Điểm sáng trong giải ngân vốn đầu tư công
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Trần Hồng Minh cho biết: Năm 2024, trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, thách thức, song với sự lãnh đạo toàn diện, thống nhất của Đảng, sự hỗ trợ, giám sát thường xuyên của Quốc hội, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự hỗ trợ, phối hợp tích cực của các bộ, ngành Trung ương, địa phương, sự ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân... toàn ngành giao thông vận tải đã tạo được sự chuyển biến toàn diện.
Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế tiếp tục được Bộ Giao thông Vận tải xác định là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm hàng đầu. Trong năm, Bộ đã ban hành 33 Thông tư theo thẩm quyền; hoàn thành, trình Chính phủ 10/10 dự thảo văn bản theo chương trình, kế hoạch đề ra; tích cực xây dựng, tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua Dự án Luật Đường bộ, với các chính sách lớn tác động tích cực đến xã hội.
Bộ Giao thông Vận tải đang khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ hồ sơ Luật Đường sắt Việt Nam (sửa đổi), trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Chín (tháng 5.2025), thông qua tại Kỳ họp thứ Mười (tháng 10.2025), Quốc hội khóa XV; tiếp tục thực hiện việc tổng kết, hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Hàng không Việt Nam theo chỉ đạo của Chính phủ; tổng kết Luật Đường thủy nội địa Việt Nam, Bộ luật Hàng hải Việt Nam.
Năm 2024, Bộ Giao thông Vận tải đã khởi công 10 dự án, khánh thành đưa vào khai thác 8 dự án. Nhiều vướng mắc, khó khăn phức tạp đã được tập trung xử lý, tháo gỡ, như giải phóng mặt bằng, nguồn vật liệu phục vụ các dự án, nhất là khu vực phía Nam. Đến nay, tiến độ các dự án trọng điểm được bảo đảm, một số dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa dự kiến sẽ hoàn thành vượt tiến độ từ 3 đến 6 tháng.
Về đường bộ, Bộ cũng đã tham mưu trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư Dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành; đã khởi công 8 dự án, hoàn thành đưa vào khai thác 7 dự án, nâng tổng số km đường cao tốc cả nước đến nay lên 2.021km.
Công trường "bứt tốc", công tác giải ngân vốn đầu tư công cũng ghi nhận nhiều điểm sáng. Dự kiến, hết tháng 12.2024, Bộ Giao thông Vận tải giải ngân khoảng 60.200 tỷ đồng, đạt 80% kế hoạch; phấn đấu hết niên độ tài chính, đạt 95% kế hoạch, thuộc nhóm dẫn đầu về giải ngân trên cả nước.
Năm 2025 là năm "tăng tốc" và "về đích", để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025. Bộ Giao thông Vận tải xác định, đây là năm mang ý nghĩa chiến lược, thực hiện đột phá về hạ tầng giao thông, góp phần "đi trước mở đường", hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước. Bộ dự kiến sẽ khởi công 19 dự án và hoàn thành 51 dự án hạ tầng, để tiếp tục triển khai các nhiệm vụ chính trị mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề ra.
Về giải ngân vốn ngân sách nhà nước, năm 2025, Bộ Giao thông Vận tải dự kiến được giao số vốn lớn, khoảng 87.000 tỷ đồng. Bộ sẽ triển khai mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tiếp tục gắn trách nhiệm người đứng đầu, đưa nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công là một trong những tiêu chí hàng đầu để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ.
Tập trung hoàn thành các dự án quan trọng
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh, với vị thế ngành phát triển hạ tầng, "đi trước mở đường", "giao thông đi đến đâu, mở ra ấm no đến đó", ngành giao thông vận tải bao gồm 5 lĩnh vực: Đường bộ, đường sắt, đường thủy, hàng hải, hàng không, tạo ra kết nối các lĩnh vực kinh tế, địa phương và các quốc gia với nhau.
Phó Thủ tướng ghi nhận, biểu dương những nỗ lực của ngành giao thông vận tải, đã phát huy tiềm năng, thế mạnh về thể chế; các bộ luật liên quan hết sức đột phá. Đặc biệt, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, các ban quản lý dự án, nhà thầu, cán bộ, công nhân, người lao động đã vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành tốt các nhiệm vụ.
Năm 2025, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu ngành giao thông vận tải cần quyết tâm cao, đổi mới tư duy, tập trung hoàn thành các dự án quan trọng, đảm bảo chất lượng, tiến độ; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong khảo sát, thiết kế, thi công và giám sát, nhằm giảm giá thành, chống tiêu cực, phát triển bền vững hạ tầng giao thông.
Với sự thay đổi về mô hình tổ chức, Phó Thủ tướng tin tưởng, sự thay đổi sáp nhập, tinh gọn bộ máy của Bộ Giao thông Vận tải được thực hiện theo chiều hướng mạnh lên, phát triển theo hướng "Tinh - Gọn - Mạnh", "Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả".