Ngăn chặn đầu tư núp bóng trong ngành gỗ

- Chủ Nhật, 18/04/2021, 06:07 - Chia sẻ
Tình trạng doanh nghiệp nước ngoài đầu tư chui, đầu tư núp bóng nhằm lẩn tránh xuất xứ ngày càng nghiêm trọng, đe dọa sự phát triển bền vững của ngành gỗ. Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư yêu cầu các địa phương phải kiểm soát chặt chẽ các dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong ngành gỗ để giảm thiểu rủi ro.

Ba hình thức đầu tư núp bóng

Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vietfores) cho biết, tính đến hết năm 2020, ngành gỗ có 63 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký gần 327,7 triệu USD; 52 lượt tăng vốn khoảng 193,6 triệu USD; 122 lượt góp vốn mua cổ phần, giá trị góp vốn đạt 244,8 triệu USD.

Nguồn: ITN

Xuất khẩu của các doanh nghiệp gỗ khối FDI năm 2020 vượt trội so với doanh nghiệp gỗ nội địa. Tuy chỉ chiếm 18% số doanh nghiệp xuất khẩu gỗ nhưng doanh nghiệp FDI xuất  khẩu 6 tỷ USD, chiếm 51% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả ngành. Đặc biệt, nhà đầu tư Trung Quốc dẫn đầu về số dự án đầu tư trong số 14 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư với 23/63 dự án.

Nhìn vào số liệu trên, chúng ta không thể phủ nhận tầm quan trọng của doanh nghiệp FDI đối với ngành gỗ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam Cao Chí Công nói. Tuy nhiên, đi cùng đó là mối lo về đầu tư chui, đầu tư núp bóng và các báo cáo của ngành gỗ thường xuyên đề cập đến vấn đề này. “Vấn đề này ngày càng nghiêm trọng và sẽ ảnh hưởng đến uy tín, chất lượng sản phẩm đồ gỗ của Việt Nam. Khi đó, lượng khách hàng sẽ hạn chế và nếu không xuất khẩu được sản phẩm thì thị trường trong nước sẽ khó khăn. Bên cạnh đó, sức cạnh tranh của sản phẩm gỗ Việt trên thị trường thế giới cũng sẽ thấp, không đủ sức để chạy đua với các nước khác”.

Ông Công cho biết, tình trạng đầu tư chui, núp bóng chủ yếu ở khu vực phía Nam, ngoài Bắc cũng có một số dự án nhưng ít hơn và diễn ra dưới 3 hình thức. Một là, các dự án không xây dựng nhà xưởng, không mua sắm thiết bị mà chỉ mua, thuê lại của các doanh nghiệp Việt Nam. Sau đó lấy tư cách pháp nhân của doanh nghiệp Việt để xuất khẩu với tư cách là sản phẩm Việt Nam. Hai là, các dự án không xác định cụ thể nguyên liệu hợp pháp, bền vững mà chủ yếu nhập khẩu bán thành phẩm sau đó thay đổi nhãn mác để xuất sang nước khác, chủ yếu là gỗ dán, bàn ghế… Ba là, các dự án sản xuất mặt hàng trùng với đồ gỗ của Trung Quốc và có nguy cơ bị Mỹ áp những biện pháp phòng vệ thương mại.

Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương (BIFA) Nguyễn Liêm, một số hoạt động đầu tư trong các dự án FDI mới, dự án tăng vốn mua cổ phần tập trung vào các mặt hàng chứa đựng những yếu tố rủi ro về lẩn tránh thuế nhập khẩu từ Mỹ như gỗ dán, tủ bếp, ghế sofa… Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của ngành gỗ nước ta, nếu có biến động sẽ ảnh hưởng đến các mục tiêu của ngành. Trên thực tế, thời gian qua, Mỹ đã có động thái điều tra ngành gỗ nước ta.

Không chấp thuận dự án tiềm ẩn rủi ro

Trước tính nghiêm trọng của vấn đề, đầu tháng 2.2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã gửi văn bản tới UBND các tỉnh, thành phố yêu cầu kiểm tra các dự án FDI nhằm giảm rủi ro trong gian lận xuất xứ đối với sản phẩm gỗ. Trong đó, ưu tiên lựa chọn các dự án có tính vượt trội về công nghệ, tham vấn với các hiệp hội gỗ về các dự án đầu tư, xem xét kỹ các dự án đầu tư sản xuất các mặt hàng có yếu tố rủi ro gian lận.

Để ngăn chặn đầu tư chui, núp bóng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho rằng chúng ta chỉ nên chấp nhận các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch, bảo vệ môi trường, có giá trị gia tăng cao và đặc biệt đáp ứng đúng tinh thần Nghị quyết 50-NQ/TW của Bộ Chính trị về nâng cao chất lượng đầu tư FDI. Những dự án có nguy cơ hay tiềm ẩn rủi ro về gian lận thương mại tuyệt đối không được đồng thuận. “Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần phối hợp với các địa phương để kiểm soát chặt chẽ, đặc biệt là các tỉnh miền Nam - nơi có nhiều doanh nghiệp đầu tư FDI. Cùng với đó, phối hợp Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để giám sát, thẩm định các dự án đầu tư chế biến gỗ và lâm sản ở các địa phương; tăng cường lực lượng kiểm lâm để kiểm soát nguyên liệu đầu vào, kê khai sản phẩm khi gỗ xuất khẩu. Tổng cục Hải quan phải quản lý khâu nhập khẩu máy móc, thiết bị đạt chuẩn của những sản phẩm xuất khỏi Việt Nam.  

Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đang xây dựng bộ tiêu chuẩn cho gỗ nhập khẩu về Việt Nam để gửi cho cơ quan quản lý và kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Văn phòng Chính phủ thành lập nhóm công tác, phối hợp với địa phương để giải quyết tình trạng này. “Ngành gỗ sẽ chấp nhận cạnh tranh khi thu hút đầu tư FDI có chọn lọc kỹ càng với công nghệ đổi mới phù hợp. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần có bộ lọc về nguồn vốn, quy mô đầu tư của các dự án FDI vào ngành để hạn chế tình trạng núp bóng, đầu tư chui như thời gian qua”, ông Nguyễn Liêm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương đề xuất.

Hạnh Nhung