Ngăn chặn lao động trẻ em

Song Hà 09/12/2021 11:25

Lao động trẻ em là việc trẻ em và người chưa thành niên làm các công việc trái quy định pháp luật về lao động. Điều này sẽ cản trở hoặc tác động tiêu cực đến sự phát triển thể chất, trí tuệ, nhân cách của trẻ em. Điều đáng lo ngại là, việc sử dụng lao động trẻ em đang có xu hướng gia tăng.

Lao động trẻ em gia tăng

Lao động trẻ em đang diễn ra phổ biến ở nhiều nước trên thế giới. Tình trạng này đã làm cho nhiều trẻ em phải bỏ học, bị thương tật do tai nạn khi lao động hoặc làm việc quá sức. Một số khác có thể bị đánh đập, xâm hại tình dục gây tổn thương tinh thần và ảnh hưởng đến tâm lý suốt đời. Việc mất cơ hội học tập, không được đào tạo nghề phù hợp với khả năng và sức khỏe yếu kém sẽ làm cho trẻ em không có được việc làm tốt khi trưởng thành, làm mất đi tương lai tươi sáng của trẻ em.

Dịch Covid -19 có nguy cơ làm gia tăng lao động trẻ em
Dịch Covid -19 có nguy cơ làm gia tăng lao động trẻ em

Theo Báo cáo Lao động trẻ em “Ước tính toàn cầu 2020, xu hướng và con đường phía trước” mới được Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) công bố cho thấy, số lao động trẻ em trên toàn thế giới đã tăng lên 160 triệu, tăng thêm 8,4 triệu trẻ em trong vòng 4 năm qua và hàng triệu trẻ em khác đang đứng trước nguy cơ trở thành lao động trẻ em do tác động của đại dịch Covid-19. Báo cáo cũng cảnh báo rằng, trên toàn cầu, tính đến cuối năm 2022 sẽ có thêm 9 triệu trẻ em đứng trước nguy cơ trở thành lao động trẻ em do hậu quả của đại dịch. Con số này có thể tăng lên 46 triệu nếu trẻ em không được tiếp cận với các cơ chế an sinh xã hội thiết yếu.

Tại Việt Nam, theo số liệu điều tra quốc gia về Lao động trẻ em năm 2018 (công bố cuối năm 2020), cả nước có khoảng 1 triệu lao động trẻ em, hơn một nửa trong số đó đang làm những công việc lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; gần một nửa không đi học và 1,4% chưa từng đi học. Điều tra cũng cho thấy trong cùng một độ tuổi, tỷ lệ trẻ em đang đi học ở nông thôn thấp hơn trẻ em ở thành thị. Ngoài lý do không thích đi học, học kém, điều đáng quan tâm ở đây là có đến 15% trẻ em nghỉ học vì lý do tham gia lao động để tạo thu nhập cho bản thân, gia đình và 14,4% không tiếp tục đi học vì không có tiền để học tập.

“Covid-19 có thể khiến nghèo đói gia tăng, từ đó cũng dẫn tới gia tăng lao động trẻ em vì các hộ gia đình phải sử dụng mọi phương cách có thể để tồn tại”, đại Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc UNICEF nhận định.

Cần nâng cao nhận thức pháp luật

Không chỉ nông thôn mà ở thành thị, nhiều trẻ em vẫn phải tham gia vào lực lượng lao động để kiếm thêm thu nhập phụ giúp gia đình, trang trải học hành bằng những công việc như bán vé số, nhặt ve chai, phụ quán...

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến lao động trẻ em, đó là điều kiện, hoàn cảnh kinh tế - xã hội của nhiều gia đình khó khăn. Cùng với đó là nhận thức còn có hạn, trẻ em cần làm việc để phụ giúp gia đình. Chính điều này dẫn đến việc trẻ em trong gia đình bị rơi vào tình huống phải bỏ học. Nhiều ý kiến cho rằng, dịch Covid -19 tác động lớn đến đời sống kinh tế của không ít gia đình. Do đó, việc gia tăng lao động trẻ em là điều rất khó tránh khỏi.

Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho rằng, để giải quyết áp lực trẻ em phải làm việc là tạo cho các em và gia đình một nguồn thu nhập thay thế, bổ sung bền vững. Như vậy, sự đóng góp kinh tế của trẻ em sẽ trở nên không cần thiết. Trẻ em sẽ không bị đẩy vào tình huống phải lao động để hỗ trợ tăng thu nhập. Điều này đồng nghĩa với việc hoàn thiện hơn nữa năng lực của hệ thống an sinh xã hội, phúc lợi xã hội cho trẻ em và gia đình – điều kiện rất cần thiết để góp phần xóa bỏ lao động trẻ em.

Không chỉ lý do kinh tế gia đình khó khăn, mà còn xuất phát nhận thức của cộng đồng về lao động trẻ em còn hạn chế đã dẫn đến nhiều người cho rằng việc lao động trẻ em không vi phạm pháp luật, bởi cơ chế làm việc được thiết lập trên cơ sở thỏa thuận, thống nhất đôi bên. Điều đáng tiếc là, vì các em còn nhỏ tuổi, nhận thức chưa đầy đủ, không ít trường hợp đã trở thành nạn nhân của bóc lột lao động trẻ em.

Trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị bóc lột sức lao động; không phải lao động trước tuổi, quá thời gian hoặc làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định của pháp luật; không bị bố trí công việc hoặc nơi làm việc có ảnh hưởng xấu đến nhân cách và sự phát triển toàn diện của trẻ em.

Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đặng Hoa Nam

Để tránh trường hợp người sử dụng lao động lạm dụng sự non nớt và chưa hiểu pháp luật của trẻ em, Bộ luật Lao động năm 2019 quy định, người sử dụng lao động chỉ được sử dụng người từ đủ 13 tuổi đến dưới 15 tuổi làm các công việc nhẹ theo danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định (theo Thông tư số 11/2013/TT-BLĐTBXH). Điều 147 Bộ Luật Lao động cũng nêu rõ các công việc và nơi làm việc cấm sử dụng người lao động từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi...

Khi sử dụng người chưa đủ 15 tuổi làm việc, người sử dụng lao động cũng buộc phải tuân theo các quy định như: Phải ký kết hợp đồng lao động bằng văn bản với người đại diện theo pháp luật và phải được sự đồng ý của trẻ; không được sử dụng người dưới 15 tuổi làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, phải bố trí giờ làm việc không ảnh hưởng đến giờ học tập của trẻ; bảo đảm điều kiện làm việc, an toàn lao động, vệ sinh lao động phù hợp với lứa tuổi. Trong trường hợp có vi phạm quy định về lao động chưa thành niên, người sử dụng lao động sẽ bị xử lý theo quy định tại Nghị định 95/2013/NĐ – CP, Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng với mức hình phạt từ cảnh cáo tới phạt tiền đến 25 triệu đồng.

Lao động trẻ em sẽ dẫn đến việc trẻ em bị tước đi quyền được vui chơi. Trẻ sẽ phải đối mặt với khả năng bị chấn thương, kiệt sức, thậm chí bị nhiễm độc khi phải làm việc quá khả năng của mình. Bên cạnh đó, việc lao động sớm khiến trẻ không phát triển toàn diện được thể chất, tâm lý. Để ngăn chặn được tình trạng này, khi có sự kết hợp giữa các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương; sự hỗ trợ của các tổ chức, gia đình và xã hội trong việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về loại bỏ các hình thức lao động trẻ em, gỡ bỏ các rào cản và triển khai nhiều biện pháp can thiệp hiệu quả. Xử lý nghiêm trường hợp sử dụng lao động trẻ em trái pháp luật.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Ngăn chặn lao động trẻ em
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO