Ngân hàng cần giảm lợi nhuận để tập trung xử lý nợ xấu

Vũ Dũng thực hiện 12/12/2012 08:30

Quá trình tái cơ cấu các ngân hàng thương mại đã có một số bước đi quan trọng. Hiện Ngân hàng Nhà nước đang đôn đốc chỉ đạo các ngân hàng thương mại chủ động xử lý nợ xấu, tuy nhiên vấn đề cũng không dễ, vì liên quan đến cả câu chuyện sở hữu chéo. Theo CHUYÊN GIA TÀI CHÍNH, NGÂN HÀNG CẤN VĂN LỰC, việc xử lý nợ xấu đòi hỏi phải có hệ thống giải pháp đồng bộ, nhưng trước hết là ngân hàng thương mại cần biết giảm lợi nhuận để tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ này.

- Trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã sát sao chỉ đạo các ngân hàng thương mại thực hiện tái cơ cấu và đã đạt được một số kết quả tích cực. Ông đánh giá như thế nào về những hoạt động tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại trong thời gian qua?

- Trong thời gian qua, quá trình tái cơ cấu đã đạt được một số bước đi quan trọng. Trước hết là Đề án tái cơ cấu các tổ chức tín dụng đã được Thủ tướng Chính phủ ký phê duyệt. Thứ hai là đã cơ bản tái cơ cấu được một số ngân hàng yếu kém. Thứ ba là đã xác định được lộ trình tiếp theo trong thực hiện tái cơ cấu ngân hàng từ nay đến năm 2015. Với những hoạt động tái cơ cấu được thực hiện trong thời gian qua thì, tính thanh khoản của nhiều ngân hàng đã được cải thiện tốt trong năm 2012. Tuy nhiên, kinh tế trong nước và trên thế giới khó khăn hơn khiến nợ xấu tăng đáng kể. Mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã công bố con số nợ xấu nhưng cần tiếp tục kiểm tra tìm hiểu đưa ra số liệu chính xác hơn. Một yếu tố cản trở trong quá trình xử lý nợ xấu là thông tin nợ xấu chưa đầy đủ. Bên cạnh đó có câu chuyện sở hữu chéo cũng làm tiến trình xử lý nợ xấu chậm đi.

- Thực tế cho thấy, nếu ngân hàng là chủ nợ cho các dự án sân sau thì họ cũng không muốn đòi nợ vì không muốn những dự án kiểu này bị đau. Vậy, đây có là nguyên nhân khiến sở hữu chéo, khiến nợ xấu được xử lý chậm không, thưa Ông?

- Ngân hàng là chủ nợ không thúc ép đòi nợ ở doanh nghiệp vì sợ sân sau đau chỉ là một trong các lý do cơ bản. Ngoài ra, còn phải kể đến là sự mâu thuẫn lợi ích ngay trong hình thức cho vay theo tính chất sân sau, cho vay công ty liên quan đến bản thân công ty mẹ. Bởi khi đó, các điều kiện tín dụng sẽ được ưu đãi hơn và sẽ khó xử lý khi có thay đổi vì mối quan hệ thân thiện giữa các bên. Mối quan hệ giữa ngân hàng và doanh nghiệp sân sau rất nhạy cảm. Đây cũng là lý do chính cho sự thiếu minh bạch và quản trị doanh nghiệp chưa chuyên nghiệp.

Tuy nhiên, sở hữu chéo không phải là vấn đề mới đối với nhiều quốc gia trên thế giới. Chúng ta có thể thấy tình trạng sở hữu chéo, lợi ích nhóm ở Hàn Quốc, Nhật Bản, thậm chí là Mỹ. Song ở nước ta quản lý vấn đề này không tốt do thiếu minh bạch thông tin. Quản trị doanh nghiệp thiếu chuyên nghiệp nên mối quan hệ giữa ngân hàng và doanh nghiệp chằng chịt, không dễ nhận biết được. Song, rủi ro đạo đức là một trong bốn rủi ro tác nghiệp quan trọng trong các ngành và cả trong hoạt động của hệ thống ngân hàng. Câu chuyện sở hữu chéo cũng liên quan vì thông tin không minh bạch khiến tăng rủi ro đạo đức hơn.

- Quản lý hiệu quả sở hữu chéo là một điều kiện để thực hiện thành công quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại. Thưa Ông, để thực hiện tốt yêu cầu này thì cần bổ sung những giải pháp nào nữa?

- Luật Ngân hàng Nhà nước đã quy định rõ là một cá nhân không được giữ quá 5% vốn điều lệ của một ngân hàng. Chúng ta phải thực hiện nghiêm quy định này. Muốn nghiêm thì minh bạch hóa thông tin phải quan trọng. Ví dụ trong hệ thống ngân hàng phải áp dụng chuẩn mực theo Khung quy tắc của Ủy ban Basel về giám sát ngân hàng, gọi tắt là Basel II hoặc Basel III. Trong quản trị doanh nghiệp thì có chuẩn quản trị như kiểu Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OECD hoặc của Mỹ. Và điểm nữa là cần tiến dần đến việc xác lập sân chơi, những giải trình rõ ràng trong các mối quan hệ.

- Quay trở lại câu chuyện xử lý nợ xấu, Ngân hàng Nhà nước mới đây yêu cầu các ngân hàng thương mại tăng cường trích lập dự phòng và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro, tính đến việc thu hồi vốn từ phát mại tài sản bảo đảm để tạo nguồn xử lý nợ xấu, rồi yêu cầu các ngân hàng điều chỉnh giảm lợi nhuận. Ông đánh giá thế nào về biện pháp này đối với việc xử lý nợ xấu?

- Hiện các ngân hàng đang tích cực xử lý nợ xấu theo một số phương án, một là tự động tăng trích lập dự phòng rủi ro, rồi dùng một số khoản dự phòng để xóa nợ. Phương án thứ hai là bán hoặc xử lý một số tài sản đảm bảo. Nhưng câu chuyện thứ hai này không dễ vì tài sản bảo đảm trong các khoản vay chủ yếu là bất động sản. Những tài sản này khó xử lý vì liên quan đến thủ tục pháp lý và nhiều ngành khác nhau.

- Đã có quan điểm cho rằng, cần buộc các ngân hàng đẩy nhanh nợ xấu, cắt giảm lợi nhuận, thậm chí lấy cả vốn để bù đắp, vì những năm trước ngân hàng đã lãi lớn và đã chia lợi. Ông có suy nghĩ như thế nào về giải pháp mạnh này?

- Một vài năm trước cũng không hẳn ngân hàng lãi lớn. Vì theo tính toán của chúng tôi, tỷ suất lợi nhuận trên vốn ở mức độ 12%, thấp so với Thái Lan, Indonexia vào khoảng 15%. Năm nay các ngân hàng đã phải quyết liệt tăng cường trích lập dự phòng, dùng dự phòng rủi ro xóa nợ. Chính vì thế lợi nhuận năm nay giảm mạnh từ 20 – 60%. Có những ngân hàng giảm đến 80% lợi nhuận. Đây cũng là giải pháp quyết liệt và hữu hiệu. Nhưng đây cũng là giải pháp gây ra những tác động lớn về xã hội, như liên quan đến cơ cấu lại hệ thống nhân sự của các ngân hàng.

- Vậy theo Ông, trong năm 2013, các cơ quan chức năng cần triển khai những biện pháp nào để thúc đẩy quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng?

- Trong năm tới, nước ta phải đặt trọng tâm xử lý nợ xấu lên hàng đầu. Muốn vậy phải có giải pháp đồng bộ, đặc biệt liên quan đến giải quyết hàng tồn kho và thị trường bất động sản. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, muốn đẩy nhanh tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thì cần thực hiện đồng bộ với tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước và đầu tư công. Như thế nợ xấu mới giảm đi được. Thứ hai là, phải xử lý triệt để và hoàn thành những ngân hàng yếu kém còn lại, tránh hiện tượng chạy đua lãi suất và không lành mạnh trong hệ thống ngân hàng, cũng như gây căng thẳng trong hệ thống. Thứ ba là, không thể chủ quan với lạm phát, vì nó luôn rình rập nhiều năm vừa qua. Thứ tư là, liên quan đến chính sách quản lý thị trường vàng và ngoại hối phải tiếp tục làm mạnh. Và đặc biệt liên quan đến lợi ích nhóm, tôi nghĩ rằng cũng phải làm quyết liệt hơn, để xử lý được các vấn đề có liên quan.

- Xin cám ơn Ông!

    Nổi bật
        Mới nhất
        Ngân hàng cần giảm lợi nhuận để tập trung xử lý nợ xấu
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO