Ngành gỗ thâm nhập thị trường nội địa
Xuất khẩu gỗ đã đạt nhiều thành tựu, song, ngành gỗ đã phải dựa vào thị trường nội địa mới có thể vượt qua ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới. Qua đó cho thấy, cần quan tâm đúng mức đến thị trường trong nước, nhất là khi kinh tế phục hồi, nhu cầu sử dụng sản phẩm đồ gỗ đang tăng cao.

Theo nhận định của Bộ Công thương, thị trường xuất khẩu gỗ của nước ta phục hồi trở lại sau đợt suy thoái kinh tế thế giới cuối năm 2008 và 2009. Một số thị trường mới có tiềm năng như Nga, Ấn Độ, Trung Đông… cũng đã được doanh nghiệp tiếp cận. Như vậy, sản phẩm đồ gỗ chế biến Việt Nam đã có mặt ở 120 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, 3 thị trường chính của ngành gỗ là Mỹ, EU và Nhật Bản đều có sự phục hồi tốt. Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (Viforest) cho rằng, năm 2011 nhu cầu sản phẩm gỗ chế biến thị trường thế giới còn lớn hơn, không ít công ty đã nhận đơn hàng gần hết năm 2011. Với tốc độ hiện nay, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ chế biến nhiều khả năng vượt 4 tỷ USD, như vậy sẽ tăng khoảng 30% so với năm 2010.
Đồ gỗ cũng trở thành mặt hàng có kim ngạch và số lượng xuất khẩu lớn thứ năm sau dệt may, dầu thô, giày dép và thủy sản. Nước ta đã vượt qua Indonesia, Thái Lan trở thành 1 trong hai nước xuất khẩu đồ gỗ lớn nhất Đông Nam Á. Đặc biệt, với các sản phẩm gỗ nội thất, nước ta trở thành nước xuất khẩu sản phẩm gỗ lớn thứ ba vào thị trường Mỹ. Xu hướng đặt hàng gỗ nội thất tại Mỹ - thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới, đã được nhà nhập khẩu đặt hàng ngày càng nhiều hơn. Năng lực cạnh tranh và chế biến gỗ của Việt Nam tăng gấp 4 - 5 lần so với năm 2003, giảm tỷ lệ giá trị nguyên liệu gỗ so với trị giá xuất khẩu thành phẩm từ trên 50% xuống 37%.
Nhưng các chuyên gia cho rằng, không nên chỉ mải miết chinh phục thị trường thế giới, mà bỏ quên thị trường nội địa. Thực tế, trong năm 2009, khi kinh tế thế giới bị suy thoái, xuất khẩu gỗ đã chững lại. Trong thời gian này, ý thức chinh phục thị trường nội địa đã được nhiều doanh nghiệp thuộc Hiệp hội quan tâm. Bởi chinh phục thị trường nước ngoài mới chỉ giúp ngành gỗ đứng trên một chân, dễ mất thăng bằng khi kinh tế thế giới có biến động. Việc củng cố thúc đẩy quảng bá, đưa hàng hóa đến người dân nhiều hơn đã tạo hậu phương vững chắc để ngành gỗ vượt qua khó khăn khi nguồn nhập khẩu thu hẹp. Hơn nữa, sau giai đoạn phát triển kinh tế nhanh, với nhiều thành tích ấn tượng, kim ngạch nhập khẩu gỗ trong những năm gần đây luôn khoảng 3 tỷ USD/năm, chủ yếu từ Trung Quốc, Indonesia, Malaysia.
Có thể thấy, khi kinh tế - xã hội phát triển thì nhu cầu tiêu thụ sản phẩm gỗ sẽ tăng theo. Thực tế, khi dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam ngày càng nhiều, thì nhu cầu sử dụng sản phẩm đồ gỗ trang trí nội thất cao cấp cho các cao ốc chung cư, nhà hàng, khách sạn, quán cà phê, khu nghỉ dưỡng, biệt thự... cũng sẽ tăng. nhu cầu tiêu thụ sản phẩm gỗ trong nước tăng bình quân 1,5%/năm, cao hơn 2 lần so với tăng xuất khẩu. Chỉ riêng nhu cầu nội thất ở những dự án căn hộ cao cấp tại thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Hà Nội khá cao. Bên cạnh đó, hiện nay nhu cầu nhà ở, văn phòng kinh doanh của người dân rất cao, nhiều dự án nhà ở và văn phòng đã mở rộng thị trường tiêu thụ của sản phẩm đồ gỗ. Do vậy, khi chiếm lại thị phần thị trường nội địa, các doanh nghiệp có cơ hội phát triển căn cơ hơn. Lợi thế của các doanh nghiệp là sân nhà, chi phí vận chuyển thấp, đặc biệt am hiểu thị hiếu và phong cách sống của người Việt Nam. Trong thời gian qua, những cửa hàng nội thất của của Hoàng Anh Gia Lai, Chi Lai, Nhà Xinh, Trường Thành… đã có những bước xâm nhập thị trường nội địa một cách chắc chắn.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp đều đã quen sản xuất với đơn hàng lớn, nay để khai thác thị trường nội địa gặp không ít khó khăn về số lượng, thị hiếu, đặc biệt là hệ thống phân phối. Do vậy, Hiệp hội gỗ và lâm sản thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, các doanh nghiệp cần cùng hình thành công ty chuyên về phân phối mặt hàng gỗ chế biến. Bởi các doanh nghiệp không thiếu năng lực, tay nghề và nguồn nhân lực, song còn hạn chế về hệ thống phân phối. Nhưng với giá mặt bằng kinh doanh bán lẻ tăng cao, chi phí điều tra nhu cầu người tiêu dùng trong nước, thì các doanh nghiệp khó có thể tự thân vận động. Khi các doanh nghiệp chung tay hình thành hệ thống phân phối thì sẽ giúp người tiêu dùng trong nước dễ tiếp cận sản phẩm, khuyến khích người Việt dùng hàng Việt.