Ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường: Rất cần sự đồng hành, chia sẻ của cha mẹ, thầy cô

Từ vụ việc học sinh lớp 10, chuyên ĐH Vinh (Nghệ An) tự vẫn nghi do bị bạo lực học đường, các chuyên gia tâm lý cho rằng, học sinh hiện nay rất cần sự đồng cảm, chia sẻ cởi mở của cha mẹ, thầy cô.

Trên mạng xã hội vừa xuất hiện thông tin nữ sinh N.T.Y.N, học sinh lớp 10A15, chuyên ĐH Vinh (Nghệ An) tự tử nghi do bị bạo lực học đường. Người đăng tải bài viết cho biết, nữ sinh N.T.Y.N học giỏi nhất nhì lớp, nhưng bỗng dưng bỏ học, nói với mẹ "con sợ đi học, sợ đến trường", khi mẹ tìm hiểu thì biết con bị đánh, bị ngược đãi và bị áp đảo tâm lý.

Trao đổi với báo chí sáng 17.4, ông Phạm Xuân Chung, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên ĐH Vinh xác nhận thông tin nữ sinh N.T.Y.N, học sinh lớp 10A15 qua đời ngày 16.4, nguyên nhân ban đầu được cho là em này đã tự vẫn.

Ông Chung cũng cho biết, ngay sau khi biết thông tin, nhà trường đã tiến hành xác minh những thông tin trên mạng xã hội đăng, làm rõ các mối quan hệ của em Y.N và bạn bè trong trường, lớp.

Cần sự đồng hành của gia đình và nhà trường -0
Ngôi trường nữ sinh N.T.Y.N, đang theo học.

Nhận định về vụ việc này, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tâm lý học - Giáo dục học, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam PGS. TS. Nguyễn Hồng Thuận cho rằng, học sinh lớp 10 đang ở trong giai đoạn lứa tuổi chuyển đổi tâm sinh lý nên rất dễ bị tổn thương, dễ bị sang chấn và khủng hoảng về tâm lý, tình cảm.

Hơn nữa, học sinh ở độ tuổi này thường thiếu các kỹ năng sống cơ bản, như: kỹ năng kiểm soát cảm xúc, kỹ năng giao tiếp - hợp tác, kỹ năng giải quyết vấn đề...  khi gặp khó khăn trong học tập, em đã không biết chia sẻ và tìm sự trợ giúp, nên đã dẫn đến những quyết định và hành động rất đáng tiếc.

Ngoài ra, có thể còn những nguyên nhân khác mà chúng ta cần tìm hiểu thêm khi bạn học sinh này lại có hành động như trên.

Để xảy ra sự việc đau lòng như thế này đối với giới trẻ, PGS.TS Hồng Thuận cho rằng, cha mẹ, nhà trường đã chưa thực sự đồng hành, tạo cơ hội để học sinh có thể chia sẻ được những lúng túng, thậm chí là những bế tắc của học sinh khi giải quyết những khó khăn trong học tập, tình cảm hoặc quan hệ bạn bè; giúp các em đưa ra phương pháp học tập hiệu quả hay có cách thức, kỹ năng tự giải quyết những vấn đề nảy sinh trong quá trình học tập, quan hệ với bạn bè của các em.

PGS.TS Nguyễn Hồng Thuận cũng khuyến cáo, nhà trường, thầy cô giáo và phụ huynh nên bày tỏ sự đồng cảm, cởi mở thì các em mới có thể bày tỏ suy nghĩ, lo lắng của mình.

Vì trong thực tế, rất nhiều em đã cho rằng, không thể tìm được sự đồng cảm của cha mẹ, thầy cô nên tự tìm đến những cách xử lý, giải tỏa sự bế tắc bằng hành động tiêu cực, hay tự hủy. Nếu biết phát hiện sớm những khó khăn của con em trong học tập, quan hệ bạn bè  và có sự chia sẻ, động viên hỗ trợ kịp thời thì nhà trường, các bậc phụ huynh sẽ ngăn chặn được tình trạng tự tử trong học sinh, sinh viên.

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho biết, xô xát giữa học trò với nhau thì thời nào cũng có. Trước kia, học sinh chỉ đụng tay đụng chân, ai đó vào can là xong. Nhưng hiện nay, bạo lực học đường nhiều khi gây ra hậu quả nghiêm trọng, có trường hợp khiến học sinh tự tử, dư luận hoang mang.

Tuy nhiên, thầy Lâm cho rằng, nguyên nhân dẫn tới bạo lực học đường không phải chỉ do ngành giáo dục mà còn do yếu tố gia đình, xã hội.

Thứ nhất, xã hội chúng ta đang bất ổn, người lớn đánh nhau, ra đường va quệt cũng xảy ra bạo lực, hội hè cũng xảy ra xô xát, các vụ án cướp giết... ảnh hưởng đến học sinh. Do đó nguyên nhân đầu tiên, lỗi đầu tiên là do người lớn.

Thứ hai, là do muốn dằn mặt nên học sinh thường quay clip để đưa lên mạng xã hội nhằm làm xấu đối phương.

Thứ ba, là do giáo dục gia đình và giáo dục nhà trường chưa hiệu quả. Giáo dục gia đình thực sự đang bị buông lỏng. Giáo dục gia đình yếu khiến các cháu không được chia sẻ, uốn nắn từ đầu. Những đức tính tốt đẹp phải được hình thành từ thói quen, nền nếp gia đình. Đồng thời, khi con trẻ bức xúc điều gì đó thì phải có người lắng nghe, giải thích và định hướng. Bố mẹ thường quát tháo, mắng chửi chứ chưa thực sự biết cách trò chuyện cùng con.

Về giáo dục trong nhà trường, hiện nay giáo dục đạo đức đã có nhưng đang nhấn mạnh học sinh phải làm cái này hoặc không được làm cái kia. Tuy nhiên, giáo dục có một quy luật khác, tức là làm sao cho học sinh tự rút ra bài học cho bản thân, học qua thực nghiệm mới khiến các em thức tỉnh.

“Cần giáo dục con trẻ trong một tập thể bao dung chứ không phải càng học sinh hư, cá tính càng bị cô lập. Để làm được điều đó, nhà sư phạm phải là người gieo mầm và đặt những nấc thang để học sinh tiến bộ”, thầy Nguyễn Tùng Lâm nói.

Được biết, trưa nay 17.4,  Trường đại học Vinh, lãnh đạo Trường THPT chuyên Đại học Vinh, Nghệ An) đã có buổi gặp gỡ các cơ quan báo chí để trao đổi các thông tin liên quan đến việc một nữ sinh lớp 10 Trường THPT chuyên Đại học Vinh tự vẫn nghi do bạo lực học đường. 

Giáo dục

Đề nghị UBND các tỉnh tăng cường chỉ đạo công tác tuyển sinh và quản lý hoạt động dạy thêm - học thêm
Giáo dục

Đề nghị UBND các tỉnh tăng cường chỉ đạo công tác tuyển sinh và quản lý hoạt động dạy thêm - học thêm

Bộ GD-ĐT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ và chịu trách nhiệm toàn diện về công tác tuyển sinh THCS, THPT và quản lí hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 10/CĐ-TTg.

TP. Hồ Chí Minh: Tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ xây dựng 4.500 phòng học
Giáo dục

TP. Hồ Chí Minh: Tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ xây dựng 4.500 phòng học

Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP. Hồ Chí Minh vừa làm việc với Sở Tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp TP. Hồ Chí Minh về thực hiện Đề án xây dựng 4.500 phòng học chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Phổ điểm thi tháng Ba Đánh giá năng lực (HSA): Điểm trung bình là 80,0/150, cao hơn năm trước
Giáo dục

Phổ điểm thi tháng Ba Đánh giá năng lực (HSA): Điểm trung bình là 80,0/150, cao hơn năm trước

Ngày 2.4, Viện Đào tạo số và Khảo thí, Đại học Quốc gia Hà Nội công bố phổ điểm thi Đánh giá năng lực (HSA) tháng Ba, năm 2025. Theo đó, đến hết tháng Ba năm 2025, kỳ thi đã tổ chức được 2 đợt thi liên tiếp, phục vụ 30.793 thí sinh dự thi, đạt tỉ lệ 99,4% đăng ký của hai đợt thi này.

Tạo điều kiện cho trường nghề đẩy mạnh hợp tác quốc tế
Thời sự Quốc hội

Tạo điều kiện cho trường nghề đẩy mạnh hợp tác quốc tế

Chiều 1.4, dưới sự chủ trì của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Đinh Công Sỹ, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã làm việc với Trường Cao đẳng Nghề công nghiệp Hà Nội về thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, giai đoạn 2021 - 2024.