Theo Th.S,Bs Nguyễn Hữu Hoàng, giảng viên Trung tâm Giáo dục y học, Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh, thuốc lá điện tử thế hệ mới đã thay đổi cách thức gây nghiện nicotine. Chính vì thế, theo ông Hoàng cần có những biện pháp để ngăn chặn cũng như làm giảm tỷ lệ hút thuốc lá thế hệ mới nói chung và các loại thuốc lá điện tử.
Phó Giám đốc phụ trách Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá Phan Thị Hải cho biết hiện các sản phẩm thuốc lá mới (thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng…) không được quy định cụ thể trong Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, chưa được phép nhập khẩu, mua bán, sản xuất, kinh doanh hợp pháp tại Việt Nam. Theo bà Hải việc cho phép sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng sẽ làm gia tăng tình trạng sử dụng ma tuý, rất khó kiểm soát, gây ảnh hưởng đến sức khoẻ, trật tự an toàn xã hội.
Phó Giám đốc phụ trách Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá nhấn mạnh, hiện trong dự thảo Luật sửa đổi bổ sung Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt có áp thuế đối với các sản phẩm thuốc lá mới. Nếu quy định đánh thuế các sản phẩm này, đồng nghĩa với việc thừa nhận việc kinh doanh hợp pháp các sản phẩm này tại Việt Nam. Như vậy sẽ không phù hợp với mục tiêu của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Chiến lược Quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Bà Phan Thị Hải cho biết, năm 2023, Chính phủ đã có Báo cáo số 423/BC-CP về kết quả hoạt động và quản lý, sử dụng Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá hai năm (2021- 2022), trong đó có đề xuất ban hành văn bản pháp lý cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo thuốc lá mới.
Ủy ban Xã hội đã có báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về kết quả hoạt động và quản lý, sử dụng Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá hai năm 2021-2022. Tại mục kiến nghị đối với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, có yêu cầu: “Bổ sung quy định về thuốc lá mới trong Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá theo hướng cấm đầu tư, sản xuất, kinh doanh".
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Quốc hội, dựa trên khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), kinh nghiệm các nước và trên quan điểm lấy lợi ích sức khỏe của người dân là trên hết, đặc biệt ngăn ngừa thế hệ trẻ phụ thuộc vào sản phẩm gây nghiện, Bộ Y tế đang báo cáo đề xuất Chính phủ và Quốc hội xây dựng Nghị quyết quy định cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo đối với các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các sản phẩm thuốc lá mới khác để đảm bảo đáp ứng nhu cầu cấp bách trong việc ngăn chặn tác hại của các sản phẩm thuốc lá mới trong giai đoạn hiện nay và đã được hầu hết các bộ, cơ quan nhất trí, đồng thuận.
Về lâu dài, Bộ Y tế sẽ sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá để bổ sung quy định này vào Luật nhằm bảo đảm tính bảo đảm tính ổn định trong triển khai thực hiện.
WHO cũng khuyến cáo, các bên tham gia cần cân nhắc ưu tiên áp dụng các biện pháp để ngăn chặn sự bắt đầu sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới, bao gồm ở cấp độ cao nhất là ban hành quy định cấm.
Hiện nay, trên thế giới đã có 42 nước cấm, trong khu vực ASEAN đã có 5 quốc gia cấm hoàn toàn thuốc lá điện tử là Thái Lan, Singapore, Lào, Brunei, Campuchia.