Ngành du lịch cần có cách tiếp cận mới, mục tiêu mới

- Thứ Bảy, 27/02/2021, 07:24 - Chia sẻ
Khi thực hiện nhiệm vụ năm 2021, ngành du lịch phải có cách tiếp cận mới, mục tiêu mới, đặt nền móng phát triển cho cả giai đoạn 2021 - 2025 theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Đây là yêu cầu của Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trong cuộc làm việc với Tổng cục Du lịch mới đây.

Cần thêm chính sách hỗ trợ

Lãnh đạo Tổng cục Du lịch cho biết, đến thời điểm này doanh nghiệp du lịch đã kiệt quệ. Hơn 500 doanh nghiệp lữ hành không thể tiếp tục hoạt động, xin thu hồi giấy phép; 90 - 95% doanh nghiệp lữ hành tạm dừng hoạt động; công suất buồng phòng khách sạn chỉ còn 10 - 20%... Lực lượng lao động trong ngành đang có sự dịch chuyển lớn sang ngành khác mà phải mất 5 - 7 năm mới có thể hồi phục như năm 2019.

	Người dân TP Hồ Chí Minh du xuân tại đường hoa Nguyễn Huệ. Nguồn: ITN
Người dân TP Hồ Chí Minh du xuân tại đường hoa Nguyễn Huệ.
Nguồn: ITN

Trong khi đó, theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Thị Thanh Hương, những chính sách hỗ trợ (như miễn, giảm tiền điện, thuế đất, phí thẩm định cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa, phí thẩm định cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch…) chưa thiết thực, nhiều chính sách chưa đến được với doanh nghiệp, người lao động. Bà Hương lo ngại nếu không chuẩn bị tốt, khi dịch được khống chế, thị trường mở cửa trở lại thì du lịch Việt Nam sẽ phải đối mặt những lỗ hổng lớn về nguồn nhân lực, sản phẩm, cơ sở vật chất và định hướng thị trường…

Năm 2021 khởi đầu một nhiệm kỳ, ngành du lịch cũng phải triển khai các nhiệm vụ trọng tâm trong bối cảnh bình thường mới. Tuy nhiên, để “đoàn tàu” du lịch tiếp tục “lăn bánh trên đường ray” với những tổn thương nặng nề như hiện nay không hề đơn giản, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Ngô Hoài Chung nói. Thị trường thay đổi; nhu cầu, thị hiếu của khách và xu hướng du lịch cũng thay đổi, vì thế ngành du lịch buộc phải thay đổi để phù hợp với tình hình mới. Trong đó, vai trò “nhạc trưởng” của Tổng cục Du lịch trong việc liên kết các địa phương, các ngành, các doanh nghiệp; cơ cấu lại sản phẩm; định hướng thị trường, xúc tiến quảng bá; đào tạo nguồn nhân lực; chuyển đổi số là vô cùng quan trọng. Ông Chung cũng đề nghị lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kiến nghị Chính phủ có những chính sách hỗ trợ du lịch để tránh đổ vỡ hàng loạt, hơn nữa đây cũng là ngành tiêu thụ sản phẩm cho các ngành khác.

Vụ trưởng Vụ Lữ hành Nguyễn Quý Phương đề xuất việc cần thiết phải khởi động lại, tăng cường hoạt động của Ban Chỉ đạo nhà nước về du lịch ở Trung ương lẫn địa phương để tạo hệ thống “chân rết” của ngành ở các địa phương, bộ, ngành liên quan, thúc đẩy du lịch phục hồi và phát triển toàn diện.

Tính toán kỹ nhiệm vụ trọng tâm

Trước những khó khăn mà ngành du lịch đang phải đối mặt và tình hình mới, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho rằng, ngành du lịch phải khẩn trương tham mưu xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện Chương trình hành động quốc gia về việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII và Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2021 - 2030, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 theo Nghị quyết của Đảng, Quốc hội về lĩnh vực du lịch.

Ông cũng đề nghị Tổng cục Du lịch nghiên cứu, tham mưu việc tổ chức Hội nghị toàn quốc về quy hoạch du lịch để định hướng lại, phát triển du lịch theo hướng bền vững, có trách nhiệm, gìn giữ tài nguyên. Đồng thời, tính toán kỹ, lựa chọn các nhiệm vụ trọng tâm cho năm 2021 và kế hoạch dài hạn cho 5 năm tới.

Theo đó, ngoài các nhiệm vụ cần ưu tiên thực hiện như việc đưa Quỹ Hỗ trợ phát triển đi vào hoạt động, cơ cấu lại ngành du lịch, sản phẩm du lịch, xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh, chuyển đổi số trong phát triển du lịch… Tổng cục cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương liên quan tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2021; phối hợp với Tổng cục Thể dục Thể thao xây dựng kế hoạch quảng bá du lịch, phát triển sản phẩm du lịch nhân dịp Việt Nam đăng cai tổ chức SEA Games vào cuối năm 2021; tăng cường liên kết với 2 địa phương đầu tàu du lịch là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh để thúc đẩy triển khai các thỏa thuận liên kết hợp tác giữa 2 địa phương này với các địa phương trong cả nước.

Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho biết, các nhóm nhiệm vụ trọng tâm của ngành thời gian tới là: Bảo đảm phòng, chống dịch Covid-19; tiếp tục tập trung thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; đưa Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch vào hoạt động; tiếp tục đổi mới nhận thức, tư duy về phát triển du lịch trong tình hình mới; hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển du lịch; phát triển nguồn nhân lực du lịch; đa dạng hóa thị trường khách; phát triển sản phẩm; đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá, xây dựng thương hiệu du lịch; triển khai chuyển đổi số, phát triển du lịch thông minh; tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về du lịch.

 

Hương Sen