"Ngát linh thiêng hồn Tổ quốc tụ về"

- Thứ Tư, 21/04/2021, 08:23 - Chia sẻ
Lê Hồng Hạnh - Phó trưởng ban Kinh tế - Xã hội HĐND thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh
Ai đã từng qua Hồng Lĩnh, ngắm đỉnh núi Hồng mây vờn trắng xóa sẽ không khỏi trầm trồ trước cảnh sắc thiên nhiên kỳ vĩ. Phải chăng vì vậy mà Thủy tổ Kinh Dương Vương yêu mến đất này, định đô nơi đây, tạo nên biết bao huyền tích cho Hồng Lĩnh thuở hồng hoang. Để rồi hàng năm cứ tháng 3 âm lịch, cùng với đất Tổ Phú Thọ, người dân và phật tử muôn phương lại hành hương về Khu di tích lịch sử - văn hóa Đại Hùng (chùa Đại Hùng), phường Đậu Liêu, thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh - nơi có đền thờ Quốc tổ và Quốc mẫu Hùng Vương cùng các vua Hùng để tế lễ và cùng nhau vui hội.
Khu di tích Đại Hùng - Nơi thờ Quốc tổ và Quốc mẫu Hùng Vương trên núi Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh

Ảnh: Bình Nguyên 

Nơi linh thiêng thờ Thủy tổ Hùng Vương

Truyền thuyết kể rằng, Thủy tổ Kinh Dương Vương trên đường tìm đất định đô đã hướng vào vùng danh thắng Núi Hồng này. Đứng trên cao nhìn xuống, Vua thấy cảnh sắc nơi đây đây núi giăng nên luỹ, khe chảy thành hào, non đủ cao, sông đủ sâu, đồng điền đủ rộng; khả dĩ con người có thể tự làm lụng để nuôi sống lâu dài. Phóng tầm mắt ra xa muôn trùng sóng cả, núi non địa bàn hiểm trở, tiến có thế công, thoái có thế thủ là đều lợi thế bậc nhất cho một vương triều mới sơ khai định đô. Với tầm nhìn bao quát càn khôn đó, Kinh Dương Vương đã dựng Hoàng thành ở đây và đặt tên nước là Xích Quỷ (nghĩa là "Ngôi Sao Đỏ").

Một lần, nhà vua đi tuần du trên sông Rum (sông Lam), gặp người con gái đẹp từ dưới nước nổi lên, xưng tên là Thần Long. Kinh thành xây xong, Vua cưới Thần Long làm vợ, mở ra một thời kỳ mới cho kinh đô Ngàn Hống. Sau một thời gian định đô, hai người đã sinh ra Lạc Long Quân. Để định chính đô, giữ vững giang sơn, cơ nghiệp rộng lớn của tổ tiên, Kinh Dương Vương đã thiên đô ra vùng núi Nghĩa Lĩnh và cử Lạc Long Quân ra trấn giữ kinh thành, từ đó Ngàn Hống không còn là kinh đô của đất nước, nhưng dấu tích về một kinh đô Ngàn Hống với thiên truyện thần kỳ trên dãy núi Hồng 99 ngọn vẫn còn mãi trong tâm trí dân gian.

Trong những ngày này, muôn dân nô nức hướng về khu di tích lịch sử - văn hóa Đại Hùng (phường Đậu Liêu, thị xã Hồng Lĩnh) để cùng biện lễ, thành tâm hướng tới Lễ hội Giỗ Quốc tổ Hùng Vương. Chùa Đại Hùng cũng được biết tới là một trong 4 ngôi cổ tự trên núi Hồng Lĩnh, bao gồm: Thiên Tượng - Long Đàm - Đại Hùng - Cực Lạc, mà theo sử sách chép lại thì được xây dựng vào khoảng đời nhà Trần. Theo thống kê chưa đầy đủ, chùa Đại Hùng là một trong 1.417 di tích có thờ cúng các Vua Hùng trên cả nước. Nơi đây là địa điểm tâm linh duy nhất thờ Đức Thủy tổ Kinh Dương Vương, Quốc mẫu Thần Long và các Vua Hùng tại vùng Nghệ An và Hà Tĩnh.

Náo nức, thành tâm hướng về

Trong cái nắng vàng chanh dịu nhẹ và làn gió thoảng hương rừng, những ngày này, hàng trăm lượt người dân Đậu Liêu, đoàn viên thanh niên, hội viên phụ nữ, người cao tuổi và đông đảo các phật tử đang thi đua lao động, sửa soạn các đồ dùng, chuẩn bị sân khấu, trang trí khu vực chính hội... Mỗi người mỗi việc, ai cũng hân hoan, hạnh phúc vì mình đã, đang góp chút công sức thành tâm dâng lên Quốc tổ và vua Hùng.

Mặc dù đã bước sang tuổi 80 nhưng ngày lại ngày không quản nắng mưa, hàng chục năm nay cụ Bùi Thị Xanh (phường Đậu Liêu) đều lên núi cùng các phật tử trong Ban hộ tự chăm lo cho khu di tích. Đang thoăn thoắt cào sỏi, thấy chúng tôi, cụ Xanh chia sẻ: Ngày xưa, cụ Phạm Ngụ và các hộ dân như chúng tôi, cõng từng bì cát, bì sỏi lên tu sửa chùa; bây giờ khác rồi, có máy móc, người cũng đông hơn nên làm nhanh hơn. Nhờ ơn Thủy tổ phù hộ nên đến cái tuổi này rồi, tôi vẫn khỏe mạnh, vẫn cùng các phật tử và Nhân dân lên đây góp chút sức để cùng Sư thầy xây dựng khu di tích ngày càng phát triển, trở thành nơi hướng về nguồn cội của dân tộc.

Cũng như bao người trong Ban hộ tự, chị Phạm Thị Tuất và anh Thái Tích cùng ở Tổ dân phố 7, phường Đậu Liêu gắn bó với nhà chùa đã gần 10 năm. Việc lớn, việc nhỏ các anh, chị cùng các phật tử chăm lo. Anh, chị cho biết: Chúng tôi rất tự hào khi Đại Hùng được công nhận là Khu di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Từ bao đời nay, trong tâm thức của mỗi người con đất Việt, Thủy tổ Kinh Dương Vương và các Vua Hùng là những tiền nhân có công dựng nước. Từ đó, tín ngưỡng thờ cúng Thủy tổ Kinh Dương Vương và các Vua Hùng đã trở thành bản sắc văn hóa, đạo lý truyền thống của người Việt Nam ta, thể hiện lòng biết ơn của các thế hệ cháu con với công đức của tổ tiên trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Chúng tôi mong muốn đời sau luôn luôn nhớ đến tổ tiên, cội nguồn, bởi có Thủy Tổ và các Vua Hùng mới có con cháu chúng ta ngày hôm nay. Đồng thời, mong muốn các cấp, các ngành cùng chung tay để xây dựng Khu di tích lịch sử - văn hóa Đại Hùng xứng tầm là kinh đô Ngàn Hống.

Lễ hội Giỗ Quốc tổ Hùng Vương năm 2021 diễn ra tại Khu di tích lịch sử - văn hóa Đại Hùng từ ngày 18 - 21.4.2021 (tức từ ngày 7 - 10.3 âm lịch) với nhiều hoạt động đầy đủ phần lễ và phần hội. Theo đó, lễ tế và lễ rước bài vị, dâng vật phẩm cúng tế các Vua Hùng diễn ra vào ngày 20.3 năm 2021 (tức ngày 9.3 âm lịch), Đại lễ giỗ Quốc tổ và các vua Hùng chính thức khai mạc vào 7 giờ 30 phút ngày 21.4.2021 (tức sáng ngày 10.3 âm lịch). Các hoạt động phần hội được tổ chức vừa tạo không khí vui tươi nhưng cũng bảo đảm công tác phòng dịch với các hoạt động như: Giải bóng chuyền, giải kéo co, giao lưu văn nghệ, đặc biệt không thiếu được là hội thi Gói bánh chưng dâng Quốc tổ do Hội Liên hiệp Phụ nữ thị xã phối hợp các đoàn thể tổ chức. Các hoạt động văn hóa, thể thao đặc sắc nhằm khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc; đồng thời bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, đặc biệt là bảo tồn các giá trị văn hóa của các lễ hội truyền thống. Từ đó, góp phần quảng bá, tôn vinh những thành tựu mà thị xã Hồng Lĩnh đã đạt được sau 29 năm xây dựng và trưởng thành.

Nhấn mạnh về nơi linh thiêng thờ Thủy tổ Hùng Vương và các vua Hùng cùng với ý nghĩa của Lễ hội Giỗ Quốc tổ Hùng Vương hàng năm tại chùa Đại Hùng, ông Đinh Văn Hồng - Ủy viên Ban Thường vụ Thị ủy, Phó Chủ tịch UBND thị xã, Trưởng ban Tổ chức Lễ hội giỗ Quốc tổ Hùng Vương thị xã Hồng Lĩnh cho biếtNơi đây thờ Quốc tổ Hùng Vương. Theo truyền thuyết, lúc đầu Kinh Dương Vương đóng đô ở núi Ngàn Hống (thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh ngày nay), sau đó dời đô về núi Nghĩa Lĩnh (Việt Trì, Phú Thọ). Kinh Dương Vương kết duyên với Thần Long sinh ra Sùng Lãm (hiệu là Lạc Long Quân). Lạc Long Quân kết duyên với Âu Cơ sinh ra các Vua Hùng. Do vậy, Khu di tích lịch sử văn hóa Đại Hùng có ý nghĩa đặc biệt riêng, thể hiện tính độc đáo của tín ngưỡng ở yếu tố thờ Hùng Vương chính là thờ Quốc tổ và đó cũng là lý do tại sao Hồng Lĩnh tổ chức Lễ hội Giỗ Quốc tổ Hùng Vương chứ không phải chỉ riêng Giỗ Tổ Hùng Vương.

Với quy hoạch đã được phê duyệt, trong thời gian tới khu di tích văn hóa lịch sử Đại Hùng sẽ là nơi giáo dục các thế hệ bảo vệ, gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa của quê hương, dân tộc, tưởng nhớ đến nguồn cội, với kinh đô Ngàn Hống, vị Quốc tổ Hùng Vương và các vị tiền nhân đã có công dựng nước. Với việc tổ chức nghiêm trang Đại lễ giỗ Quốc tổ Hùng Vương hàng năm, chính quyền và Nhân dân thị xã cũng kỳ vọng đây sẽ là hồng tâm để phát triển du lịch văn hóa tâm linh trên địa bàn, gắn với chuỗi các cổ tự trên núi Hồng Lĩnh, đưa hình ảnh thị xã Hồng Lĩnh thân thiện, mến khách, tiềm năng đến với thập phương và xa hơn là bạn bè quốc tế.

Những ngày này, muôn dân dưới chân ngàn Hống cùng du khách thập phương cùng nhau tụ hội, thành kính dâng lên Quốc tổ, Quốc mẫu Hùng Vương và các Vua Hùng nén tâm nhang tưởng nhớ công ơn. Từ đỉnh non Hồng nhìn xuống, trong áng mây trắng vờn trong sương mai, khí thiêng nghìn năm lịch sử ngưng tụ về đây để cùng Nhân dân nguyện cầu Thủy tổ, các vua Hùng cho Hồng Lĩnh ngày càng phồn thịnh phát triển, cho dân tộc Việt Nam mãi trường tồn, quốc thái dân an…

"Sông Lam vặn lưỡi gươm thần sáng quắc

Vung ngang trời sử xanh

99 đỉnh trầm hương thuở vua Hùng dựng nước

Ngát linh thiêng hồn Tổ quốc tụ về''

(Thơ Trần Công Bình).