Ngẩn ngơ bông khế
Tản văn của Hoàng Công Danh
Mỗi lần thèm được yên bình, tôi tìm ra cây khế sau nương nhà. Nơi ấy là xứ sở muông chim tới hót, lúa đồng thơm sữa tháng ba gom về. Nơi ấy, tôi tự chơi trò trốn tìm với chính mình, và hình như còn sót một chiếc dép mộc dưới gốc khế mà tôi chưa ướm được vào chân, để bây chừ còn thắc thỏm với tuổi dại.
Cây khế đó là loại khế chua. Để hạn chế độ chua, ông nội nhủ hãy lấy dao cạo một khoanh lớp vỏ dưới gốc rồi quệt vôi vào, mỗi khi nấu hến xong thì đem vỏ đổ quanh gốc. Cứ thế, mấy mùa sau khế bắt đầu ngọt dần ngọt dần. Đỗ thi sĩ ví von: “Quê hương là chùm khế ngọt”, nhưng nếu quê hương là khế chua thì ta cứ cách ấy mà làm.
Mùa khai hoa của khế không rõ ràng, thường vào cuối xuân đã có chúm nụ và kéo dài cho đến tận lúc tàn trái mọng sau cùng. Nụ khế mới ngoi lên đang chụm cánh thành một ngọn bút lông viết vào bên trong nó dòng nhật ký đầu tiên của đời hoa, rồi tự nhủ phải khư khư giữ kín như sợ người ta biết hết những bí mật của mình.
Bông khế tím đậm nhất ở lõm hoa rồi nhạt dần thành hồng và trắng muốt ra ngoài cánh. Hoa ấy là một người con gái, giấu kín nội tâm tê tái của mình, chỉ hé một chút ra ngoài như sự ngây thơ hồn nhiên của tuổi mười ba dậy thì.
![]() Nguồn: ITN |
Những chiều nhạt nắng, tôi đem chiếc võng dây dù mắc sau vườn, một đầu dây cột ngang thân cây khế. Ngửa mặt dưới tán lá đương mùa đượm quả, tôi ngỡ mình là thằng lười nào đó đang nằm há miệng chờ… hoa. Võng chỉ chao rất nhẹ thôi là đã đủ rung bông khế rụng xuống. Bông khế lắt nhắt như mưa bóng mây thoảng qua từng đợt rồi dính đầy vào gai võng. Chiếc thuyền hoa ấy cứ trôi miên man giữa dòng sông hoài niệm dĩ vãng.
Mà cũng thật lạ, bông khế dường như không tỏa hương, hay có thì cũng rất nhẹ, phải để tâm lắm mới biết được. Ở khía cạnh dư ba thì hẳn nhiên hoa khế kém hoa chanh hoa bưởi cùng nở trong một khu vườn. Có lẽ hoa khế mang nỗi lòng của những cô gái thôn quê tuổi trăng rằm, đôi khi muốn yêu rồi đấy mà không dám hé lộ, nhỡ người ta ngửi thấy thì ngại phải biết. Vậy nên có ai mới chớm yêu nhau mà sợ mọi người thèo lẻo phá đám thì hãy ngắt một chùm hoa khế đem tặng.
Ở làng, hầu như nhà ai cũng có trồng một gốc khế. Cây lặng lẽ ẩn dật ở sau nương chứ không trương ra trước mặt. Người quê chỉ coi khế như một thứ cây rảnh đất thì trồng ké vào thôi chứ chẳng lợi lộc gì. Bưng rổ khế đi bán có khi hết buổi chợ mà chưa vơi đi là bao. Khế rẻ rúng như cho không nên có bà mẹ nghèo đi chợ thì mua quà về cho con là xâu khế ngọt. Quả khế chẳng lấy làm sang nhưng đó là món quà ân nghĩa của mẹ và làng quê.
Tầm chiều chiều, trẻ con chia nhau đi khắp xóm, đứa hái khế, đứa hái dái mít, đứa xin rau thơm. Sau đó đem về xắt lát mỏng, trộn thêm muối ớt vào và bóp. Gọi là làm xụm. Mỗi đứa cầm một que nhỏ dùng như cái nĩa để ăn. Miếng xụm kẹp một nhát khế, một nhát dái mít, một lá rau thơm dính ớt, đưa vào miệng thì lưỡi thấm cái vị chua, chát, cay. Ăn xong múc gáo nước lạnh tu ừng ực mát cả cổ họng. Thức ăn nước uống thiên nhiên, không hề nấu chín luộc sôi, thế mà chẳng đứa nào bị đau bụng. Người nhà quê còn hái khế đem vào nấu bữa như một thứ rau quả làm dịu lại cái nóng nực buổi hè. Khế xắt lát mỏng kẹp với con sứa chấm ruốc đặc nuốt cái ượt xuống tận gan ruột. Khế dùng nấu canh chua cá lóc chan qua bát cơm, dùng đũa quấy quấy rồi lùa cả cơm cả canh vào, có khi không cần nhai. Đúng là dễ như húp canh khế. Vào cuối mùa, khế chín đồng loạt, rụng trái nào là tiếc trái đó, mà ăn thì không hết. Ông nội đem khế xắt lát và rải ra phơi nắng, để dành vài bữa kho với cá biển. Nhát khế khô hút nước cá nên thấm thía, rất ngon.
Mùa hạ, gió Lào thốc về nóng nực, tôi nhét một cuốn truyện vào ngực áo rồi leo lên cây khế. Những chùm quả chi chít đung đưa như chào đón. Bông khế thi thoảng lắt nhắt rớt vào trang sách. Tôi đã đọc truyện cổ tích ăn khế đổi vàng ở trên cây đó. Đến đoạn con chim nói ăn một quả trả một cục vàng, tôi cũng hái một trái khế im lặng ăn. Thầm nghe văng vẳng bên tai: ăn một quả khế, là tặng một cục vàng. Đó là ân sủng quê hương dành cho trẻ con, cũng là chuyện cổ tích tôi viết cho riêng mình.