Chương trình được tổ chức nhằm hiện thực hóa Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025" cũng như các kế hoạch của UBND thành phố Hà Nội, UBND huyện Mê Linh về công tác tổ chức khám, quản lý sức khỏe cho nhân dân trên địa bàn thành phố, địa bàn huyện Mê Linh năm 2023.
Chương trình có ý nghĩa nhân văn sâu sắc và hết sức thiết thực trong công tác quản lý, chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho người dân. Đặc biệt ngay sau khi khám xong, người dân được hướng dẫn cài app (ứng dụng) trên điện thoại thông minh để có thể tra cứu ngay kết quả khám và theo dõi, quản lý thông tin sức khỏe của bản thân.
Đồng thời, sau chương trình này huyện sẽ chỉ đạo chính quyền địa phương thường xuyên quan tâm, động viên, áp dụng các chính sách an sinh xã hội, kêu gọi xã hội hóa hỗ trợ một phần kinh phí điều trị cho người bệnh.
Theo Giám đốc Sở Y tế thành phố Hà Nội Trần Thị Nhị Hà, sau khi rà soát, tổng hợp số liệu, trên 180 nghìn người dân toàn huyện Mê Linh được phân vào 5 nhóm cần được khám, quản lý sức khỏe (tương đương 75% dân số huyện). Cụ thể, trẻ em dưới 5 tuổi là 22.359 cháu; học sinh 50.407 em; cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, đơn vị là 4.197 người; người cao tuổi, hưu trí 37.166 người và lao động tự do là 66.527 người.
Cũng theo người đứng đầu ngành y tế Thủ đô, chương trình có sự tham gia của 400 y, bác sỹ giỏi, nhiều kinh nghiệm đến từ 15 bệnh viện lớn của trung ương và thành phố Hà Nội như Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Tim Hà Nội…
Dữ liệu của Bệnh viện Đa khoa huyện Mê Linh cho thấy, người dân được khám các bệnh liên quan đến huyết áp, nhịp thở, thị lực; khám nội như tim mạch, hô hấp, tiêu hóa, tiết niệu, cơ xương khớp, thần kinh; khám ngoại tổng hợp như da liễu, vận động và khám chuyên khoa tai mũi họng, răng - hàm - mặt, mắt. Ngoài ra, trong quá trình khám bệnh, bác sĩ có thể khám thêm các bộ phận khác, tùy từng bệnh nhân.
Từ kết quả khám sàng lọc, nếu phát hiện trường hợp mắc bệnh nan y, huyện chỉ đạo cơ sở y tế quan tâm kiểm tra, tư vấn cho người bệnh, trường hợp cần chuyển tuyến, chủ động giúp đỡ, liên hệ với các bệnh viện chuyên khoa tuyến trên để người bệnh yên tâm điều trị.
Chia sẻ bên lề lễ phát động, Giám đốc Trần Thị Nhị Hà cho biết, trong những năm qua y tế cơ sở đã thể hiện vai trò rất quan trọng trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, là “người gác cổng” chăm sóc, bảo vệ sức khỏe Nhân dân. Lập hồ sơ điện tử, quản lý sức khỏe người dân là một trong những nhiệm vụ quan trọng đối với y tế cơ sở. Hồ sơ sức khỏe là tài liệu y tế ghi lại quá trình chăm sóc sức khỏe của một người từ lúc sinh ra cho đến mất đi theo mẫu quy định của Bộ Y tế.
“Từ ngày 24.4, ngành y tế tổ chức khám bệnh cho người dân tại nhà văn hóa, trường học, trạm y tế các xã, thị trấn… và phấn đấu đến hết tháng 5 sẽ hoàn thành,” bà Nhị Hà khẳng định.