Ngành ngân hàng triển khai chương trình hành động thực hiện Chiến lược phát triển đến năm 2025
Ngày 11.4, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức Hội nghị triển khai chương trình hành động của ngành ngân hàng thực hiện Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến 2030 (sau đây gọi là Chiến lược).
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cho biết, tháng 8.2018, Thủ tướng phê duyệt Chiến lược, trong đó xác định mục tiêu hiện đại hóa NHNN theo hướng: Có mô hình tổ chức hợp lý và cơ chế vận hành đồng bộ, hiệu lực và hiệu quả, phù hợp với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, có đầy đủ vị thế pháp lý và trách nhiệm giải trình; thực hiện mục tiêu ưu tiên là kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng bền vững; bảo đảm an toàn, lành mạnh hệ thống các tổ chức tín dụng... Hệ thống các tổ chức tín dụng sẽ phát triển theo hướng: Các tổ chức tín dụng trong nước đóng vai trò chủ lực; hoạt động minh bạch, cạnh tranh, an toàn, hiệu quả bền vững; cấu trúc đa dạng về sở hữu, quy mô, loại hình… hướng tới đạt trình độ phát triển của nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN vào năm 2025, tiến tới tài chính toàn diện năm 2030.
![]() Toàn cảnh hội nghị |
Các mục tiêu cụ thể là: Tăng dần tính độc lập, chủ động và trách nhiệm giải trình của NHNN. Giảm dần tỷ lệ tín dụng ngoại tệ/tổng tín dụng, phấn đấu tỷ lệ tiền gửi ngoại tệ/tổng phương tiện thanh toán đạt mức dưới 7,5% vào năm 2020 và mức 5% vào năm 2030; tiến tới ngừng cho vay ngoại tệ để chậm nhất đến năm 2030 cơ bản khắc phục tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế. Đến cuối năm 2025, thanh tra, giám sát ngân hàng tuân thủ phần lớn các nguyên tắc giám sát ngân hàng hiệu quả theo Basel. Đến cuối năm 2020, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức dưới 10%; đến cuối năm 2025, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức dưới 8%.
Tháng 1.2019, Thống đốc NHNN đã ký ban hành Chương trình hành động thực hiện Chiến lược. Đây là căn cứ cho các đơn vị xây dựng các chiến lược phát triển, kế hoạch, chương trình hành động thực hiện các nhiệm vụ cụ thể của đơn vị mình; đồng thời, là căn cứ để tổ chức kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết và đánh giá, rút kinh nghiệm việc tổ chức thực hiện Chiến lược trong mỗi giai đoạn.
Tại hội nghị, các đại biểu thảo luận và trao đổi về: Thực trạng điều hành chính sách tiền tệ trong những năm qua và định hướng điều hành trong thời kỳ của Chiến lược; định hướng quản lý của NHNN đối với hoạt động thanh toán; tăng cường hiệu quả, hiệu lực hệ thống thanh tra, giám sát ngân hàng... trong bối cảnh Chiến lược. Ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ khẳng định, trong giai đoạn tới, NHNN sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt; bảo đảm sự phối hợp chính sách giữa NHNN và Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương nhằm tạo sự đồng bộ, nhất quán giữa chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác.