Ngăn chặn bạo lực từ gốc

- Thứ Sáu, 05/03/2021, 06:47 - Chia sẻ
Mới đây, một nam sinh lớp 10 học tại Trường THPT Ngô Gia Tự (huyện Ea Kar, Đắk Lắk) bị các bạn cùng trường đánh hội đồng ngay trong nhà vệ sinh. Sau vụ việc này, Sở Giáo dục và Đào tạo Đắk Lắk đã yêu cầu phía trường làm rõ, phối hợp cơ quan chức năng liên quan, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Gần đây, tình trạng bạo lực học đường có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp. Cách đây chưa lâu, tại quận Hà Đông, Hà Nội, 2 em học sinh nữ lớp 8 và 9, Trường THCS Phú Cường trong khi đi học về bị 3 học sinh khác chặn đầu và bạo hành. Nạn nhân bị đánh, đá liên tục vào đầu và người. Sau vụ việc này, Ban giám hiệu trường đã cùng gia đình 2 nạn nhân làm việc với phụ huynh của các học sinh có hành vi bạo lực trên. Sau buổi làm việc, 3 học sinh nhận lỗi, hứa không tái phạm, gia đình của các học sinh này cũng cam kết quản lý các con và chi trả toàn bộ chi phí khám chữa bệnh cho nạn nhân. Hay, cách đây chưa lâu, một nam sinh lớp 11, Trường THPT Lang Chánh, Thanh Hóa sau khi tan học bất ngờ bị một bạn cùng trường cầm gậy sắt, vụt thẳng vào đầu khiến nam sinh này vỡ sọ não, gục ngay tại chỗ. Theo thông báo kết quả giám định pháp y, nam sinh này bị tổn thương cơ thể tới 49%...

Trên đây chỉ là một vài ví dụ bạo lực học đường đau lòng đã xảy ra. Các trường hợp vi phạm, đa số các em còn nhỏ tuổi nhưng hành vi vi phạm lại có tính chất côn đồ, nơi xảy ra bạo lực có nhiều khi ở ngay trường học. Và điều đáng nói, dù chứng kiến các hành vi bạo lực nhưng không ít em học sinh chứng kiến hành vi đó không ngăn cản, mà còn cổ vũ với sự vô cảm đến khó lý giải.

Bạo lực học đường đã và đang trở thành nỗi lo của nhiều học sinh, phụ huynh, thầy cô và nhà trường, ảnh hưởng rất lớn đến môi trường giáo dục, đến trật tự, an toàn xã hội. Tính chất bạo lực học đường càng ngày càng bộc lộ tính nguy hiểm và nghiêm trọng hơn. Đôi khi bạo lực chỉ phát sinh từ những lý do rất đơn giản: Học sinh va chạm khi đi trên đường, trong lúc chơi đùa; mâu thuẫn, nói xấu nhau trên các diễn đàn, mạng xã hội. Và cũng không loại trừ lý do từ tâm lý thể hiện bản thân, thủ lĩnh của những học sinh cá biệt.

Tình trạng này đã được chỉ rõ trong báo cáo giám sát của Quốc hội về kết quả giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em”. Theo đó, từ  ngày 1.1.2015 đến ngày 30.6.2019 đã xảy ra nhiều vụ bạo lực học đường giữa giáo viên với học sinh, giữa học sinh với nhau, thậm chí có vụ nghiêm trọng dẫn đến hậu quả chết người... Qua số liệu của Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em trong giai đoạn này, thì số trẻ em bị bạo lực trong cơ sở giáo dục chiếm 19,09% tổng số trẻ em bị bạo lực. Trong đó, học sinh bị bạn bè bạo lực chiếm 4,2%.

Khi có bạo lực học đường xảy ra, nhà trường cũng như các cơ quan chức năng đã nhanh chóng vào cuộc xử lý. Tùy hành vi vi phạm có những hình thức xử lý phù hợp. Việc xử lý nhằm giáo dục để các em không tái phạm, cũng như răn đe các trường hợp khác không vi phạm, mang lại môi trường giáo dục an toàn, thân thiện. Tuy nhiên, việc xử lý hòa giải, kỷ luật cảnh cáo hay đình chỉ việc học tập đối với các em vi phạm chỉ là mới giải quyết phần ngọn.

Cần thẳng thắn nhìn nhận, không ít bậc phụ huynh còn chủ quan, thiếu cảnh giác, thiếu kiến thức trong việc hướng dẫn, giáo dục con, thiếu cách tạo dựng cho con về cách biết yêu thương đối với những người xung quanh. Những tác động xấu của internet, mạng xã hội, trong khi đó, có không ít gia đình cha mẹ chưa thực sự quan tâm sâu sát đến con, điều này dẫn đến không ít trẻ bị ảnh hưởng bạo lực từ môi trường mạng và xã hội. Ngoài ra, không ít cơ sở giáo dục, giáo viên cũng chưa thực sự sát sao với học sinh, không hiểu được tâm lý của các em, chỉ biết bạo lực học đường xảy ra khi có sự lên tiếng của truyền thông…

Để ngăn chặn được bạo lực học đường rất cần một nền tảng giáo dục bền vững. Không thể phủ nhận vai trò của các cơ sở giáo dục trong việc hoàn thiện nhân cách cho các em theo sự hướng thiện, nói không với bạo lực. Tuy nhiên, chúng ta không thể đặt hết trách nhiệm lên vai các thầy cô, cơ sở giáo dục. Trong mắt xích hình thành nhân cách của một đứa trẻ, yếu tố gia đình phải đặt lên hàng đầu. Khi các em được sống trong sự yêu thương của gia đình, sẽ hiểu được giá trị của yêu thương và sẽ hình thành nhân cách tốt đẹp của một con người. Và khi, chúng ta tạo dựng được cho trẻ lòng trắc ẩn, thì sẽ bớt đi rất nhiều vụ bạo lực học đường đau lòng như đã từng xảy ra. Đó mới chính là ngăn chặn bạo lực từ gốc.

Hà An