Nga - Mỹ quay lại thời Chiến tranh lạnh?

Nguyễn Minh 17/06/2012 08:47

Cuộc khủng hoảng đang leo thang ở Syria, cộng hưởng với những lời cáo buộc lẫn nhau đang làm cho quan hệ Nga - Mỹ thêm xấu đi. Có nhiều lo ngại về việc mối quan hệ này có khuynh hướng quay lại thời kỳ Chiến tranh lạnh, đúng vào thời điểm nhạy cảm, khi Tổng thống Mỹ Barack Obama và người đồng cấp Nga Vladimir Putin đang nỗ lực làm mới lại quan hệ song phương.

Nga - Mỹ quay lại thời Chiến tranh lạnh? ảnh 1
Nguồn: Cagle Cartoons  

Dự kiến, hai nhà lãnh đạo Nga - Mỹ sẽ có cuộc gặp song phương tại Hội nghị Thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20), được tổ chức ở Mexico vào đầu tuần tới. Đây sẽ là cuộc chạm trán đầu tiên giữa hai chính khách này trong vòng 3 năm qua, trong bối cảnh ngày càng có nhiều nghi ngờ về khả năng hai nhà lãnh đạo này có thể tìm được tiếng nói chung trong vấn đề Syria hay các bất đồng đang nung nấu khác.

Trong nhiệm kỳ vừa qua của Tổng thống tiền nhiệm Nga Dmitry Medvedev, Obama đã thúc đẩy việc “cài đặt lại” quan hệ với Nga trở thành một trong những điểm sáng trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Song, Washington ngày càng bất đồng với Moscow trong nhiều vấn đề, từ cuộc khủng hoảng ở Syria, vấn đề hạt nhân của Iran tới hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Âu cũng như vấn đề liên quan tới nhân quyền. Trong khi đó, vị Tổng thống mới của nước Nga lại càng không tỏ ra muốn né tránh những lời lẽ và thái độ chống phương Tây, vốn từ lâu đã là “đặc sản” mang dấu ấn Putin.

Gần đây, chính quyền Mỹ đưa ra một loạt cáo buộc cho rằng Nga đang cung cấp vũ khí cho chính quyền Syria. Cùng với đó là việc Moscow cản trở các hành động cứng rắn tại Hội đồng Bảo an LHQ (HĐBQ) chống lại Damascus. Các sự việc trên dường như cho thấy một giai đoạn khó khăn trong quan hệ giữa Putin và người đồng nhiệm Mỹ Obama, thậm chí có thể cả với vị Tổng thống sắp tới của nước Mỹ. Giới quan sát nhận định, việc hai nhà lãnh đạo này sẽ giải quyết vấn đề Syria như thế nào tại cuộc gặp tới ở Los Cabos, Mexico - cả trong các cuộc họp kín và trước ống kính phóng viên - là điều rất quan trọng. Ông Obama có thể sẽ tìm cách hạ nhiệt với chính quyền Putin, song chắc chắn đương kim Tổng thống Mỹ sẽ phải tìm cách hạn chế việc để các đối thủ Cộng hòa có thêm cớ chỉ trích là ông nhân nhượng với Moscow. Tại thời điểm nước Mỹ đang sôi nổi với các cuộc vận động bầu cử, chuẩn bị cho cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 11 tới, Tổng thống đương nhiệm Obama đã phải đối mặt với những chỉ trích từ đảng Cộng hòa đối lập, trong đó có ứng cử viên Tổng thống Mitt Romney, về chính sách của Nhà Trắng cải thiện quan hệ với Nga. Một số nghị sỹ Mỹ đã lên tiếng yêu cầu ông Obama theo đuổi chính sách cứng rắn hơn với Nga. Nữ nghị sỹ Cộng hòa Rose Lehtinen, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, cáo buộc chính quyền Obama nhượng bộ Nga quá nhiều, chẳng hạn như đồng ý để Nga đăng cai cuộc đàm phán về vấn đề hạt nhân của Iran trong tháng này.

Về phía Moscow, ông Putin sẽ không nhượng bộ Mỹ bởi động thái đó có thểí bị coi là dấu hiệu mềm yếu. Các nhà quan sát ở Điện Kremlin cho rằng, Putin sẽ cẩn trọng với việc đưa ra một cam kết cụ thể nào với Obama, khi mà vị Tổng thống Mỹ này đang nắm giữ tương lai chính trị chưa biết chắc trước mùa Thu này.

Cuộc xung đột tại Syria đang lôi kéo các cường quốc thế giới vào một cuộc chiến tranh “mượn tay kẻ khác”. Mặc dù cả Nga – Mỹ đều ủng hộ kế hoạch hòa bình của Đặc phái viên LHQ Kofi Annan, nhưng sự chia rẽ giữa Washington  - Moscow ngày càng trở nên rõ rệt. Theo báo Washington Post, việc Nga tiếp tục chuyển giao vũ khí cho Syria đã đẩy Nga - Mỹ vào một cuộc đối đầu mới về ngoại giao, giữa lúc Washington cùng các đồng minh châu Âu và Ảrập đang cố thuyết phục Nga và Trung Quốc từ bỏ sự hậu thuẫn đối với chế độ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Cốt lõi của việc Nga từ chối thúc đẩy giải quyết vấn đề Syria là mối lo ngại rằng nếu tạo cơ hội cho Mỹ và phương Tây can thiệp nhằm thay đổi chế độ ở Damascus (tương tự như kịch bản ở Libya năm 2011), điều đó sẽ giáng một đòn mạnh vào lợi ích của Nga trong khu vực, trước hết là căn cứ hải quân Tartus của Nga ở Syria và những hợp đồng thương mại béo bở với chính quyền Damascus.

Xem ra cuộc đối đầu này mang hơi hướng của cuộc đối đầu Nga - Mỹ trong kỷ nguyên Chiến tranh Lạnh, trong đó hai phe Đông - Tây tranh giành, thao túng khiến hàng loạt vụ xung đột kéo dài dai dẳng. Giờ đây, với những gì đang diễn ra tại Syria, hai bên đều đang hành động như thể một lệnh ngừng bắn thậm chí không hề tồn tại. Các cường quốc thế giới đã đúng khi nói rằng cuộc xung đột ở Syria là nghiêm trọng, nhưng có vẻ như những việc phương Tây làm càng khiến cho tình hình Syria trở nên nghiêm trọng hơn.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Nga - Mỹ quay lại thời Chiến tranh lạnh?
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO