới đòi hỏi giáo viên phải có kỹ năng hướng dẫn học sinh thực hành kiến thức, áp dụng kiến thức thực tế, thay vì dạy nhiều lý thuyết như trước đây. Do vậy, giáo viên phải nỗ lực nhiều hơn, phải tổ chức nhiều hoạt động vận dụng để học sinh có kỹ năng áp dụng vào cuộc sống.
“Tôi nghĩ rằng trong vấn đề này, Bộ GD-ĐT và các ban, ngành đã nhìn thấu nên cũng đã có những chuẩn bị, thay đổi tích cực để giáo viên an tâm công tác. Bộ GD-ĐT đã chủ động hỗ trợ cho giáo viên trong vấn đề tập huấn, phân công người giúp đỡ giáo viên khi đổi mới chương trình. Chúng tôi đã được tham gia vào các nhóm Zalo tập huấn giáo viên trên cả nước, khi gặp khó khăn có thể liên hệ, học hỏi trực tiếp các chuyên gia”, cô Võ Hồng Hạnh chia sẻ.
Tuy nhiên, theo cô Hạnh, để thực hiện tốt chương trình, quan trọng nhất, bản thân mỗi người giáo viên phải chủ động trong đổi mới, nâng cấp những kiến thức, kỹ năng cho mình. Cô Hạnh bày tỏ mong mỏi, đội ngũ giáo viên hãy cùng nhau cố gắng, chủ động hơn nữa trong việc tiếp nhận những kỹ năng, kiến thức để nâng cao kỹ năng của bản thân, đáp ứng chương trình mới.
“Lực bất tòng tâm” vì thiếu thiết bị giảng dạy
Chia sẻ với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân, thầy giáo Cao Tấn Tài, giáo viên môn Khoa học Tự nhiên, phân môn Hoá học của Trường THCS Thiện Ngôn, xã Tân Bình, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh tâm sự, tròn 20 năm đứng trên bục giảng, chưa bao giờ thầy hối hận khi chọn nghề giáo.
20 năm cũng là quãng thời gian thầy Tài chứng kiến quá trình trưởng thành của biết bao thế hệ của trường THCS Thiện Ngôn, huyện Tân Biên - huyện biên giới của tỉnh Tây Ninh.
Thầy Tài chia sẻ, học sinh vùng Tân Bình phải chịu thiệt thòi về mọi mặt so với các bạn thành thị. Nhưng các em rất ham học và luôn nỗ lực phấn đấu. Thầy Tài còn nhớ có một số em vừa đi học, vừa đi làm nhưng vẫn đạt được thành tích cao trong học tập. Mỗi lúc nhìn học sinh ham học như vậy, thầy Tấn Tài lại tự dặn mình phải không ngừng tự trau dồi, học tập mỗi ngày để truyền dạy cho các em những kiến thức mới, dễ hiểu.
Chia sẻ cảm xúc khi là 1 trong 200 nhà giáo, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục tiêu biểu năm học 2022 - 2023, được nhận bằng khen của Bộ GD-ĐT, thầy Tài cho biết rất vinh dự, tự hào. Đây là lần đầu tiên nam giáo viên ra Hà Nội. Quãng đường di chuyển từ Tây Ninh xuống TP. Hồ Chí Minh, rồi bay ra Thủ đô, thầy Tài vẫn không ngừng hồi hộp và mong đợi.
Nói về những khó khăn, trăn trở của bản thân khi bước vào năm học mới, theo thầy Tài, nội dung giảng dạy học môn tích hợp của tổ Khoa học Tự nhiên đã được thống nhất và cách phân chia số tiết đã khoa học. Tuy nhiên, để đáp ứng quy chuẩn của chương trình GDPT mới, nhà trường đang khó khăn vì thiếu thiết bị giảng dạy.
Thầy Cao Tấn Tài trăn trở rằng, những thí nghiệm của chương trình mới rất hay, rất độc đáo, dễ hiểu, nếu học sinh được thực hành thì các em sẽ học tập hiệu quả hơn rất nhiều. Nhưng “lực bất tòng tâm” vì thiếu thiết bị giảng dạy, thầy Tài cùng đồng nghiệp chỉ còn cách vận dụng một số thiết bị có thể dùng lại của chương trình cũ. Dẫu vậy, có thí nghiệm cần dụng cụ mới mà cái cũ không có, nên đành cho học sinh làm thí nghiệm lý thuyết.
Thầy giáo Cao Tấn Tài hy vọng rằng thời gian tới Bộ GD-ĐT, cơ quan các cấp sẽ có cách giải quyết để trường học không còn lo lắng về thiết bị dạy học, học sinh được trải nghiệm những thí nghiệm thú vị như chương trình mới yêu cầu.