Tạo lập hành lang pháp lý quản lý thị trường quyền sử dụng đất
Theo Tờ trình của Chính phủ, việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội để cho phép thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất nhằm tiếp tục cụ thể hóa chủ trương đường lối của Đảng về “Tiếp tục thực hiện cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đô thị, nhà ở thương mại”.
Đồng thời, tạo lập hành lang pháp lý để quản lý thị trường quyền sử dụng đất, thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh, công khai, minh bạch; tạo điều kiện thuận lợi để người sử dụng đất, nhà đầu tư chủ động trong việc thực hiện các dự án nhà ở thương mại, dự án phát triển đô thị, giảm thiểu sự can thiệp của cơ quan hành chính, hạn chế phát sinh thủ tục hành chính, giảm bớt chi phí tuân thủ, hạn chế việc Nhà nước thu hồi đất dễ dẫn đến khiếu kiện của người dân; góp phần thúc đẩy tiến trình đô thị hóa đất nước, giải quyết nhu cầu đất ở, nhà ở cho Nhân dân.
Dự thảo Nghị quyết thí điểm gồm 6 điều. Điều 1: Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng; Điều 2: Điều kiện thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất; Điều 3: Tiêu chí lựa chọn dự án thực hiện thí điểm; Điều 4: Trình tự, thủ tục thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất; Điều 5; Tổ chức thực hiện; Điều 6; Điều khoản thi hành.
Dự thảo Nghị quyết quy định thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất trên phạm vi toàn quốc đối với các trường hợp: tổ chức kinh doanh bất động sản nhận quyền sử dụng đất; tổ chức kinh doanh bất động sản đang có quyền sử dụng đất; tổ chức kinh doanh bất động sản đang có quyền sử dụng đất và nhận quyền sử dụng đất; tổ chức kinh doanh bất động sản được các tổ chức đang sử dụng đất thành lập để thực hiện dự án nhà ở thương mại trên diện tích của cơ sở phải di dời do ô nhiễm môi trường, cơ sở phải di dời theo quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị.
Làm rõ cơ sở của các tiêu chí
Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhất trí với sự cần thiết xây dựng Nghị quyết như Tờ trình của Chính phủ. Đồng thời, đề nghị Chính phủ đánh giá chi tiết, toàn diện thực tiễn phát triển nhà ở thương mại, hiệu quả của việc sử dụng quỹ đất dành cho phát triển nhà ở thương mại tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đánh giá thực trạng của việc mua gom, đầu cơ đất đai; giải pháp để hạn chế tác động tiêu cực của việc thí điểm.
Về tiêu chí lựa chọn dự án thực hiện thí điểm (Điều 3), Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị làm rõ cơ sở của việc đưa ra tiêu chí không vượt quá 30% diện tích đất ở tăng thêm trong kỳ quy hoạch; nguyên tắc thực hiện đối với trường hợp có nhiều dự án đề nghị thí điểm, đặc biệt tại một số địa phương có nhiều dự án đang vướng mắc (Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh).
Đồng thời, đề nghị nghiên cứu quy định các tiêu chí cụ thể để lựa chọn dự án thí điểm, trong đó lưu ý về thứ tự ưu tiên lựa chọn thí điểm và tiêu chí dự án theo Thông báo Kết luận 3270/TB-UBTVQH của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Có ý kiến đề nghị không quy định tiêu chí này để tránh phát sinh thủ tục hoặc tạo cơ chế “xin - cho” trong quá trình tổ chức thí điểm.
Về tên gọi của Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, có 3 loại ý kiến:
Thứ nhất, Nghị quyết này chỉ quy định thí điểm về trường hợp thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất mà đất đó không phải là đất ở, vì vậy, tên Nghị quyết phải là “Nghị quyết thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất không phải đất ở”.
Thứ hai, đồng tình với tên gọi do Chính phủ đề xuất tại Tờ trình.
Thứ ba, Nghị quyết này chỉ thực hiện thí điểm đối với hai nội dung là loại đất và thủ tục thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, do đó đề nghị tên Nghị quyết là “Nghị quyết thí điểm về thỏa thuận nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại”.
Nhiều ý kiến của Thường trực Ủy ban Kinh tế tán thành với loại ý kiến thứ nhất.
Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với sự cần thiết xây dựng dự thảo Nghị quyết thí điểm để trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ Tám với tinh thần thí điểm những chính sách mới về thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất và đang có đất.
Trong đó, đánh giá thêm về tình hình thực hiện các dự án nhà ở thương mại hiện nay như thế nào, vướng mắc chủ yếu ở những địa phương nào và tính chất vướng mắc là gì để có chính sách thí điểm đúng, trúng, qua đó, tháo gỡ khó khăn, đồng thời ngăn chặn tình trạng thu gom, đầu cơ đất đai để “chạy quy hoạch”, phòng ngừa cơ chế “xin - cho” sau khi Nghị quyết được ban hành.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị Chính phủ tiếp tục cung cấp đầy đủ thông tin theo yêu cầu tại kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi đồng ý bổ sung dự thảo Nghị quyết vào chương trình.
Về tên gọi của dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật thống nhất với loại ý kiến thứ nhất và đề nghị, trong trường hợp vẫn giữ nguyên tên gọi như Chính phủ đề xuất thì ở phạm vi điều chỉnh phải loại trừ những trường hợp đã được cho phép theo quy định của Luật Đất đai là “đang có quyền sử dụng đất ở và đất khác”.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội xem xét quyết định thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất để thể chế hóa chủ trương của Đảng, góp phần khơi thông nguồn lực đất đai, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho người dân. Chính phủ chịu trách nhiệm về sự phù hợp của các nội dung đề xuất trong Tờ trình, dự thảo Nghị quyết với kết luận của cấp có thẩm quyền.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến tại phiên họp, ý kiến thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội để hoàn thiện hồ sơ Tờ trình; làm rõ thực trạng và những vướng mắc để cung cấp cho ĐBQH nghiên cứu thảo luận. Ủy ban Kinh tế thẩm tra chính thức trình Quốc hội xem xét quyết định