Bảo hiểm - giải pháp phòng ngừa rủi ro hiệu quả
Cơn bão số 3 (Yagi) đi qua đã để lại thiệt hại nặng nề về người, tài sản đối với nước ta. Trước thực tế đó, các doanh nghiệp bảo hiểm đã khẩn trương rà soát, chi trả quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng bị ảnh hưởng, kịp thời hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.
Theo ông Phạm Văn Đức, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính, theo báo cáo của các doanh nghiệp bảo hiểm, tính đến 17h ngày 16.10.2024, ước tính thiệt hại lên tới 12.811 tỷ đồng, chủ yếu các bảo hiểm về tài sản kỹ thuật, xe cơ giới chiếm đến 96%. Tính tổng số thiệt hại do bão Yagi mang lại trên 80.000 tỷ đồng. Nếu tính tổng giá trị thiệt hại và giá trị tham gia bảo hiểm rơi vào 17% của thiệt hại.
Điều này một lần nữa chứng tỏ bảo hiểm thực sự là một giải pháp phòng ngừa rủi ro hữu hiệu, giúp người dân, doanh nghiệp giảm bớt khó khăn và sớm phục hồi sau khi gặp phải những rủi ro; qua đó đóng góp quan trọng trong việc bảo đảm an sinh xã hội và góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Đánh giá cao vai trò của ngành bảo hiểm, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho rằng, ngành bảo hiểm góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bởi vì số tiền tái đầu tư trở lại để phát triển kinh tế của ngành bảo hiểm của cả bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm phi nhân thọ của năm 2023 là khoảng 757.000 tỷ đồng. Năm 2023, ngành bảo hiểm Việt Nam nhân thọ đã chi bồi thường là 24.000 tỷ. Bảo hiểm vẫn chi trả bồi thường thiệt hại xảy ra hàng năm. Nếu cộng cả lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ, thì số tiền chi trả bồi thường thiệt hại năm 2023 là 84.000 tỷ, con số này không phải là nhỏ.
Trên thế giới, tỷ lệ mua bảo hiểm trung bình khoảng 90%, tại Việt Nam năm 2023 thu khoảng 9 tỷ USD, chiếm khoảng 2% GDP (GDP chúng ta khoảng 430 tỷ). Rõ ràng tỷ lệ mua bảo hiểm tại Việt Nam là rất thấp, trong khi tại khu vực châu Á, tỷ lệ trung bình khoảng 4%, còn thế giới khoảng 9%, như Mỹ là 90%.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam
“Chi trả bồi thường thiệt hại cho người mua bảo hiểm điều mà ngành bảo hiểm đang thầm lặng làm nhiều năm qua”, ông Tuấn nói.
Tuy vậy, nhìn vào tỷ lệ tham gia bảo hiểm cũng cho thấy, “số có bảo hiểm là rất nhỏ”, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam nhận định.
Nhìn ra các nước trên thế giới, vừa qua, cơn bão Milton đổ bộ vào Mỹ đã gây tổn thất dự kiến khoảng 170 tỷ USD. Tỷ lệ được bảo hiểm tại Mỹ là rất cao, giá trị được bảo hiểm là 125 tỷ USD. Việt Nam tỷ lệ được bảo hiểm mới chỉ khoảng 17%, trong khi tại Mỹ tỷ lệ được bảo hiểm là 71%. Đưa ra con số so sánh này, ông Tuấn cho rằng, Việt Nam đang nằm trong top thấp của các nước về tỷ lệ bảo hiểm.
Gỡ khó cho ngành bảo hiểm
Không thể phủ nhận những đóng góp của ngành bảo hiểm đối với khách hàng nói riêng, đối với việc bảo đảm an sinh xã hội và với nền kinh tế nói chung. Tuy nhiên, ông Nguyễn Anh Tuấn cũng cho rằng, ngành bảo hiểm còn rất nhiều việc phải làm để bảo đảm được vai trò “bà đỡ”, “lá chắn” khi có tổn thất xảy ra. Khi tỷ lệ mua bảo hiểm mua thấp thì doanh nghiệp bảo hiểm gặp khó trong việc bảo đảm vai trò “bà đỡ, lá chắn”. Dù rất muốn chi trả bảo hiểm cũng không chi trả được vì không có hợp đồng, ông Tuấn chia sẻ.
Bảo hiểm cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới và sáng tạo. Trong quá trình phát triển, các doanh nghiệp luôn phải đối mặt với nhiều rủi ro khi đầu tư vào các sản phẩm và dịch vụ mới. Nhờ có bảo hiểm, họ có thể yên tâm hơn khi thử nghiệm những công nghệ tiên tiến, sáng tạo và đưa ra các sản phẩm, dịch vụ mới mà không lo ngại về những tổn thất quá lớn nếu có sự cố xảy ra. Chính yếu tố này là động lực để thúc đẩy sự sáng tạo và nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, từ đó đóng góp vào tăng trưởng kinh tế.
Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân Phạm Thị Thanh Huyền
Hiện nay, nguồn lực của các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam còn non trẻ. Tổng vốn của các nghiệp bảo hiểm Việt Nam năm 2023 khoảng 190.000 nghìn tỷ. Theo ông Tuấn, con số này cho thấy sự phát triển của ngành bảo hiểm Việt Nam vẫn chưa được như kỳ vọng và chưa xứng với tiềm năng.
Để bảo đảm chi trả quyền lợi cho người đóng bảo hiểm, rất cần đẩy nhanh thời gian thực hiện bồi thường. Tuy nhiên, để có thể bồi thường được chúng ta phải có giám định và cần có thời gian. Sự điều chỉnh mức phí phù hợp cũng là vấn đề cần đặt ra khi nước ngoài đã tăng phí mà Việt Nam không có điều chỉnh cũng sẽ dẫn đến sự bất hợp lý.
Từ góc nhìn của doanh nghiệp bảo hiểm, bà Bùi Thị Thanh Xuân, Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm Vietinbank (VBI) đề xuất về phí bảo hiểm, đó là khi có tổn thất lớn xảy ra thì năm sau phí bảo hiểm tăng. Theo quy định tại Nghị định 67/2023/NĐ-CP quy định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc, bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng, cho phép doanh nghiệp bảo hiểm tăng, giảm 25% phí bảo hiểm. Tuy nhiên, điều này gây nhiều khó khăn cho việc cung cấp dịch vụ của bảo hiểm tới khách hàng. Bởi, quy định được tăng, giảm 25% nhưng hầu như chỉ thấy giảm chứ không thấy tăng. Do đó, cần phải làm rõ hơn các điều kiện tăng, giảm phí để dễ dàng hơn cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện, bà Xuân đề nghị.
Sai phạm trong tư vấn bảo hiểm sẽ bị xử phạt hành chính
Về phân phối bảo hiểm qua ngân hàng, ông Phạm Văn Đức, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính cho biết, Luật Kinh doanh bảo hiểm có hiệu lực từ 1.7.2023 đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bảo hiểm và người tham gia bảo hiểm thuận lợi. Trong đó, quy định rõ doanh nghiệp bảo hiểm và đại lý bảo hiểm phải có chào bán, giao kết hợp đồng. Đối với bảo hiểm tự nguyện phải công khai, minh bạch, tư vấn về quyền lợi bảo hiểm phải rõ. Nếu người tham gia bảo hiểm chưa rõ lợi ích, điều kiện điều khoản, quyền lợi tham gia, hồ sơ thủ tục bồi thường khi tổn thất xảy ra thì phải báo cho ai, điều này đã được quy định rõ.
Để tránh trường hợp tư vấn không rõ, tránh xảy ra rủi ro, khiếu kiện, ông Đức cho rằng, các doanh nghiệp bảo hiểm cũng cần nâng cao trách nhiệm của tư vấn viên, kể cả cán bộ nhân viên bảo hiểm trong tuyên truyền, tư vấn về bảo hiểm trong quá trình tư vấn mua bán bảo hiểm.
Vừa rồi, Chính phủ có giao Bộ Tài chính về sửa Nghị định 98 năm 2013 về xử phạt vì phạm hành chính. “Chúng tôi sẽ quy định doanh nghiệp bảo hiểm, đại lý bảo hiểm có sai phạm trong tư vấn về bảo hiểm sẽ xử phạt hành chính”, ông Đức nói.