Những con số báo động đỏ
Có một thực tế đau lòng nhưng vẫn diễn ra hàng ngày được báo chí, các phương tiện thông tin truyền thông và các trang mạng xã hội thường xuyên đưa tin những vụ mâu thuẫn, những vụ giết người, những vụ “tư thù” cá nhân và kể cả những vụ cố ý hủy hoại tài sản đều liên quan đến dao nhọn, dao nhọn sắc… Tuy nhiên, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017 không quy định dao có tính sát thương cao là vũ khí; vũ khí thô sơ được trang bị cho lực lượng vũ trang nhân dân và các lực lượng khác để thi hành công vụ hoặc không được trang bị cho các đối tượng theo quy định của Luật này nhưng sử dụng với mục đích xâm phạm tính mạng, sức khỏe con người trái pháp luật không được xác định là vũ khí quân dụng.
Trong khi đó, tại Điều 306 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định chỉ xử lý hình sự được đối với tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, mua bán, sử dụng trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí thô sơ khi đối tượng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích.
Tổng kết 5 năm thi hành Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ cho thấy, trong tổng số 28.715 vụ đối tượng sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ gây án giết người, cướp tài sản, cố ý gây thương tích, chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng… thì có đến 25.378 vụ (chiếm 88,4%) đối tượng sử dụng vũ khí thô sơ, dao và phương tiện tương tự dao gây án. Riêng đối tượng, sử dụng các loại dao gây án là 16.841/25.378 vụ (chiếm 66,4%), nhiều vụ đối tượng sử dụng dao nhọn, sắc có tính sát thương rất cao (dao bầu, dao phay, dao quắm…) giết người với tính chất rất manh động, tàn ác, dã man gây bức xúc dư luận xã hội, hoang mang, lo lắng trong Nhân dân.
Bên cạnh đó, điều đáng lo sợ, gây nhức nhối trong xã hội thời gian qua, một số đối tượng là thanh thiếu niên thành lập các băng nhóm tự hoán cải các loại dao này, hàn thêm tuýp sắt dài từ 1 - 2m để giải quyết mâu thuẫn, đe dọa người dân. Bên cạnh đó, theo thống kê hiện nay toàn quốc có 12 làng nghề, 13.300 cơ sở, doanh nghiệp, hộ kinh doanh sản xuất, kinh doanh trên 2.300 mẫu dao. Trong đó, có khoảng 300 loại dao có tính sát thương cao nguy hiểm như vũ khí quân dụng như dao bầu, dao mèo, dao phay, dao chặt…
Trước những con số “báo động đỏ” đó, để kịp thời quản lý, phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn với loại tội phạm, đề xuất bổ sung dao có tính sát thương cao vào nhóm vũ khí thô sơ vào dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) là điều không thể đừng.
Quản lý “dao có tính sát thương cao” gắn với mục đích sử dụng
Tại các phiên thảo luận tại Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XV về dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi), đa số các ĐBQH tán thành về sự cần thiết ban hành Luật. Trong đó, đáng chú ý, về quy định dao có tính sát thương cao, nhiều đại biểu nhất trí cao với quy định dao có tính sát thương cao trong dự thảo Luật làm cơ sở quản lý và xử lý hành vi vi phạm đối với các trường hợp sử dụng dao có tính sát thương cao…
Tuy nhiên, là phương tiện lưỡng dụng, được người dân sử dụng phổ biến trong lao động, sản xuất, sinh hoạt hàng ngày, nên điều khiến nhiều đại biểu băn khoăn là quy định như vậy có ảnh hưởng, tác động và xáo trộn đến đời sống của người dân hay không và trường hợp nào dao có tính sát thương cao được coi là vũ khí?
Nhiều ý kiến đề nghị nghiên cứu, đánh giá kỹ tác động để bảo đảm tính khả thi; đề nghị không quy định về chiều dài lưỡi dao, độ sắc, nhọn hoặc các thông số kỹ thuật của dao vì không phù hợp, không khả thi; một số ý kiến đề nghị bổ sung quy định về hoạt động sản xuất, kinh doanh, trang bị, quản lý, sử dụng, vận chuyển, nhập khẩu, xuất khẩu dao có tính sát thương cao…
Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí với việc bổ sung dao có tính sát thương cao vào dự thảo Luật nhằm tăng cường công tác quản lý, tạo cơ sở pháp lý để phòng ngừa, ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật sử dụng dao có tính sát thương cao. Để bảo đảm rõ ràng, chặt chẽ, phù hợp với yêu cầu quản lý nhà nước và đấu tranh phòng, chống tội phạm, trên cơ sở ý kiến ĐBQH, Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị, bổ sung giải thích “dao có tính sát thương cao là dao sắc, dao nhọn thuộc danh mục do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành”.
Trên cơ sở quy định về giải thích từ ngữ này, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị, quy định 3 chế độ quản lý “dao có tính sát thương cao” gắn với mục đích sử dụng. Cụ thể, trường hợp sử dụng “dao có tính sát thương cao” phục vụ mục đích lao động, sản xuất, sinh hoạt hàng ngày thì không coi là vũ khí, nhưng phải được quản lý chặt chẽ, bảo đảm an toàn, nhằm phòng ngừa, ngăn chặn nguy cơ sử dụng vào mục đích vi phạm pháp luật. Theo đó, đề nghị, bổ sung Điều 32a về “quản lý, sử dụng dao có tính sát thương cao” vào dự thảo Luật, làm căn cứ xử lý vi phạm hành chính.
Trường hợp thực hiện hành vi gắn với mục đích “sử dụng để thực hiện hành vi phạm tội, gây rối, làm mất trật tự công cộng hoặc chống đối cơ quan, tổ chức thực hiện nhiệm vụ, người thi hành công vụ” sẽ quy định là vũ khí thô sơ. Trường hợp thực hiện hành vi gắn với mục đích “sử dụng để xâm phạm, đe dọa xâm phạm tính mạng, sức khỏe của con người trái pháp luật” sẽ quy định là vũ khí quân dụng.
Với quy định này, các hành vi liên quan đến dao có tính sát thương cao không có động cơ, mục đích sẽ không bị xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự về hành vi liên quan đến vũ khí theo quy định tại Điều 304, Điều 306 Bộ luật Hình sự; chỉ trong trường hợp có gắn với mục đích sử dụng theo quy định thì mới xác định là vũ khí quân dụng hoặc là vũ khí thô sơ…
Có thể thấy rằng, Dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ trợ (sửa đổi) nói chung và quy định liên quan đến dao có tính sát thương cao đã thu hút sự quan tâm của dư luận. Điều mà tất cả chúng ta đều mong đợi và kỳ vọng đó chính là thông qua các ý kiến đa chiều xoay quanh Dự án luật chuyên ngành này, sẽ là căn cứ để các cơ quan có thẩm quyền tiếp thu đầy đủ để bổ sung, chỉnh lý dự án luật chặt chẽ, khoa học, phục vụ hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm trước khi trình Quốc hội thông qua.