Ngăn chặn vấn nạn tín dụng đen

Bài 1. Báo động hoạt động cho vay nặng lãi dịp cuối năm

- Thứ Sáu, 22/01/2021, 07:23 - Chia sẻ
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, nạn "tín dụng đen" có biểu hiện diễn biến phức tạp và gây rất nhiều hệ lụy cho xã hội. Bởi vậy, theo các chuyên gia pháp luật, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, tìm các giải pháp để giải quyết vấn nạn "tín dụng đen", bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; quyền lợi cho những người dân nghèo, đặc biệt là những người lao động bị mất việc trong tình cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.
Rủi ro khi vay qua app dù đã được cảnh báo nhiều lần nhưng vẫn có những nạn nhân mới

Càng gần Tết Nguyên đán, nhu cầu vốn phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất càng lớn, nhất là khi mà dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, kinh tế và đời sống của không ít người dân bị ảnh hưởng lớn, nhiều lao động đã rơi vào tình cảnh khó khăn do mất việc. Lợi dụng điều này, nạn “tín dụng đen” với nhiều chiêu trò, thủ đoạn, trong đó có những app công nghệ trên điện thoại di động bủa vây công nhân lao động, gây ra những hệ lụy khó lường dịp cuối năm.

Nở rộ các chiêu trò 

Mặc dù pháp luật đã nghiêm cấm việc cho vay tiền, đòi nợ thuê theo kiểu “tín dụng đen”, song loại hình này vẫn diễn biến phức tạp. Khảo sát của phóng viên trong những ngày vừa qua tại một số tổ chức cho vay kiểu "tín dụng đen" cho thấy, lãi suất ở mức rất cao, dao động từ 100 - 300%/năm. Ðể thực hiện trót lọt hành vi cho vay lãi nặng, các đối tượng thường dùng các chiêu trò như dán các tờ rơi, quảng cáo ở những khu đông dân cư; gửi danh thiếp "hỗ trợ tài chính", "cho vay trả góp không cần thế chấp", hoặc cho vay dưới dạng chơi họ (hụi) trong thời gian ngắn.

Ðáng chú ý, để việc vay tiền dễ dàng, nhiều đối tượng đã lập ra các app (ứng dụng trên điện thoại) hoặc sẵn sàng cho người vay thế chấp "iCloud" (ứng dụng quản lý hình ảnh, danh bạ, video, file ghi âm...). Tinh vi hơn, một số đối tượng còn dùng thủ đoạn ép "khéo" người vay tiền ký các loại hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất; mua bán, cho thuê ô tô… Ðến thời hạn, nếu người vay không trả được nợ hoặc mất khả năng thanh toán sẽ bị các đối tượng ném chất bẩn vào nhà; đến nhà riêng đe dọa dùng vũ lực; gọi điện thoại, nhắn tin xúc phạm nhân phẩm, danh dự nhằm khủng bố tinh thần.

Trường hợp của anh B.V.T. ở huyện Đan Phượng, Hà Nội là một ví dụ điển hình. Theo lời kể của người thân anh T., do công việc anh T. chưa ổn định, lại đang trong tình cảnh dịch bệnh Covid-19, nhu cầu vốn để làm kinh tế, T. đã vay qua app một số tiền. Lãi mẹ đẻ lãi con, tiền lãi đến thời điểm phải trả, nhưng do chưa có khả năng trả nợ, không chỉ T., mà người thân, bạn bè của T. cũng bị khủng bố qua điện thoại, tin nhắn mạng xã hội zalo, facebook. Thậm chí, cả gia đình còn bị phía app cho vay đe dọa nếu không sớm trả nợ khiến mọi người phải sống những ngày trong sợ hãi.

Qua trao đổi với một số văn phòng luật sư tại Hà Nội mới đây, đại diện các văn phòng luật đều cho biết: Thực tế có rất nhiều đối tượng cho vay tín chấp thông qua các phương tiện điện tử có dấu hiệu của tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, gây khủng hoảng, hoang mang với nhiều người, đặc biệt là với nhiều người lao động nghèo.

Khám phá nhiều vụ cho vay lãi suất “cắt cổ”

Thực tế thời gian qua, các lực lượng chức năng cũng đã xử lý nhiều vụ việc. Công an TP Hồ Chí Minh gần đây đã triệt phá băng nhóm cho vay nặng lãi thông qua ứng dụng (app) trên điện thoại di động. Băng nhóm này tạo ra các app cho vay như Vaytocto, Moreloan, VD online với lãi suất “cắt cổ”. Đơn cử, app Moreloan và VD online khi đăng ký vay 1,5 triệu đồng, người vay chỉ nhận được 900.000 đồng, 600.000 đồng còn lại là phí dịch vụ và lãi suất trong 7 ngày. Sau 7 ngày người vay cần trả 1,5 triệu đồng, nếu chậm thanh toán sẽ bị phạt 2 - 5%. Như vậy, lãi suất được tính “trên trời”, tương ứng 2,5%/ngày, 75%/tháng và 912,5%/năm.

BOX: Bộ Công an cho biết, trong năm qua, lực lượng công an đã triệt phá hàng trăm băng nhóm tội phạm hoạt động liên quan đến “tín dụng đen”, khởi tố điều tra trên 400 vụ, trên 700 bị can về các tội danh liên quan.

Tại Hà Nội, những tháng cuối năm 2020, cơ quan công an đã triệt phá nhiều “ổ nhóm” cho vay nặng lãi. Đơn cử vào cuối tháng 12.2020, thông tin từ Công an quận Hà Đông, đơn vị đang tạm giữ hình sự nhóm 3 đối tượng để làm rõ về hành vi cho vay nặng lãi trong quan hệ dân sự. Với vỏ bọc là cơ sở Spa (76 Lê Lai, phường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông), nhóm đối tượng đã góp vốn rồi cho vay nặng lãi. “Ổ nhóm” này quy định người vay tiền mỗi “bát họ” từ 10 - 30 triệu đồng, khi nhận tiền sẽ bị cắt luôn mỗi “bát họ” từ 2 - 6 triệu. Đã có khoảng 500 người là con nợ của các đối tượng với số tiền giao dịch lên đến 30 tỷ đồng. Đáng chú ý, nhóm này còn cho vay lãi ngày với lãi suất “cắt cổ”, người vay phải trả lãi suất 7.000 - 8.000 đồng/1 triệu đồng/ngày, tương ứng từ 255,5- 292%/năm.

Mới đây nhất, rạng sáng 8.1.2021, Công an tỉnh Quảng Bình đã đấu tranh, phá chuyên án "tín dụng đen" hoạt động gây nhức nhối trên địa bàn; đồng thời, triệu tập 13 đối tượng để làm rõ hành vi cho vay với lãi suất cao. Đây là chuyên án được Công an tỉnh Quảng Bình xác lập để đấu tranh với nhóm đối tượng ngoại tỉnh như Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội… đến địa bàn Quảng Bình thực hiện việc cho vay lãi nặng. Bước đầu, các đối tượng khai nhận từ năm 2019 đến nay đã cho khoảng 200 người trên địa bàn tỉnh Quảng Bình vay với số tiền trên 1 tỷ đồng với mức lãi suất “cắt cổ” từ 250 -  365%/năm.

Bài và ảnh: Hải Thanh - Minh Hiền