Chính trị

Ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm phạm dữ liệu cá nhân

Bách Hợp - Trần Thu 12/05/2025 21:41

Thảo luận tại Tổ 4 chiều 12/5 (gồm các Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố Hải Phòng, Nghệ An và Bà Rịa - Vũng Tàu ) các đại biểu nhấn mạnh, việc sửa đổi, bổ sung các luật và nghị quyết lần này là rất cần thiết, mang tính chiến lược, đón đầu các cải cách về tổ chức bộ máy nhà nước và phương thức quản lý xã hội...

m1(1).jpg
Quang cảnh thảo luận tại Tổ 4. Ảnh: An Nhiên

Cần có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật

Thảo luận tại Tổ 4, các đại biểu tán thành cao với sự cần thiết ban hành Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân nhằm cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng về chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số, đáp ứng ngày càng cao hội nhập quốc tế. Đặc biệt, ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm phạm dữ liệu cá nhân nhằm chiếm đoạt, mua bán trái phép diễn ra phức tạp trong thời gian qua.

n1(1).jpg
Trưởng Đoàn ĐBQH TP. Hải Phòng Lê Tiến Châu điều hành phiên thảo luận tại Tổ 4. Ảnh: An Nhiên

Góp ý cụ thể vào dự án luật này, Đại biểu Lã Thanh Tân (Hải Phòng) cho rằng, để bảo đảm bám sát đúng chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết Nghị quyết số 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, trong dự thảo Luật thì chỉ nên quy định trong dự thảo Luật những nội dung liên quan đến quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, bảo đảm các chủ thể liên quan nhận thức rõ những việc được làm, cần làm, không được làm trong việc bảo vệ dữ liệu cá nhân. Đồng thời, rà soát để bảo đảm việc xây dựng dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân không có sự chống lấn, mâu thuẫn trong việc áp dụng Luật với hệ thống pháp luật có liên quan, đặc biệt là các Luật, Bộ luật: Dân sự, Dữ liệu, An ninh mạng, An toàn thông tin mạng...

n3.jpg
ĐBQH Lã Thanh Tân (TP. Hải Phòng) phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: An Nhiên

Về Xử lý vi phạm quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân tại khoản 2 Điều 4: Quy định mức xử phạt hành chính từ 1% đến 5% doanh thu năm liền trước của tổ chức, doanh nghiệp có “vi phạm quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân", theo đại biểu Lã Thanh Tân quy định như vậy có thể gây khó khăn trong việc xác định và áp dụng mức phạt một cách công bằng và minh bạch, đặc biệt là trong trường hợp các tổ chức không có doanh thu rõ ràng hoặc doanh thu thấp. Do vậy, đại biểu đề nghị quy định cách thức xử phạt phù hợp và bảo đảm tính thống nhất, có thể hoặc quy định mức phạt tiền tối đa hoặc quy định cụ thể các tiêu chí và yếu tố để xác định mức phạt, chẳng hạn như bản chất, mức độ nghiêm trọng và mức độ tái diễn của hành vi vi phạm.

Liên quan đến các quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 23 về xử lý dữ liệu cá nhân trẻ em, theo đại biểu vẫn còn một số điểm chưa phù hợp với một số thông lệ quốc tế hiện nay (Ví dụ: Quy định về bảo vệ dữ liệu chung của Liên minh châu Âu – Điều 8 quy định Trẻ em từ 16 tuổi trở lên tự mình đồng ý cho việc xử lý dữ liệu cá nhân liên quan đến “dịch vụ xã hội thông tin”; Nếu trẻ em dưới độ tuổi đã quy định (16 hoặc thấp hơn do luật quốc gia), việc xử lý chỉ hợp pháp khi có “sự đồng ý hoặc ủy quyền” của người giữ quyền phụ huynh), trẻ vị thành niên không nên được đưa ra chấp thuận việc xử lý dữ liệu cá nhân của mình mà không có sự chấp thuận của cha mẹ hoặc người giám hộ...

Do đó, theo đại biểu, nếu quy định như Dự thảo sẽ cho phép các quyết định của trẻ em trong việc xử lý dữ liệu cá nhân được ưu tiên hơn quyết định của người đại diện/người giám hộ hợp pháp. Điều này có thể dẫn đến việc trẻ em tiếp xúc với quá sớm với những hoạt động không phù hợp, đồng thời làm giảm quyền của cha mẹ.

Do vậy, đại biểu cho rằng, ban soạn thảo cần nhắc bỏ quy định yêu cầu phải có sự đồng ý của trẻ em. Đồng thời, cân nhắc bỏ khoản 4 Điều 23 và sửa đổi các yêu cầu quy định tại khoản 3 Điều 23 đối với trẻ em “dưới 7 tuổi” cần có sự đồng ý của cha mẹ thành “15 tuổi”, cụ thể chỉnh lý hai khoản này thành một khoản, cụ thể như sau:

"3. Để xử lý dữ liệu cá nhân của trẻ em dưới 15 tuổi, cần có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật”

n7.jpg
ĐBQH Phạm Phú Bình ( Nghệ An) phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: An Nhiên

Đồng tình cao với những đề nghị của Đại biểu Lã Thanh Tân tại Điều 23 Về xử lý dữ liệu cá nhân của trẻ em. Đại biểu Phạm Phú Bình Nghệ An cho rằng, trẻ em là đối tượng yếu thế; hạn chế về hành vi năng lực dân sự chưa đầy đủ, thế nên cần phải có sự đại diện của cha mẹ và người đại diện theo pháp luật.

Về nội dung tại Điều 18 liên quan đến lưu trữ, xóa và hủy dữ liệu cá nhân, theo đại biểu hiện có rất nhiều ý kiến trong cộng đồng các doanh nghiệp nêu ra rằng: dự thảo luật đưa ra yêu cầu phải thực hiện việc xóa dữ liệu trong 72 giờ sau khi có yêu cầu của chủ thể dữ liệu với toàn bộ dữ liệu cá nhân, các doanh nghiệp kiến nghị rằng yêu cầu đó là quá gấp, với thời gian 72 giờ là không đủ để các doanh nghiệp có thể thực hiện yêu cầu xóa dữ liệu cá nhân. Nhất là trong trường hợp cơ sở dữ liệu phức tạp liên quan nhiều giao dịch đã được thực hiện với cá nhân đó.

Cùng với đó, đại biểu cũng cho rằng quy định ở đây đang đề cập đến việc là xóa toàn bộ dữ liệu cá nhân. Nhưng không phải lúc nào cũng cần phải xóa toàn bộ dữ liệu cá nhân mà đôi khi chủ thể của dữ liệu thì chỉ cần yêu cầu xóa một số, một vài cái dữ liệu nhất định mà người ta thấy nhạy cảm và không muốn tiếp tục được nêu trên các cái cơ sở dữ liệu đó.

"Việc xóa một phần dữ liệu thường sẽ dễ dàng hơn rất nhiều và có thể nhận được sự đồng thuận của cả hai bên, cả chủ sở hữu dữ liệu cũng như nhà cung cấp. Chính vì vậy cần có thêm quy định cho phép xoá 1 phần dữ liệu vào Dự thảo luật", đại biểu Phạm Phú Bình kiến nghị...

Còn đại biểu Nguyễn Thị Yến ( Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng, trước thực tiễn đất nước đang tiến hành sáp nhập các đơn vị hành chính, nhất là theo mô hình tinh gọn còn 34 tỉnh/thành từ 63 tỉnh, thành hiện nay và thay đổi địa giới hơn 3.190 đơn vị hành chính cấp xã...Do đó, cần có lộ trình cập nhật dữ liệu cá nhân (liên quan đến nơi thường trú, nơi ở hiện nay...) sau khi thay đổi địa giới để đảm bảo quyền công dân, quản lý dân cư và thông suốt hệ thống dữ liệu quốc gia.

Phù hợp mô hình chính quyền hai cấp

Thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND, đại biểu Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng việc sửa đổi đến 47/98 điều là rất cần thiết, nhằm thích ứng với mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp (cấp tỉnh và cấp xã), theo hướng tinh gọn, hiệu quả.

2.jpeg
ĐBQH Nguyễn Thị Yến ( Bà Rịa - Vũng Tàu) phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: An Nhiên

Góp ý cụ thể tại Điều 8 và Điều 66, đại biểu đề nghị: Bỏ cụm từ “đại diện tổ chức chính trị - xã hội” trong quy định liên quan đến tiếp xúc cử tri vì theo Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, các tổ chức như Công đoàn, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên… đều trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và hoạt động dưới sự chủ trì của Mặt trận. Bổ sung quy định kỹ thuật an toàn thông tin mạng cho hình thức “tiếp xúc cử tri kết hợp trực tiếp và trực tuyến” tương tự như hình thức “tiếp xúc cử tri trực tuyến” đã được nêu, để đảm bảo an toàn thông tin và thống nhất quy định.

n5.jpg
ĐBQH Nguyễn Tâm Hùng ( Bà Rịa - Vũng Tàu) phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: An Nhiên

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tâm Hùng ( Bà Rịa - Vùng Tàu) thống nhất với chủ trương rút ngắn 18 mốc thời gian trong quy trình bầu cử để phù hợp với ngày bầu cử dự kiến là 15/3/2026. Tuy nhiên, đại biểu nêu rõ hai mốc thời gian cần giữ nguyên hoặc điều chỉnh hợp lý hơn, xuất phát từ thực tiễn vùng sâu, vùng xa: Tại điểm h, khoản 2, Điều 23, liên quan thời gian chuẩn bị phát phiếu và tài liệu bầu cử, ông đề nghị: “Giữ nguyên 25 ngày, hoặc nếu rút thì chỉ nên giảm còn 20 ngày để các địa phương miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc có đủ thời gian chuẩn bị và vận chuyển tài liệu, phiếu bầu đến tận tay cử tri”. Tại khoản 1, Điều 87 về thời hạn giải quyết khiếu nại bầu cử, dự thảo đề xuất rút từ 5 ngày xuống 3 ngày.

“Giữ nguyên 5 ngày là cần thiết vì nhiều trường hợp khiếu nại ở vùng xa cần thời gian gửi hồ sơ về trung ương. Nếu chỉ có 3 ngày sẽ rất khó đảm bảo quyền lợi của người khiếu nại”, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng nêu ý kiến.

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

    Nổi bật
        Mới nhất
        Ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm phạm dữ liệu cá nhân
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO