Ngày hội non sông đã rất gần!

- Thứ Bảy, 15/05/2021, 06:06 - Chia sẻ
Chỉ còn 8 ngày nữa, hơn 69 triệu cử tri cả nước sẽ thực hiện quyền chính trị cơ bản và thiêng liêng nhất của công dân: trực tiếp bỏ phiếu bầu chọn đại biểu tiêu biểu nhất tham gia Quốc hội và HĐND các cấp. Trả lời phỏng vấn trực tuyến của độc giả Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam hôm qua 14.5, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia Bùi Văn Cường khẳng định, công tác chuẩn bị bầu cử đã được triển khai sớm hơn nhiều so với các kỳ bầu cử trước đây, nhờ đó, dù chịu tác động mạnh của dịch Covid-19 nhưng đến nay, có thể nói rằng, cả nước đều đã sẵn sàng cho ngày hội của toàn dân.
Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia Bùi Văn Cường kiểm tra công tác chuẩn bị bầu cử tại phường Duy Tân, TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum
Ảnh: Hồ Long

Chuẩn bị sớm hơn, chủ động hơn

Trả lời câu hỏi của bạn đọc về những điểm mới trọng tâm của cuộc bầu cử lần này, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia Bùi Văn Cường nhấn mạnh, điểm mới đầu tiên là công tác triển khai cuộc bầu cử được tiến hành từ rất sớm. Công tác tham mưu, chuẩn bị bầu cử cũng sớm hơn so với các kỳ bầu cử trước đây. Theo ông, chính những yếu tố này đã tạo sự chủ động trong lãnh đạo, chỉ đạo, bảo đảm triển khai kịp thời các kế hoạch, lịch trình và công việc phải thực hiện trong cuộc bầu cử.

Cơ cấu, thành phần, số lượng đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND cũng có sự thay đổi so với các nhiệm kỳ trước. Luật Tổ chức Quốc hội (được sửa đổi năm 2020), Luật Tổ chức chính quyền địa phương (được sửa đổi năm 2019) quy định số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách tăng lên ít nhất 40%; số lượng đại biểu HĐND các cấp giảm đều từ 5 - 10 đại biểu tùy thuộc từng cấp chính quyền và từng loại hình đơn vị hành chính.

Không chỉ có sự thay đổi về số lượng, cơ cấu, thành phần mà công tác chuẩn bị nhân sự tham gia ứng cử cũng được tiến hành thận trọng, bảo đảm đúng quy trình lựa chọn, giới thiệu người ứng cử theo quy định của pháp luật. Trải qua các bước sàng lọc, hiệp thương, lấy tín nhiệm hết sức chặt chẽ, ông Bùi Văn Cường khẳng định, người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND là những cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tiêu biểu; có tư tưởng chính trị vững vàng; có năng lực xây dựng chính sách và khả năng tổ chức hoạt động giám sát, có chuyên môn và kinh nghiệm thực tiễn phù hợp với vị trí dự kiến; thể hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, không vi phạm quy định về những điều đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức không được làm; không vi phạm pháp luật.

“Tuyệt đối không giới thiệu và đưa vào danh sách ứng cử người có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực; có tư tưởng cục bộ, bảo thủ, trì trệ; đang bị thanh tra, kiểm tra dấu hiệu vi phạm; người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra vụ, việc tham nhũng, lãng phí, mất đoàn kết. Kiên quyết không để lọt những người không xứng đáng, những người chạy chức, chạy quyền tham gia vào Quốc hội, HĐND các cấp”, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia khẳng định.

Bảo đảm yêu cầu nghiêm ngặt về phòng, chống dịch

Một điểm đặc biệt chưa từng có trong các cuộc bầu cử trước đây là chúng ta chuẩn bị tiến hành bầu cử trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương. Vì thế, đây là lần đầu tiên, nội dung y tế được lồng ghép với công tác bảo đảm an ninh, trật tự để tham mưu, giúp Hội đồng Bầu cử quốc gia chỉ đạo, hướng dẫn các vấn đề liên quan đến y tế, góp phần tổ chức cuộc bầu cử thành công.

Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia Bùi Văn Cường khẳng định, việc tổ chức bầu cử phải bảo đảm yêu cầu nghiêm ngặt về phòng, chống dịch bệnh Covid-19; kịp thời triển khai thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Hội đồng Bầu cử Quốc gia, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Y tế về các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19; tổ chức các hội nghị tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử với hình thức phù hợp, bảo đảm an toàn. Các cơ quan, đơn vị có người ứng cử công tác cũng phải chủ động trong việc thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 cho các ứng cử viên trước khi tiếp xúc cử tri và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bảo đảm an toàn trong khi tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử và các hoạt động khác.

Trường hợp dịch Covid-19 bùng phát dẫn đến không thể tổ chức được việc bỏ phiếu vào đúng ngày bầu cử hoặc đối với địa phương do dịch bệnh phải áp dụng biện pháp cách ly, phong tỏa xã hội, Ủy ban bầu cử cấp tỉnh sẽ chủ động đề xuất, kịp thời báo cáo rõ phương án để Hội đồng Bầu cử quốc gia xem xét, quyết định.

Theo Tổng Thư ký Quốc hội, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia, hiện nay, một số địa phương cũng đã, đang phải tính đến các phương án tổ chức bỏ phiếu trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh để bảo đảm an toàn. Cụ thể, tại Hà Nội, sẽ có thêm các biện pháp phòng, chống dịch tại nơi bầu cử và có phương án riêng đối với các điểm cách ly, phong tỏa. Ủy ban bầu cử TP Hà Nội đã kiến nghị Hội đồng Bầu cử quốc gia về các phương án đặc thù tổ chức bầu cử tại các điểm cách ly y tế. Theo đó, một số điểm hiện bị cách ly trước là "điểm bỏ phiếu phụ" (do số lượng cử tri ít) nay sẽ thành điểm có số lượng cử tri đông, ví dụ như Bệnh viện K cơ sở Tân Triều. Vì vậy, Ủy ban bầu cử TP Hà Nội đã đề nghị chia nhỏ và ghép số lượng cử tri đang ở khu cách ly vào các khu vực bỏ phiếu liền kề nhưng vẫn bảo đảm số lượng cử tri tại một đơn vị bầu cử không vượt quá 4.000 người.

Tại TP Hồ Chí Minh, Ủy ban bầu cử Thành phố yêu cầu sắp xếp chỗ ngồi bảo đảm yêu cầu giãn cách, hạn chế tập trung đông người; bố trí người tham dự không quá 50% sức chứa của hội trường tổ chức. Tại Bắc Giang, dự kiến sẽ không tổ chức khai mạc đông người trong ngày bầu cử; chia nhỏ cử tri thành nhiều đợt để bỏ phiếu theo giờ, tránh tập trung đông người…

Dịch Covid-19 tái bùng phát đúng thời điểm tổ chức các hội nghị tiếp xúc cử tri để người ứng cử vận động bầu cử cũng gây áp lực rất lớn đối với các địa phương. Dù vậy, Hội đồng Bầu cử quốc gia, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã chủ động, kịp thời có hướng dẫn chi tiết về việc vận động bầu cử cho phù hợp, hiệu quả trong bối cảnh dịch Covid-19. Và thực tế tại nhiều địa phương vừa qua, kể cả các địa phương đang có dịch Covid-19 đã cho thấy, tuy phải thay đổi hình thức tiếp xúc từ trực tiếp sang vừa trực tiếp, vừa trực tuyến, phải giảm số lượng các cuộc tiếp xúc so với hướng dẫn ban đầu nhưng các địa phương đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, phát huy tối đa lợi thế của các phương tiện truyền thông, loa phát thanh.

Nhờ đó, các hội nghị tiếp xúc cử tri vận động bầu cử của người ứng cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và người ứng cử đại biểu HĐND cấp tỉnh đều đạt mục tiêu đề ra: ứng cử viên trình bày được các trọng tâm ưu tiên trong chương trình hành động nếu trúng cử để thuyết phục cử tri tin tưởng, bỏ phiếu cho mình; còn với cử tri, vừa tiếp cận, hiểu rõ hơn về ứng cử viên, cả về năng lực, trình độ, cá tính… vừa nói được những điều mong muốn, kỳ vọng, những yêu cầu với các ứng cử viên. Đó sẽ là cơ sở quan trọng để quyết định lá phiếu của cử tri trong ngày 23.5 tới.

Khối lượng công việc vẫn còn rất lớn

Ngày hội non sông, ngày hội của toàn dân đã thật gần. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi mặt, chắc chắn chúng ta sẽ tổ chức thành công cuộc bầu cử. Dù vậy, từ nay đến ngày bầu cử, khối lượng công việc vẫn còn rất lớn. Trả lời câu hỏi của bạn đọc và cũng là mong muốn gửi đến các địa phương, các tổ chức bầu cử trong cả nước, Tổng Thư ký Quốc hội, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia nhấn mạnh, cần đẩy mạnh công tác thông tin, tăng cường các hình thức tuyên truyền trực quan sinh động, băng rôn, áp phích, khẩu hiệu, hệ thống loa phát thanh, nhất là tại khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa; chú trọng tuyên truyền đến từng gia đình, động viên cử tri nghiên cứu kỹ danh sách người ứng cử, chủ động tham gia bầu cử, tránh bầu hộ, bầu thay.

Một việc rất quan trọng nữa là, phải tiếp tục tổ chức tập huấn kỹ càng cho lực lượng làm công tác bầu cử, chuẩn bị thật tốt về cơ sở vật chất và các điều kiện bảo đảm công tác an ninh an toàn cho cuộc bầu cử. Các địa phương cũng cần chú trọng triển khai nhiều phương án khi dịch bệnh bùng phát đúng dịp bầu cử. “Cần quán triệt sâu sắc tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, không được lơ là, chủ quan mất cảnh giác, thiếu trách nhiệm nhưng cũng không hoang mang, cần bình tĩnh tự tin ứng phó với từng tình huống khi dịch xảy ra; chủ động đưa ra nhiều phương án ứng phó với diễn biến của tình hình dịch bệnh, an ninh trật tự, thời tiết trước và trong lúc cuộc bầu cử diễn ra”, Tổng Thư ký Quốc hội, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia nhấn mạnh.

Nguyễn Bình