Ngày mới trên “đất lửa”

Ghi chép của DIỆP ANH 30/04/2022 07:13

Bầu trời những ngày cuối tháng Tư lịch sử dường như cao xanh hơn, gió Lào lướt nhẹ, chúng tôi về thăm lại Quảng Trị - nơi được xem là điểm “tỳ vai” của chiếc “đòn gánh” hai đầu đất nước; nơi có những địa danh đã trở thành huyền thoại như: Sông Thạch Hãn, Thành cổ... đã từng không ít lần đến nơi đây, nghe kể lại về một thời hoa lửa nhưng mỗi lần về lại đều có những cảm xúc khó tả… Miền “đất lửa” hôm nay đã và đang vươn mình mạnh mẽ, khẳng định sức sống mới trên cơ sở phát huy truyền thống cách mạng anh hùng.

Khát vọng thống nhất non sông

Những ngày tháng Tư lịch sử, Khu Di tích đặc biệt đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải ngập tràn sắc đỏ của cờ Tổ quốc cùng băng rôn, khẩu hiệu. Công tác chuẩn bị cho ngày hội “thống nhất non sông”, chào mừng kỷ niệm 47 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước và 50 năm ngày giải phóng tỉnh Quảng Trị tại cột cờ Hiền Lương đã hoàn tất… Không chỉ đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, lịch sử cách mạng Việt Nam còn ghi nhớ nhiều địa danh nổi tiếng ở Quảng Trị đã gắn với cuộc kháng chiến chống Mỹ. Sông Thạch Hãn không nằm ngoài những trang sử vàng. Bởi, nơi dòng sông mênh mang sóng nước ấy, trong 81 ngày đêm mùa hè đỏ lửa năm 1972, hàng vạn người lính bơi qua sông vào Thành cổ và nhiều người đã vĩnh viễn nằm lại với dòng sông. Để rồi nhà thơ Lê Bá Dương trong ngày hòa bình, mùa hè nào cũng về với "đất lửa", với một thuyền hoa huệ trắng thả xuống dòng sông viếng đồng đội. Để rồi, tự tim anh những câu thơ yêu thương đẫm lệ: “Đò xuôi Thạch Hãn ơi… chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi hai mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ bãi, mãi ngàn năm”... cũng trở thành bất tử cùng sóng nước mênh mông. 

Ánh nắng trở nên gay gắt, cùng những cơn gió Lào như thổi khô da thịt. Không gian Thành cổ hiện ra linh thiêng, tĩnh mịch như thể lắng nghe được tiếng cỏ cây thầm thì. Tiếng lòng rưng rưng, thổn thức của những lớp người ở lại… Lẫn trong màn khói trầm hương, chúng tôi được chứng kiến cuộc hạnh ngộ xúc động của những người lính năm xưa. Đối với họ, tháng Tư về như một lời hẹn ước thiêng liêng, dù ở bất cứ nơi đâu cũng sẽ trở về sum họp với đồng đội. Những người lính tóc đã ngả màu sương, nhẹ nhàng trầm lặng bước đi giữa hàng bia mộ. Lúc này, không khí im ắng bị xé tan bởi lời thơ thổn thức được cất lên từ một cựu chiến binh: “81 ngày đêm đất trời ken dày bom đạn/ Cát trắng rang vàng nghiêng lệch cả dòng sông…”.

Hòa cùng dòng người hành hương về thăm Thành cổ Quảng Trị hôm ấy, chúng tôi đã gặp cựu chiến binh Đinh Văn Lành (TP. Hải Phòng). Mắt đẫm lệ, ông chia sẻ: tôi may mắn hơn vì được trở về. Tháng Tư năm nào tôi cũng về đây thăm đồng đội - những người đã chiến đấu anh dũng và luôn mang trong mình khát vọng Tổ quốc được hòa bình, thống nhất.

Có những nỗi đau không thể nói thành lời, có những hy sinh không sử sách nào ghi hết. Để rồi, mỗi chuyến hành hương về nơi đây, càng thấm thía được nỗi đau của chiến tranh, tôn trọng giá trị của hòa bình, độc lập dân tộc… Có mặt tại đất lửa những ngày này, không chỉ có các cụ, các cựu chiến binh mà nhiều bạn trẻ cũng không giấu được xúc động. Anh Trần Hưng Tuấn (thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương) bày tỏ: tới đây, tôi mới thấy rõ được những hy sinh oanh liệt để có vinh quang như ngày hôm nay. Thật sự xúc động và biết ơn các chiến sĩ đã hy sinh thân mình để chúng tôi có ngày hôm nay... Chung tâm trạng, em Phan Hoàng Vân (Nghệ An) xúc động: Câu chuyện về những chiến sĩ năm xưa sẽ là bài học lịch sử cho thế hệ ngày hôm nay và mai sau. Xin dâng nén hương thơm gửi đến các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Hơn nửa thế kỷ trôi qua, khói hương chưa bao giờ tắt ở nơi chiến trường từng một thời khói lửa. Cùng với nhiều địa phương khác, các địa danh ở Quảng Trị đã đi vào lịch sử như một huyền thoại sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng Cách mạng… Theo Cựu chiến binh Lê Ngọc Bình (huyện Vĩnh Linh), trong những năm kháng chiến chống Mỹ, Quảng Trị trở thành tuyến đầu của hậu phương lớn miền Bắc xã hội chủ nghĩa vừa là tiền tuyến miền Nam - nơi đối đầu ác liệt của cuộc chiến tranh giữa chính nghĩa và phi nghĩa. “Trên những “tọa độ lửa” phải gánh chịu hàng chục tấn bom đạn, nay ngút ngàn màu xanh của các loại cây công nghiệp, như hồ tiêu, cao su và những địa danh dốc Miếu - Cồn Tiên; địa đạo Vĩnh Mốc, Thành cổ Quảng Trị... trở thành những địa điểm du lịch hấp dẫn… Không chỉ phát triển kinh tế bằng nuôi trồng các giống cây, con cho thu nhập cao, kinh doanh du lịch đã trở thành nguồn thu chính đối với nhiều gia đình”, ông Bình chia sẻ.

Thành phố Đông Hà, Quảng Trị hôm nay Ảnh: Diệp Anh
Thành phố Đông Hà, Quảng Trị hôm nay

Ảnh: Diệp Anh 

Bắt nhịp cùng dòng chảy hội nhập

Về với Quảng Trị hôm nay, hoa nở, cây cối thắm xanh trên những hố bom tọa độ. Vùng đất lửa năm xưa nay đã trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn khách du lịch, của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Chiến trường khốc liệt Cồn Tiên, Dốc Miếu, Khe Sanh, Tà Cơn nay là các vùng chuyên canh cây công nghiệp cao su, hồ tiêu, cà phê nổi tiếng. Tuyến đường 9 trở thành tuyến đường xuyên Á trên Hành lang kinh tế Đông - Tây gắn với một thương hiệu du lịch hết sức độc đáo: “Một ngày ăn cơm 3 nước”… Bấy nhiêu đó thôi cũng cho chúng ta hình dung về một Quảng Trị đang vươn mình lên mạnh mẽ và đổi mới.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng chia sẻ: Sau 47 năm đất nước thống nhất và 50 năm quê hương giải phóng, trên tinh thần phát huy mọi tiềm năng, nội lực, Đảng bộ, chính quyền và mọi người dân, Quảng Trị đã từng bước khắc phục khó khăn, đạt được những thành tựu quan trọng rất đáng tự hào. Đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân không ngừng nâng lên, GRDP bình quân đầu người ước đạt 57,5 triệu đồng. Bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới, phát triển, quốc phòng - an ninh, chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội luôn bảo đảm. Đặc biệt, kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh tiếp tục giữ ổn định. Nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, đồng thuận trong xã hội ngày càng cao.

Tuy nhiên, trên bước đường chinh phục khát vọng hưng thịnh của mình, Quảng Trị vẫn gặp phải không ít khó khăn, như: chất lượng tăng trưởng kinh tế chưa thực sự bền vững; việc triển khai thực hiện một số chương trình, đề án, lĩnh vực trọng điểm mang tính đột phá còn chậm; kỷ luật, kỷ cương, ý thức chấp hành mệnh lệnh hành chính ở một số đơn vị chưa nghiêm… Người đứng đầu UBND tỉnh khẳng định, thời gian tới, Quảng Trị sẽ tiếp tục thực hiện hoàn thành việc đầu tư xây dựng và phát triển trục kết nối các trọng điểm kinh tế đã đề ra; tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để triển khai, tổ chức thực hiện các dự án trọng điểm, như: Cảng hàng không Quảng Trị, Trung tâm Điện khí LNG Hải Lăng, Khu đô thị Thương mại- Dịch vụ Nam Đông Hà, Nhà máy may Scavi, Đường ven biển kết nối Hành lang kinh tế Đông -Tây…

Bên cạnh đó, Quảng Trị tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, lựa chọn các nhà đầu tư chiến lược; cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất bền vững, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; quan tâm xây dựng văn hóa con người nhằm khơi dậy, phát huy những phẩm chất truyền thống tốt đẹp của người Quảng Trị đáp ứng thời kỳ hội nhập và phát triển… “Đồng thời, UBND tỉnh sẽ nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp; thực hiện tốt công tác sắp xếp tổ chức bộ máy, giải quyết kịp thời đúng pháp luật đơn thư khiếu nại tố cáo; thực hiện tốt công tác đối ngoại, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn”, ông Võ Văn Hưng cho biết.

Rời thành phố Đông Hà trong buổi chiều hoàng hôn sâu lắng, chúng tôiGhé Cửa Tùng, Cửa Việt biển biếc xanh/ Nghe sóng vỗ thì thầm bờ cát trắng…/ Lòng tự hào về Quảng Trị đất linh thiêng… Nếu ai đó có dịp về Quảng Trị, ghé thăm hơn 400 di tích chiến tranh, 72 nghĩa trang liệt sĩ với gần 60.000 liệt sĩ trong cả nước an nghỉ, hãy nhớ rằng mảnh đất này thực sự là bảo tàng chứng tích lịch sử huyền thoại, góp phần quyết định vào chiến thắng trên chiến trường miền Nam, tạo đà thống nhất non sông!

    Nổi bật
        Mới nhất
        Ngày mới trên “đất lửa”
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO