Ngành giáo dục thúc đẩy phong trào “Bình dân học vụ số” như thế nào?
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh, phong trào “Bình dân học vụ số” không chỉ đơn thuần là một hoạt động chuyên môn, mà còn là sứ mệnh chính trị - xã hội của ngành Giáo dục trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia.
Đây là bước kế thừa và phát triển trong thời đại mới, nơi tri thức, kỹ năng số trở thành công cụ tối quan trọng để nâng cao dân trí, phát triển kinh tế và bảo đảm công bằng xã hội.

Cần có hướng dẫn chuyên môn riêng cho giáo dục
Chiều 9/7/2025, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Nguyễn Văn Phúc chủ trì cuộc họp trực tiếp kết hợp trực tuyến với các cơ sở giáo dục trên toàn quốc nhằm đẩy mạnh phong trào “Bình dân học vụ số” và xây dựng hệ thống học liệu số theo tinh thần của Đề án 06 về phát triển dữ liệu dân cư và định danh điện tử do Chính phủ phê duyệt.
Tại hội nghị, PGS.TS Nguyễn Văn Hiền, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đưa giáo dục đặc biệt vào nội dung triển khai phong trào, nhằm bảo đảm quyền tiếp cận học tập bình đẳng cho người khuyết tật, người yếu thế và các nhóm dễ bị tổn thương trong xã hội.
PGS.TS Nguyễn Văn Hiền đề xuất Bộ GDĐT cần có hướng dẫn chuyên môn riêng cho giáo dục hòa nhập trong môi trường số, đồng thời bố trí nguồn lực tài chính phù hợp để các cơ sở đào tạo, đặc biệt là các trường sư phạm, có thể phát triển mô-đun học liệu chuyên biệt và tổ chức tập huấn cho đội ngũ giáo viên làm công tác giáo dục đặc biệt.
Ông cũng nhấn mạnh rằng việc đưa giáo dục đặc biệt vào nội dung phong trào không chỉ thể hiện tính bao trùm và nhân văn của chuyển đổi số giáo dục, mà còn góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển công dân số toàn diện – nơi không ai bị bỏ lại phía sau trong hành trình học tập suốt đời.
Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Mở Hà Nội Dương Thăng Long đề xuất tăng cường tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) vào hệ thống quản lý học tập để hỗ trợ người học cá nhân hóa trải nghiệm học tập, nâng cao hiệu quả tiếp cận học liệu số.
Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh Huỳnh Văn Sơn góp ý về việc hoàn thiện cơ chế triển khai phong trào “Bình dân học vụ số” trên phạm vi rộng. Ông đề xuất cần thiết lập hệ thống kết nối hoặc cơ chế chuyển giao dữ liệu giữa các nền tảng, đảm bảo việc sử dụng học liệu số có tính liên thông và bền vững.
Làm sao để lan tỏa sâu rộng phong trào “Bình dân học vụ số”?
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc cho rằng, để đạt được mục tiêu phong trào “Bình dân học vụ số” không chỉ dừng lại ở phổ cập kỹ năng, mà còn tạo lập được thói quen học tập suốt đời trong môi trường số, ngành Giáo dục cần tiếp tục triển khai đồng bộ và có chiều sâu các nhiệm vụ đã đề ra.
Thứ trưởng yêu cầu, Vụ Giáo dục Đại học cần khẩn trương hoàn thiện 6 mô-đun học liệu đã được giao, làm nền tảng cho triển khai đại trà. Cùng với đó, Cục Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên (GDNN&GDTX) phải phát huy vai trò điều phối, phối hợp với các trường cao đẳng và trung tâm GDTX thống nhất rõ ràng đơn vị thực hiện, lộ trình thời gian và mục tiêu kết quả cụ thể. Vụ Giáo dục Phổ thông cần tiếp tục làm đầu mối phối hợp với các trường đại học sư phạm để đưa phong trào đến với học sinh phổ thông một cách phù hợp và hiệu quả, thông qua chương trình học gắn với thực hành kỹ năng số.
Đặc biệt, yếu tố công nghệ - hạ tầng kỹ thuật cần được chuẩn bị sẵn sàng. Cục Khoa học, Công nghệ và Thông tin phải tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đầu mối tại các trường để bảo đảm nền tảng triển khai học liệu số hoạt động ổn định, thống nhất và tích hợp với nền tảng công dân số quốc gia.
Để đảm bảo nguồn lực cho phong trào, cần có cơ chế tài chính minh bạch, cụ thể. Thứ trưởng yêu cầu Vụ Kế hoạch – Tài chính cần sớm hướng dẫn các cơ sở giáo dục thực hiện đúng quy định về sử dụng kinh phí hỗ trợ cho hoạt động biên soạn, triển khai và phổ biến học liệu số.