Ngăn chặn “cát cứ”, lạm quyền!

Hà Phương 10/05/2018 07:59

Mổ xẻ công tác cán bộ, nhiều Ủy viên Trung ương đã thẳng thắn chỉ ra những bất cập, lỗ hổng, yếu kém tạo cơ hội cho những “ông vua con” làm khuynh đảo kinh tế, xã hội đất nước! Thực trạng đáng buồn được đề cập là một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên được trao trọng trách, nhưng lạm dụng quyền lực, thu vén cá nhân gây bức xúc dư luận.

Tình trạng ký tá, mở dự án chạy theo tư duy nhiệm kỳ, chỉnh nắn quy hoạch, bắt tay với doanh nghiệp thân hữu, bao thầu dự án... được cho là diễn ra ở khá nhiều nơi. Quy hoạch  nhiều đô thị lớn bị băm nát; công sản, đất đai bị “bán rẻ, mua đắt”, nhà nước - nhân dân thiệt đủ đường còn túi riêng thì đầy lên. Không ít vị lãnh đạo lập “sân sau” cho chính gia đình, thân hữu của mình, thậm chí - như Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu từ Nguyễn Chí Dũng chỉ thẳng - treo biển công ty ngay tại tư dinh. Rõ ràng các cơ quan thanh tra, kiểm tra cần vào cuộc để “gọi tên, chỉ mặt” những cán bộ như vậy.

Quy hoạch, chiến lược cho công tác cán bộ dứt khoát phải dẹp bỏ điều kiện, môi trường làm nảy sinh những “ông vua con”. Nhưng “soi” thế nào để biết ông A, ông B đang xưng hùng, xưng bá ở tỉnh này, huyện kia, khi mà bè cánh “lợi ích nhóm” còn che chắn cho nhau rất kín kẽ. Ngăn chặn những “ông vua con” bằng cách nào khi pháp luật chưa đồng bộ, chính sách, quy định trong quản lý kinh tế tài chính, kiểm soát quyền lực vẫn còn những lỗ hổng?

Hãy trả lời xem: Nếu lương của một Bộ trưởng chưa đến 12 triệu đồng liệu có đủ nuôi bản thân và gia đình không? Thêm hiểu, nhiều công bộc đâu có sống bằng lương mà bằng những nguồn thu khó gọi tên. Có hay chính những nguồn thu nhập ngoài lương ấy lại làm nên sự giàu có và chưa thể tìm được lời giải thích thỏa đáng.

Càng thấy các dự án đất đai, nhà công sản bán mua, đường đi của bạc tiền với tỷ nọ, tỷ kia vào túi cá nhân, liệu có đúng dòng chảy không, hay bạc tiền, nhà đất ấy đang đi vòng vèo, ngoắt ngoéo trong những mối quan hệ chằng chịt, rất khó kiểm soát.

Những gì bà Phan Thị Mỹ Thanh đã làm (dẫn đến việc bị kỷ luật Đảng) có được coi như hành động của “vua con” không? Tự ý chuyển nhượng 32ha đất cho doanh nghiệp tư nhân với giá quá rẻ của lãnh đạo thành ủy thành phố; Kéo người nhà, lo ghế cho vợ, sắp ghế cho con ở Hậu Giang, Quảng Nam, Đồng Hới - Quảng Bình, một nhà có 3 Huyện ủy viên ở Xuyên Mộc (Bà Rịa - Vũng Tàu)… vừa qua có phải là “vua con” không? Mới hay đề án công tác cán bộ đang được bàn thảo tại  Hội nghị Trung ương 7 với đề xuất quy định Bí thư, Chủ tịch tỉnh, thành phố, quận huyện là người địa phương khác bắt rất trúng thực tiễn để chặn tình trạng co kéo người nhà, thao túng quyền uy. Nhưng nhìn cho đến cùng thì đó cũng chỉ là một giải pháp, cần hơn là chọn người đứng đầu thế nào cho chuẩn, gắn trách nhiệm cá nhân của bí thư, chủ tịch các địa phương ra sao.

Tài năng, tâm huyết, bản lĩnh và liêm chính là những tố chất không thể thiếu khi chọn người đứng đầu cấp tỉnh, cấp huyện. Chống chạy chức, chạy quyền, bứt bỏ tình trạng “vua con” thành công hay không, chính là nhìn vào bản lĩnh của những cán bộ này! Nhưng muốn cán bộ yên tâm cống hiến cho nước, cho dân, thì chính sách, lương bổng để dưỡng liêm cho đạo đức trong sạch, không sa vào vụ lợi cũng cần phải thỏa đáng, để không cần phải thu vén, vụ lợi mà vẫn đủ sống đàng hoàng với thu nhập do Nhà nước trả!

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

    Nổi bật
        Mới nhất
        Ngăn chặn “cát cứ”, lạm quyền!
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO