Vấn đề này đã được đưa ra tại phiên họp của Hội đồng An ninh Nga vào 25.9, có sự tham dự của các Bộ trưởng Quốc phòng và Tài chính cùng người đứng đầu Cơ quan Tình báo Đối ngoại (SVR), Cơ quan An ninh Liên bang (FSB), Cơ quan Vũ trụ Liên bang Nga (Roscosmos) và Tập đoàn Nhà nước về Năng lượng Hạt nhân của Nga (Rosatom). Phát biểu tại cuộc họp, ông Putin khẳng định: “Ngày nay, bộ ba hạt nhân vẫn là sự bảo đảm quan trọng nhất cho an ninh của đất nước và công dân chúng ta, là công cụ duy trì sự cân bằng chiến lược và cán cân quyền lực trên thế giới”.
Cuộc tấn công của một “nhà nước phi hạt nhân”
Chi tiết cập nhật đầu tiên được đề xuất là “mở rộng phạm vi các quốc gia và liên minh quân sự” mà biện pháp răn đe hạt nhân áp dụng và “bổ sung danh sách các mối đe dọa quân sự” nhằm vô hiệu hóa biện pháp răn đe này.
Điều này sẽ coi "hành động xâm lược nước Nga của bất kỳ quốc gia phi hạt nhân nào, nhưng có sự tham gia hoặc hỗ trợ của một quốc gia hạt nhân" là "cuộc tấn công chung" của họ, vượt qua ngưỡng hạt nhân.
Mặc dù không có quốc gia cụ thể nào được nêu tên, điều này rõ ràng sẽ áp dụng trong kịch bản Ukraine tấn công lãnh thổ Nga bằng vũ khí do Hoa Kỳ hoặc các đồng minh hạt nhân NATO của nước này cung cấp. Tổng thống Putin trước đây đã nói rằng các cuộc tấn công với sự tham gia tích cực của quân nhân và tài sản của một nước thứ ba, sẽ đẩy nước đó vào cuộc xung đột trực tiếp với Nga.
Hạ thấp ngưỡng hạt nhân
Các bản sửa đổi được đề xuất cũng "nêu rõ" các điều kiện mà Nga có thể tiến hành sử dụng vũ khí nguyên tử, như "nhận được thông tin đáng tin cậy về vụ phóng hàng loạt vũ khí tấn công trên không và vũ trụ và chúng vượt qua biên giới quốc gia của chúng tôi".
Putin làm rõ rằng điều này có nghĩa là "máy bay chiến lược và chiến thuật, tên lửa hành trình, máy bay không người lái, máy bay siêu thanh và các loại máy bay khác". Việc đề cập đến máy bay không người lái ở đây đặc biệt có ý nghĩa, vì Ukraine đã nhiều lần tiến hành các cuộc tấn công bằng UAV hàng loạt vào các căn cứ chiến lược của Nga.
Mở rộng phạm vi bảo vệ tới Belarus
Lần đầu tiên, Nga nêu rõ rằng khả năng răn đe hạt nhân của mình có thể được sử dụng trong trường hợp Belarus bị xâm lược, với tư cách nước này là thành viên của Liên minh Nhà nước. Điều này bao gồm "mối đe dọa nghiêm trọng đến chủ quyền của chúng tôi" thông qua việc sử dụng vũ khí thông thường. Ông Putin cho biết trong cuộc họp rằng tất cả những điều này đã được thống nhất với Chính quyền Minsk và Tổng thống Alexander Lukashenko.
Học thuyết trước đây như thế nào?
Văn bản học thuyết được thông qua năm 2020 phác thảo 4 tình huống mà Moscow có thể kích hoạt khả năng răn đe hạt nhân. Thứ nhất, nếu họ nhận được "thông tin đáng tin cậy" về vụ phóng tên lửa đạn đạo nhằm vào chính họ và/hoặc các đồng minh. Thứ hai, nếu vũ khí hạt nhân hoặc loại WMD (vũ khí hủy diệt hàng loạt) khác được sử dụng chống lại Nga và/hoặc các đồng minh của họ. Thứ ba, nếu kẻ thù hành động chống lại "các cơ sở quân sự hoặc nhà nước quan trọng" có thể phá vỡ phản ứng của các lực lượng hạt nhân Nga. Và thứ tư, nếu Nga bị tấn công thông thường, điều đó sẽ "đe dọa đến sự tồn tại của nhà nước".
Tại sao những thay đổi lại được đề xuất vào thời điểm này?
Đầu năm nay, Tổng thống Putin đã nói rằng cần thiết phải có một số điều chỉnh đối với học thuyết hạt nhân của Nga, xét đến các mối đe dọa mới nổi lên. Thứ trưởng Ngoại giao Sergey Ryabkov đã mô tả học thuyết hiện tại vào tháng 6 là "quá chung chung" và rằng Nga phải thể hiện "rõ ràng hơn, cụ thể hơn, chắc chắn hơn về những gì có thể xảy ra" nếu họ (phương Tây) tiếp tục "hành động không thể chấp nhận được và leo thang".
Trong cuộc họp hôm 25.9, Tổng thống Putin lưu ý rằng, việc sử dụng vũ khí hạt nhân vẫn là một "biện pháp cực đoan" để bảo vệ chủ quyền của Nga, nhưng Moscow phải tính đến việc "tình hình quân sự - chính trị hiện đại đang thay đổi mạnh mẽ... bao gồm sự xuất hiện của các mối đe dọa và rủi ro quân sự mới đối với Nga và các đồng minh".