Ngành y tế còn nguyên cơn khát vốn

Hải Phong 07/08/2010 00:00

Một cuộc khảo sát cuối năm 2009 của Công ty cung cấp dịch vụ kiểm toán và tư vấn doanh nghiệp Grant Thornton Việt Nam cho thấy, gần 80% trong số hơn 200 đại diện các nhà đầu tư và các chuyên gia tư vấn đầu tư vào nước ta nói rằng y tế là lĩnh vực đầu tư triển vọng nhất trong năm 2010. Dự đoán là vậy, thực tế thì cơn khát vốn của ngành y tế vẫn… còn nguyên.

Ngành y tế còn nguyên cơn khát vốn ảnh 1

Ít nhà đầu tư quan tâm

Từ vài năm nay, TP Hồ Chí Minh có nhiều dự án kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực y tế với các hình thức liên doanh, hợp đồng hợp tác kinh doanh, đầu tư 100% vốn nước ngoài… Cụ thể, thành phố đang kêu gọi xã hội hóa các dự án y tế như xây dựng viện trường Củ Chi tại khu vực Trảng Dài, xã Phước Hiệp, huyện Củ Chi; dự án xây dựng khu nghỉ dưỡng Cần Giờ; trung tâm xét nghiệm y khoa TP Hồ Chí Minh tại khu đô thị Nam Sài Gòn, quận 7 và xây dựng các bệnh viện ở các cửa ngõ. Tuy nhiên, đến giờ, mới chỉ có dự án viện trường Củ Chi có một số doanh nghiệp xin tham gia đầu tư. Trong khi đó, hệ thống y tế tại thành phố luôn trong tình trạng quá tải, cơ sở hạ tầng nhiều bệnh viện bị xuống cấp.

Thực trạng ít nhà đầu tư quan tâm đến các dự án y tế không chỉ xảy ra ở TP Hồ Chí Minh. Báo cáo mới đây nhất của Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế cho biết, 4 tháng đầu năm nay, tổng số vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cho dự án y tế chỉ đạt 200.000 USD và có 1 dự án tăng vốn đầu tư lên 2,6 triệu USD. Tính đến nay, cả nước có 70 dự án đầu tư nước ngoài trực tiếp vào lĩnh vực y tế với tổng vốn đăng ký gần 1 tỷ USD. Hiện cả nước có 97 bệnh viện tư nhân đang hoạt động, trong đó có 30 bệnh viện chuyên khoa và 67 bệnh viện đa khoa, so với 70 bệnh viện tư nhân trong năm 2008.

Trong khi đó, theo ước tính sơ bộ của Vụ Kế hoạch tài chính, nhu cầu đầu tư cho 225 bệnh viện tuyến tỉnh ước khoảng 45.000 tỷ đồng (khoảng 2,2 tỷ USD). Còn để phát triển y tế chuyên sâu cần khoảng 10.000 tỷ đồng; nâng cấp các bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh khoảng 100.000 tỷ đồng; phát triển đội ngũ thầy thuốc cần 5.000- 10.000 tỷ đồng... Vốn đầu tư phát triển được Chính phủ cân đối hằng năm cho toàn ngành y tế chỉ chiếm khoảng 5-6% GDP- con số này không thể đủ cho việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất. 

Đẩy mạnh hợp tác công - tư

Tại hội nghị kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực y tế do Bộ Y tế tổ chức mới đây, một câu hỏi được đặt ra: nhà đầu tư thờ ơ với các dự án y tế có phải vì chính sách ưu đãi chưa hợp lý hay không? Lãnh đạo Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế cho biết, chính sách ưu đãi hiện hành với đầu tư vào lĩnh vực xã hội hóa y tế rất thông thoáng. Theo đó, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực y tế được áp dụng mức thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong suốt thời gian hoạt động, thay vì 28%. Doanh nghiệp mới thành lập còn được miễn thuế tối đa 4 năm (thay vì 2 năm) và giảm 50% thuế trong 9 năm tiếp theo. Một số loại dự án đầu tư, mở rộng, xây mới bệnh viện cũng được ưu đãi hơn về mức vốn vay, tối đa tới 70% tổng vốn của dự án. Ngoài ra, theo cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO, nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài được cung cấp dịch vụ thông qua thành lập bệnh viện 100% vốn nước ngoài, liên doanh với đối tác Việt Nam hoặc thông qua hợp đồng hợp tác kinh doanh.

Yếu tố ảnh hưởng đến kêu gọi đầu tư vào các dự án y tế, theo Vụ Kế hoạch Tài chính là rủi ro cao, thiếu chuyên nghiệp, định hướng chưa rõ ràng, pháp luật, cơ chế về đầu tư nước ngoài còn nhiều bất cập, chưa hấp dẫn… Báo cáo của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh thì cho biết, nguyên nhân các dự án y tế chưa thu hút nhà đầu tư là do ngành y tế chưa có thống kê cụ thể về quỹ đất dành cho các dự án xã hội hóa nên nhiều nhà đầu tư còn e ngại.

Quan điểm của người đứng đầu Bộ Y tế là ngành y tế cần phải huy động mọi nguồn vốn đầu tư để nâng cao chất lượng phục vụ vì nhà nước không thể cung cấp toàn bộ các dịch vụ công do hạn chế về nguồn lực. Để có thể huy động được nhiều nguồn lực kinh tế khác nhau mà các chuyên gia kinh tế, y tế đề xuất nên tính tới áp dụng mô hình công - tư (PPP). Mặc dù còn những quan ngại khi tư nhân tham gia lĩnh vực y tế sẽ ảnh hưởng đến chi phí vì mục đích lợi nhuận, nhưng đóng góp của tư nhân vào lĩnh vực y tế là không thể chối bỏ. Trên thực tế, nhiều quốc gia đã cho phép và phát triển mô hình y tế tư nhân bên cạnh y tế công. Ở nước ta, các bệnh viện tư nhân đã đóng góp 6.210 giường bệnh, bằng 3,7% tổng số giường bệnh viện công lập, đạt 0,7% giường bệnh cho 10.000 dân. 

Để thu hút các nhà đầu tư, các chuyên gia khuyến cáo Chính phủ Việt Nam tiếp tục có cơ chế khuyến khích để hệ thống y tế tư nhân phát triển trong thời gian tới, đặc biệt quan tâm nhiều hơn đến các ưu đãi, chính sách pháp lý về thuế, đất đai, cơ chế hoạt động, sự tự chủ… và đặc biệt tránh sự phân biệt công tư trong hành nghề y.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Ngành y tế còn nguyên cơn khát vốn
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO