Ngăn chặn lợi ích cục bộ

Hà An 14/09/2018 07:47

Mỗi bộ, ngành khi đề xuất một dự án luật đều đưa ra những vấn đề có lợi cho quản lý, điều hành, chỉ đạo của mình mà ít khi nhìn đến tổng thể chung. Đây là ý kiến của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu tại Phiên họp thứ 27 của UBTVQH khi thảo luận về báo cáo của Chính phủ về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của QH.

Dù không có con số thống kê chính thức bao nhiêu chính sách cài cắm lợi ích song trên thực tế tình trạng này đã và đang diễn ra, ảnh hưởng không nhỏ đến tính minh bạch của chính sách cũng như sự phát triển chung của đất nước. Thông thường, mỗi dự án luật được giao cho bộ, ngành quản lý lĩnh vực ấy chủ trì soạn thảo. Đây cũng là lý do dễ phát sinh tâm lý xây dựng chính sách có tính chất cục bộ, “gài” quy định để dễ cho việc quản lý của mình.

Vấn đề cục bộ, lợi ích trong xây dựng chính sách đã được cử tri và nhiều ĐBQH quan tâm. Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình Nguyễn Ngọc Phương từng chất vấn Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, có hay không lợi ích nhóm, lợi ích ngành trong các đề xuất, xây dựng chính sách, văn bản pháp luật? Bộ trưởng Bộ Tư pháp dù không chính thức thừa nhận, nhưng cho rằng quy trình làm luật của chúng ta dù “ổn” song cơ quan chủ trì soạn thảo bằng cách này, cách khác vẫn có cái nhìn thiên vị, có phần dành thuận lợi hơn cho bộ, ngành mình. Thậm chí, ông Long còn nhận diện 4 biểu hiện “cục bộ” trong ban hành chính sách, trong đó có quy định về quỹ tài chính, hay tổ chức và bộ máy trong các đạo luật không phải chuyên ngành. Tình trạng cục bộ còn xảy ra khi xây dựng văn bản pháp luật quy định về chế độ, chính sách và một số điều kiện gia nhập thị trường và điều kiện sản xuất, kinh doanh.

Tình trạng cài cắm lợi ích khi xây dựng chính sách hay còn gọi là “tham nhũng chính sách” gây ra rất nhiều hệ lụy. Chính sách thiết kế như vậy không bảo đảm lợi ích cho đa số người dân mà chỉ cho một nhóm người nào đó. Điều đó có thể dẫn tới nguồn lực đất nước bị phân tán, hiệu quả kinh tế thấp. Đồng thời, làm méo mó thị trường, phá hủy sự cạnh tranh lành mạnh, suy giảm năng lực cạnh tranh quốc gia. Mặt khác, tình trạng này cũng dẫn tới một bộ phận cán bộ nhà nước sẽ hư hỏng, thoái hóa, bộ máy nhà nước sẽ mất kỷ cương, giảm hiệu lực, hiệu quả.

Để “tuýt còi” tình trạng này đòi hỏi quy trình xây dựng chính sách phải minh bạch hơn. Cơ quan soạn thảo cần công khai rộng rãi dự thảo để người dân tiếp cận, đặc biệt là những đối tượng chịu sự tác động. Cần có cơ chế để thu hút sự tham gia đóng góp ý kiến của người dân, các chuyên gia, cơ quan truyền thông ngay từ khâu dự thảo. Tránh tình trạng, xây dựng chính sách trong “phòng lạnh”. Đặc biệt, khi văn bản gửi xin ý kiến bộ, ngành, thì bộ, ngành được xin ý kiến cần đóng góp, phản hồi trách nhiệm, thực chất. Muốn vậy, cán bộ pháp chế phải thực sự có năng lực, trình độ chuyên môn, đủ để phát hiện tính hợp lý, hợp pháp của văn bản sắp ban hành và có hay không lợi ích của bộ, ngành được “trà trộn” trong đó. 

Ngoài ra, với vai trò là cơ quan “gác cổng” của Chính phủ, Bộ Tư pháp cần làm tốt khâu thẩm định, để chống lợi ích nhóm trong xây dựng thể chế. Nói như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, dứt khoát không được cài cắm vào luật những nội dung không vì lợi ích chung mà chỉ để phục vụ lợi ích riêng của ngành mình hay của nhóm người nào đó. 

    Nổi bật
        Mới nhất
        Ngăn chặn lợi ích cục bộ
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO