Đây là một trong các nội dung nhằm cụ thể hóa các hoạt động Năm An toàn giao thông 2024 với chủ đề “Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn, Chương trình phối hợp giữa Tòa án nhân dân tối cao và Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia về công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (ATGT) giai đoạn 2023-2030 và Kế hoạch hành động số 282 của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia về “Không giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông” hiện đang được triển khai đồng bộ trên phạm vi toàn quốc.
Phát biểu khai mạc chương trình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Mai Xuân Liêm cho biết, đây là sự kiện có ý nghĩa rất thiết thực nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của thanh thiếu niên học sinh, sinh viên khi tham gia giao thông; đồng thời là diễn đàn để các cấp chính quyền, các nhà trường, các tổ chức đoàn thể, hội, gia đình nâng cao trách nhiệm trong việc tuyên truyền, quản lý, giáo dục, hướng dẫn kỹ năng cho lứa tuổi thanh thiếu niên, học sinh nghiêm túc chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông vì mục tiêu “Tính mạng con người là trên hết”...
Trong suốt quá trình tái hiện vụ việc, người dẫn chương trình sẽ đặt câu hỏi về pháp luật trật tự ATGT liên quan đến vụ việc để giao lưu, tương tác với các học sinh, sinh viên và các đối tượng tham gia chương trình. Sau mỗi câu trả lời là nhận xét, đánh giá của các Tổ chuyên gia về pháp luật (gồm Thẩm phán Tòa án nhân, kiểm sát viên, Lãnh đạo Viện Khoa học Cảnh sát – Học viện Cảnh sát giao thông, đại diện Phòng Cảnh sát giao thông – Công an tỉnh Thanh Hóa) đồng thời đưa ra định hướng, hướng dẫn người dân trong việc việc chấp hành pháp luật trật tự ATGT.
Sự kiện là lời nhắc nhở sâu sắc đối với tất cả chúng ta: Hãy nói “không” với việc giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông! Hãy bảo vệ an toàn cho bản thân, gia đình và những người xung quanh! Hành động nhỏ nhưng ý nghĩa lớn này sẽ góp phần quan trong việc giảm thiểu những nỗi đau, mất mát vô cùng đáng tiếc do tai nạn giao thông gây ra. Qua đó góp phần giảm tai nạn giao thông nói chung và tai nạn giao thông liên quan đến học sinh nói riêng trên phạm vi toàn tỉnh.
Phát biểu chỉ đạo tại sự kiện, Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Lê Kim Thành khẳng định: Truyền thông từ bộ tài liệu “Mô hình phiên tòa giả định” là một bước tiến, một cách làm mới trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
Với hình thức trực quan, sinh động, người dân có thể hiểu rõ hơn các quy định pháp luật, nguyên nhân, hậu quả, trách nhiệm pháp lý của các đối tượng liên quan đến hành vi vi phạm; từ đó tạo sự tác động mạnh mẽ vào nhận thức, thúc đẩy ý thức tự giác chấp hành pháp luật cũng như nâng cao tinh thần, trách nhiệm của mỗi người dân. Ông Thành cũng đề nghị các đại biểu đến từ Ban An toàn giao thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan, đơn vị sẽ nắm bắt và nghiên cứu áp dụng, triển khai mô hình này một cách hiệu quả và phù hợp tại địa phương, đơn vị mình, góp phần tạo nên một xã hội an toàn, văn minh.