Ngày làm việc thứ mười lăm, Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội Khóa XV
Sáng 21/5, tiếp tục Kỳ họp thứ Chín, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Công đoàn, Luật Thanh niên và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.
Với 449/449 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, đạt tỷ lệ 100%, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XVI và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031.

Cùng ngày, Quốc hội thảo luận tại Tổ về: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Công đoàn, Luật Thanh niên và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thay thế Nghị quyết số 35/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng; chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku; điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc thí điểm Viện kiểm sát nhân dân khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền dân sự của các chủ thể là nhóm dễ bị tổn thương hoặc bảo vệ lợi ích công.
Tăng tính chủ động cho cấp xã trong công tác bầu cử
Các ĐBQH cơ bản thống nhất với sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân để bảo đảm thống nhất, đồng bộ với việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 và các luật có liên quan.
Quan tâm đến quy định về xác định khu vực bỏ phiếu, ĐBQH Nguyễn Văn Huy (Thái Bình) đề nghị cần quy định rõ trong dự thảo Luật về trách nhiệm UBND cấp tỉnh trong việc kiểm tra, kiểm soát, giám sát việc xác định khu vực bỏ phiếu.
Đại biểu Nguyễn Văn Huy cho rằng, việc xác định khu vực bỏ phiếu là nội dung rất quan trọng, bảo đảm sự thuận lợi cho người dân trong khu vực thực hiện quyền bầu cử. Việc này phải được kiểm tra, kiểm soát, giám sát chặt chẽ, nếu không thì có thể dẫn đến tình trạng tùy tiện trong việc sắp xếp số lượng cử tri đi bầu để xác định khu vực bỏ phiếu và dễ dẫn đến sai sót, vi phạm trong bầu cử. Vì vậy, việc giao UBND cấp xã xác định khu vực bỏ phiếu để tăng tính chủ động cho cấp xã trong công tác bầu cử và trách nhiệm của UBND cấp tỉnh trong tình hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp là hoàn toàn hợp lý.
Cũng lưu ý nội dung trên, ĐBQH Nguyễn Văn Mạnh (Vĩnh Phúc) cơ bản nhất trí với việc phân cấp, phân quyền như quy định tại dự thảo Luật. Song, đại biểu chỉ rõ, hiện nay trong dự thảo Luật chưa làm rõ các tiêu chí cần thiết để UBND tỉnh điều chỉnh việc xác định khu vực bỏ phiếu.
“Đây là một khái niệm mở để dẫn đến việc áp dụng tùy tiện. Hơn nữa trong dự thảo Luật còn thiếu yêu cầu UBND cấp xã phải báo cáo UBND cấp tỉnh”, đại biểu Nguyễn Văn Mạnh chỉ rõ.
Do đó, cần bổ sung quy định UBND cấp xã có trách nhiệm báo cáo UBND cấp tỉnh về phương án xác định khu vực bỏ phiếu. Trường hợp cần thiết theo đề nghị của UBND cấp xã hoặc do yêu cầu bảo đảm thống nhất trên địa bàn tỉnh thì UBND cấp tỉnh có thể điều chỉnh.
Làm rõ quan hệ công tác giữa Mặt trận Tổ quốc và các thành viên trực thuộc
Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Công đoàn, Luật Thanh niên và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở do Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến trình bày. Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh nêu rõ, Ủy ban Văn hóa và Xã hội tán thành sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung 4 Luật với phạm vi sửa đổi, bổ sung một số điều liên quan trực tiếp đến sắp xếp tổ chức bộ máy. Tuy nhiên, Ủy ban đề nghị tiếp tục làm rõ tính chất “trực thuộc” của các tổ chức thành viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; mối quan hệ công tác giữa Mặt trận Tổ quốc và các thành viên trực thuộc nhưng vẫn bảo đảm tính độc lập tương đối, chủ động sáng tạo, hoạt động theo pháp luật và điều lệ của mỗi tổ chức theo đúng tinh thầncủa Hiến pháp và các Nghị quyết của Trung ương...
Thảo luận tại tổ, các ĐBQH tán thành sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Công đoàn, Luật Thanh niên và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở (Luật sửa đổi, bổ sung 4 Luật). ĐBQH Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) đánh giá cao các điểm tiến bộ của dự thảo Luật khi đã sửa đổi, bổ sung Điều 1 của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để quy định rõ hơn vị trí của MTTQ so với quy định hiện hành. Theo đó, quy định tại dự thảo Luật đã nêu rõ MTTQ Việt Nam là bộ phận của hệ thống chính trị của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; thể hiện ý chí, nguyện vọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân…
Một số đại biểu Quốc hội đề nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục làm rõ tính chất “trực thuộc” của các tổ chức thành viên MTTQ Việt Nam; mối quan hệ công tác giữa MTTQ và các thành viên trực thuộc nhưng vẫn bảo đảm tính độc lập tương đối, chủ động sáng tạo, hoạt động theo pháp luật và điều lệ của mỗi tổ chức theo đúng tinh thần của Hiến pháp và các Nghị quyết của Trung ương. Theo ĐBQH Trần Công Phàn (Bình Dương), việc điều hành, quản lý của MTTQ với các tổ chức trực thuộc phải được quy định rõ, tránh hành chính hóa công tác quản lý và ảnh hưởng đến việc tổ chức quần chúng thực hiện nguyên tắc tự nguyện thành lập của mình. “Các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức quần chúng, hội chỉ về chung một mái nhà, việc quản lý chuyên môn phải được phân định rõ ràng và quy định cụ thể tại dự thảo Luật”, đại biểu đề nghị.
Chặt chẽ hơn việc xác định chi phí đầu tư làm cơ sở xác định giá bán
Về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, đây là vấn đề cấp bách và cũng rất mới. Đối tượng áp dụng của Nghị quyết là cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân liên quan đến phát triển, quản lý, sử dụng, sở hữu nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp, nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân. Trong đó, nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp, nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân tuy không gọi là nhà ở xã hội nhưng cũng có tính chất xã hội rất cao, rất cần thiết.
Về Quỹ nhà ở quốc gia quy định tại Điều 4 dự thảo Nghị quyết, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, nguồn ngân sách nhà nước chỉ là một phần, thời gian tới chủ yếu là phải huy động nguồn lực xã hội hóa. Khoản 3 Điều 4 quy định “Quỹ Nhà ở quốc gia thực hiện chức năng đầu tư xây dựng, tạo lập quỹ nhà ở xã hội, nhà ở cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuê mua, thuê”. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu quan điểm, quỹ có chức năng chủ yếu là cung cấp vốn để đầu tư, do đó, trong khoản 3 cần quy định rõ ràng hơn theo hướng Quỹ Nhà ở quốc gia thực hiện chức năng bảo đảm nguồn vốn, kinh phí để đầu tư xây dựng.
Về tổ chức thực hiện quy định tại Điều 13, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị bổ sung nội dung Chính phủ phải bố trí, cân đối nguồn vốn hoặc hướng dẫn địa phương bố trí vốn và trong trường hợp vượt thẩm quyền thì báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, Quỹ Nhà ở quốc gia thực hiện chức năng đầu tư xây dựng, tạo lập quỹ nhà ở xã hội, nhà ở cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuê mua, thuê. Đây là một loại Quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước. Cho biết, hiện nay có rất nhiều Quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước nhưng hoạt động không hiệu quả, do vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, phải làm sao để Quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước chi thực chất, hiệu quả.
Qua nghiên cứu về xác định giá bán, giá thuê mua nhà ở xã hội (Điều 8) dự thảo Nghị quyết, ĐBQH Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) cho rằng, vẫn còn những điểm chưa phù hợp, còn mâu thuẫn và có thể khó triển khai trong thực tế. Theo đại biểu, khi công trình đã đưa vào sử dụng, cư dân đã vào ở, hợp đồng đã thực hiện, thì việc hoàn trả không những phức tạp về thủ tục mà còn rất dễ bị né tránh, chậm trễ hoặc kéo dài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi người dân. Đại biểu đề nghị, việc xác định giá bán, giá thuê mua phải gắn liền với trách nhiệm giải trình rõ ràng, minh bạch và có sự giám sát nhất định từ phía nhà nước.
Cùng quan điểm trên, ĐBQH Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) đề nghị, quy định chặt chẽ hơn việc thẩm tra, kiểm toán chi phí đầu tư làm cơ sở xác định giá bán, tránh việc đẩy giá lên cao vượt khả năng chi trả của người thu nhập thấp; bổ sung cơ chế kiểm soát lợi nhuận thực tế thay vì chỉ quy định “lợi nhuận định mức”.
Bổ sung nội dung Chính phủ bố trí, cân đối nguồn vốn
Phát biểu tại phiên thảo luận Tổ 10, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thay thế Nghị quyết số 35/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng, hiện nay chúng ta đang trong khí thế cách mạng tiến công, tất cả mọi hướng đều mở ra cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để thúc đẩy phát triển, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên cất cánh. Hiện nay các công việc đang được tiến hành rất khẩn trương với tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng” vì vậy phải có cơ chế kiểm soát, phòng ngừa rủi ro. Do đây là nghị quyết thay thế Nghị quyết số 35/2021/QH15, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cần có quy định về điều khoản chuyển tiếp. Tuy nhiên, trong dự thảo Nghị quyết hiện nay chưa có nội dung này.
Điều 12 dự thảo Nghị quyết quy định thời gian thực hiện thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng quy định tại Chương II là 5 năm; riêng đối với các cơ chế, chính sách quy định tại Điều 9, Điều 10 Nghị quyết này thời gian thực hiện thí điểm là 10 năm. Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, quy định như vậy là chưa hợp lý, chưa chặt chẽ. Nghị quyết thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng trong 5 năm nhưng những cơ chế, chính sách đã được quyết định cho chủ thể được hưởng thì nên hưởng hết thời gian được quyết định.
Tính toán kỹ lưỡng các tác động của việc giảm thuế giá trị gia tăng
Về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải lưu ý, theo báo cáo của Chính phủ, việc giảm thuế sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách, do đó Chính phủ cần phải tính toán lại các khoản thu, chi để đảm bảo cân đối ngân sách.
Phân tích tác động của chính sách này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng, việc giảm 2% mức thuế giá trị gia tăng (GTGT) sẽ góp phần giảm trực tiếp chi phí của người dân trong việc tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ. Đồng thời, giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, giúp sản phẩm của doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh. Khi việc giảm thuế GTGT làm giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ thì sẽ thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng cuối năm 2025 và cả năm 2026. “Điều này có thể dẫn đến sự tăng trưởng của các nguồn thu khác, bù đắp một phần cho khoản giảm thu từ thuế GTGT. Chính phủ cần tính toán kỹ lưỡng các tác động này để đưa ra quyết định phù hợp”, Phó Chủ tịch Quốc hội nhận định.
ĐBQH Nguyễn Thành Trung (Yên Bái) cho rằng, dù Chính phủ kiến nghị cho thời gian áp dụng dài hơn (18 tháng), phạm vi mở rộng hơn so với những lần giảm thuế được ban hành trước đây nhưng nhìn chung “còn gọn”. Do đó, đại biểu đề nghị, quyết nghị nội dung này trong Nghị quyết chung của kỳ họp, làm rõ bảo đảm cân đối ngân sách nhà nước trong năm 2025, thực hiện các nhiệm vụ theo đúng dự toán đã được Quốc hội thông qua.
Theo ĐBQH Nguyễn Quang Huân (Bình Dương), việc giảm thuế GTGT sẽ rất tốt cho người dân, doanh nghiệp. Nhưng, từ số liệu báo cáo của Chính phủ cho thấy, việc giảm thuế GTGT dự kiến sẽ gây giảm thu ngân sách nhà nước, nhưng chưa được đưa vào dự toán ngân sách nhà nước năm 2025. Việc này cùng các khoản chi NSNN mới phát sinh và các chính sách giảm thu khác trong các nghị quyết mới sẽ được ban hành, các dự án mới được thông qua có thể tác động đến việc bảo đảm dự toán thu và bội chi NSNN năm 2025 cũng như việc xây dựng dự toán của năm 2026.
Do vậy, đại biểu đề nghị, Chính phủ cần làm rõ giảm thuế GTGT giúp tăng bao nhiêu điểm GDP, hoặc tác động đến tăng trưởng của từng ngành. “Ở lần đề nghị giảm thuế GTGT này đã có sự thay đổi lớn khi đưa kỳ giảm thuế dài hơn đến 31/12/2026, nhưng không thể điều hành theo cảm tính, phải có cơ sở khoa học cho mỗi chính sách, quyết định”, đại biểu nêu quan điểm.