Ngành cá tra thiếu nguồn cung cục bộ

- Thứ Ba, 27/04/2021, 09:13 - Chia sẻ
Vừa phục hồi nhẹ trong quý I, ngành cá tra lại rơi vào cảnh thiếu nguồn cung cục bộ. Dù vậy, đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam khuyến cáo doanh nghiệp và các hộ nuôi cần xem xét kỹ tình hình phục hồi của thị trường trước khi thả nuôi.

Xuất khẩu phục hồi nhẹ

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, xuất khẩu cá tra quý I.2021 đạt 344 triệu USD tăng 3% so với cùng kỳ, riêng tháng 3 tăng 17,6%.

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu vào 2 thị trường lớn và quan trọng là Mỹ và Trung Quốc lần lượt tăng 16% và 10%. Thị trường Anh hứa hẹn tiềm năng khi từ ngày 1.1 đến 15.2.2021, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang nước này đạt 3,89 triệu USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2020 và dự báo tiếp tục duy trì đà tăng trưởng này trong những tháng tới. 

Phó Tổng thư ký VASEP Tô Tường Lan nhận định, đây là những tín hiệu đáng mừng cho ngành cá tra sau một năm tăng trưởng âm do ảnh hưởng của dịch bệnh cũng như những điểm yếu nội tại của ngành. Tuy nhiên, khi xuất khẩu dần phục hồi, ngành cá tra lại rơi vào cảnh thiếu nguồn cung cục bộ.

Theo đại diện VASEP, nguồn tiêu thụ từ các kênh dịch vụ như nhà hàng, khách sạn tại Mỹ, Trung Quốc, châu Âu phục hồi mạnh về mức trước khi xảy ra dịch. Nguồn cung cá tra được dự báo sẽ khó có thể mở rộng để cung ứng kịp thời nhu cầu trong vòng 3 đến 6 tháng tới vì người nuôi không có động lực để mở rộng vùng nuôi hoặc tiếp tục thả nuôi.

Tổng cục Thủy sản cũng cho biết,  năm 2020 diện tích thả nuôi cá tra khu vực đồng bằng sông Cửu Long ước đạt 5.700ha, với tổng sản lượng 1,56 triệu tấn, tăng 6,9% so với năm 2019. Trong đó, các tỉnh, TP. Đồng Tháp, An Giang, Bến Tre, Vĩnh Long và Cần Thơ có diện tích thả nuôi cá tra lớn nhất cả nước nhưng chỉ có 1.800ha trong giai đoạn thu hoạch - mức thấp nhất trong 4 năm trở lại đây.

Dù xuất khẩu có chiều hướng lạc quan nhưng ngành cá tra vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn khi thiếu nguồn cung cục bộ

Nguồn: ITN 

Tính lại bài toán cung cầu

Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta Hồ Quốc Lực cho rằng thời điểm này, điểm mạnh - yếu đã bộc lộ rất rõ. Về mặt khách quan, cá tra gặp khó do cung tăng từ nhiều nguồn như cá biển thịt trắng tương đồng tăng; cá tra nuôi tăng ở nhiều nước như Ấn Độ, Indonesia, Bangadesh, Trung Quốc. Dù các nước này nuôi cá tra để cung ứng nguyên liệu trong nước nhưng khi lượng nuôi tăng, họ có thể giành thị trường tiêu thụ trên thế giới. Về chủ quan, tồn kho cá tra năm 2019 còn nhiều, kim ngạch xuất khẩu cá tra năm 2020 sụt giảm khiến người nuôi thất vọng vì thua lỗ, dẫn đến thiếu hụt cá nguyên liệu ở năm sau.

Theo ông Lực, nắm được thông tin về cung - cầu từ đó tính toán sản lượng, diện tích ao nuôi là yếu tố tiên quyết cho thành bại khi nuôi cá tra. Cùng với đó, phải khẩn trương nâng cao trình độ chế biến, tạo thêm nhiều mẫu mã sản phẩm mới, tiện ích cho người tiêu dùng… "Ngành tôm mất 5 năm cho hành trình này và nay họ rất ổn".

Phó Tổng thư ký VASEP Tô Tường Lan cho biết, việc thiếu nguyên liệu sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc cân đối nguyên liệu sản xuất, cũng như lên kế hoạch để phục hồi nguồn cung sớm nhưng đây cũng là cơ hội tốt để doanh nghiệp nâng mức giá xuất khẩu tại các thị trường lớn. Hiện, nguyên liệu cá tra mới chỉ thiếu cục bộ, thị trường xuất khẩu chỉ mới phục hồi nhẹ. Mặc dù tình hình dịch bệnh tại Việt Nam vẫn đang được kiểm soát tốt nhưng tại một số quốc gia khác số ca nhiễm hàng ngày vẫn ngoài tầm kiểm soát. 

“Trước tình hình trên, các doanh nghiệp và hộ nuôi cần xem xét kỹ tình hình phục hồi của thị trường trước khi thả nuôi. Có nhiều doanh nghiệp đã chủ động nuôi và tùy theo diễn biến thị trường có những điều chỉnh khá kịp thời nhằm bảo đảm cân đối cung cho sản xuất. Tuy nhiên, người nuôi đơn lẻ cần phối hợp tốt với các doanh nghiệp chế biến để tránh tình trạng thả nuôi thiếu kế hoạch gây bất lợi cho người nuôi”, bà Lan khuyến cáo.

Hạnh Nhung