Ước thiệt hại lớn về tài sản, kinh tế
Trong cơn mưa tầm tã do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, sáng ngày 9.9, chúng tôi về Quảng Ninh. Đi đến đâu cũng thấy cảnh tan hoang, cây cối đổ rạp ngổn ngang, nhiều mái tôn, biển quảng cáo, mảnh vỡ cửa kính, mái ngói vương vãi khắp nơi. Điển hình như TKV, các đơn vị sản xuất, chế biến phải dừng sản xuất do mất điện lưới, mất thông tin liên lạc hoặc bị gián đoạn, nhiều tuyến đường vào khai trường bị sạt lở ngăn cách.
Cập nhật sơ bộ tình hình sau bão, đại diện Lãnh đạo TKV cho biết, mấy chục năm nay chưa có trận gió nào lớn thế này (giật cấp 16 – PV), nhiều mái nhà xưởng, nhà làm việc của các công trường, phân xưởng bị tốc mái; đổ hàng loạt cột điện, đứt dây, gây hư hỏng một số trạm điện. Lượng nước gia tăng tại một số khu vực hầm lò; nhiều khu vực trồng cây xanh, nhiều diện tích cây trồng cải tạo phục hồi bãi thải bị gãy đổ.
Tại Công ty cổ phần Than Đèo Nai – Cọc Sáu, là một trong ba đơn vị thuộc TKV khai thác than lộ thiên đang bị ảnh hưởng nặng nề do bão, Trưởng phòng Kỹ thuật Công nghệ Mỏ Nguyễn Đức Vinh cho biết chưa từng chứng kiến cơn bão nào có sức gió mạnh như vậy. Toàn bộ mái tôn khu nhà văn phòng trên khai trường bị bay hết, hàng loạt cây xanh, cột điện bị đổ, đứt dây làm mất điện, nhiều tuyến đường bị sạt lở, mọi thông tin liên lạc phải chạy bằng chân. Ngoài ra, có khoảng 50 phương tiện ô tô máy xúc, máy khoan bị hư hại.
“Do khai thác lộ thiên nên ngay sau khi thời tiết thuận lợi, đơn vị đã dồn lực khắc phục nhà xưởng, đường, điện, máy móc… để sớm đưa hoạt động sản xuất trở lại bình thường”, ông Vinh nói.
Tương tự, tại Công ty Than Hạ Long cũng do chưa có điện lưới nên hàng nghìn công nhân đang phải nghỉ việc. Chủ tịch Công đoàn Đỗ Văn Hùng cho biết kế hoạch đặt ra năm nay khai thác khoảng 1,8 triệu tấn/năm nhưng đang gặp nhiều khó khăn do mất điện lưới.
Riêng chi phí tiền dầu cho máy phát điện, bơm nước, thông khí mất khoảng 800 triệu đồng/ngày. Hiện có khoảng 270 người đi làm chủ yếu để phục vụ bơm nước và công tác thông gió, còn lại khoảng hơn 3.400 người đang tạm nghỉ việc. “Cho đến chiều nay (ngày 9.9) thông tin liên lạc tại khai trường vẫn hạn chế vì đa số các cột phát sóng ở khu vực này đều bị đổ gục hiện tại, các đường tiếp cận công trường bị sạt lở, cộng với mưa lớn lấp đầy các bong, toàn bộ các mũi thi công phải dừng hoạt động”, ông Hùng cho hay.
Qua tìm hiểu của chúng tôi, trong những ngày bão công nhân không đi làm được, công ty đã bố trí ăn nghỉ chu đáo cho các công nhân ở chung cư và công nhân ngoài vào ở nhờ do bên ngoài không có điện, nước, mạng viễn thông. Đặc biệt, tại chung cư Cẩm Đông đã chạy máy phát điện công suất 1000 KVA để phục vụ cho khoảng hơn 600 thợ lò đang sinh sống tại chung cư, ở đây có quạt và điều hòa. Ngoài ra, công ty cũng đã mua thêm 300m3 nước sạch đưa vào bể để phục vụ sinh hoạt cho các công nhân thợ lò.
Phát huy truyền thống tự lực, tự cường
Là người gắn bó với ngành lâu năm, được xem là có nhiều kinh nghiệm trong ứng phó với thiên tai mưa bão hàng năm, Phó Tổng Giám đốc, Trưởng ban Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TKV Vũ Anh Tuấn cho biết ngay sau khi biết thông tin Quảng Ninh nằm trong vùng ảnh hưởng của cơn bão số 3, Ban Lãnh đạo Tập đoàn đã thành lập các đoàn công tác đi kiểm tra công tác phòng chống, ứng phó tại các đơn vị; phân công các đồng chí lãnh đạo Tập đoàn cùng cán bộ các Ban chuyên môn trực 24/24h tại Trung tâm Điều hành sản xuất tại Quảng Ninh và Trụ sở TKV tại số 3 Dương Đình Nghệ (Hà Nội) để chỉ đạo, ứng phó cũng như kiểm tra, chỉ đạo tại các đơn vị.
Mặc dù đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, nhưng bão số 3 được ghi nhận là một trong những cơn bão lớn nhất trong hơn 30 năm qua, với sức gió quá lớn, mang theo mưa lớn kéo dài, gây ra những hậu quả rất nặng nề. Toàn thành phố bị mất điện trong nhiều giờ và ngành Than là một trong những đơn vị chịu thiệt hại lớn sau bão số 3. “Hiện, chưa thể thống kê được hết thiệt hại, nhưng khó khăn trước mắt là mất điện lưới và viễn thông do chưa khắc phục được cột đổ, đứt dây điện. Tất cả 13 đơn vị hầm lò và 3 đơn vị lộ thiên vẫn đang phải dùng máy phát điện, máy bơm để bơm nước ra ngoài nhằm tránh ngập nước trong mỏ cũng như công tác thông gió thoáng khí, ước tính chi phí tiền dầu 11-13 tỷ đồng/ngày”, ông Tuấn chia sẻ.
Ngày 8.9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trực tiếp đến Quảng Ninh để chia sẻ, động viên các đơn vị, tổ chức cùng toàn thể nhân dân và chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả sau bão. Trong đó, yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam nhanh chóng khôi phục việc cấp điện; Tập đoàn viễn thông khôi phục thông tin liên lạc nhanh nhất.
Cũng theo Phó Tổng Giám đốc Vũ Anh Tuấn, ngay sau khi bão tan, Ban giám đốc TKV đã chỉ đạo triển khai nhanh các biện pháp để khắc phục tại hiện trường, đồng thời phối hợp chặt chẽ, kịp thời với điện lực thành phố để sớm cấp điện lưới trở lại. “Với tinh thần quyết tâm cao nhất, phát huy truyền thống tự lực, tự cường TKV sẽ sớm đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh trở lại làm việc ổn định”, Phó Tổng Giám đốc Vũ Anh Tuấn tin tưởng.
Tính đến ngày 8.9, thống kê sơ bộ ảnh hưởng, thiệt hại TKV do bão gây ra như sau:
- Vùng Cẩm Phả: Khoảng 500 ha diện tích cây xanh bị gãy đổ; 30.000m2 nhà xưởng bị tốc mái; hơn 7.000m2 kho, bãi than bị tốc bạt che; 30 cột điện đổ, gãy; 50m mương thoát nước bị sạt lở; trạm điện công suất 35/6KV hư hỏng; mất điện, mạng lưới viễn thông gián đoạn.
- Vùng Hòn Gai: Khoảng 570ha diện tích cây xanh bị gãy đổ; 12.000m2 nhà xưởng bị tốc mái; trạm điện công suất 35/6KV hư hỏng; mất điện, mạng lưới viễn thông gián đoạn.
- Vùng Uông Bí – Đông Triều: Khoảng 50 ha diện tích cây xanh bị gãy đổ; 15.000m2 nhà xưởng bị tốc mái; hơn 4.000m2 kho, bãi than bị tốc bạt che; mất điện, mạng lưới viễn thông gián đoạn.