New Zealand: Coi sông là thực thể sống có tư cách pháp nhân

- Chủ Nhật, 04/04/2021, 07:41 - Chia sẻ
Năm 2017, sông Whanganui, con sông dài thứ 3 ở New Zealand đã được công nhận như một thực thể sống có tư cách pháp nhân rõ ràng sau khi Quốc hội nước này thông qua một dự luật về vấn đề này. Đây là tài nguyên thiên nhiên đầu tiên trên thế giới được trao quyền và trách nhiệm như một công dân thực thụ, có thể kiện bất kỳ ai làm ảnh hưởng đến nó.

Sự kiện trên kể từ khi được công bố khiến nhiều người suy đoán về những ảnh hưởng sâu rộng của luật trong các bối cảnh khác trên toàn thế giới. Điều gì đã xảy ra về dòng sông cùng những con người của nó để dẫn đến kết quả pháp lý độc đáo này?

Được biết, hơn 160 năm qua, những người bộ lạc Maori sống tại New Zealand đã đấu tranh để con sông này được công nhận chính thức như con người. Họ cho rằng, sông Whanganui là chỗ dựa tinh thần rất quan trọng đối với người dân bộ lạc. Với họ, con sông có suy nghĩ, cuộc sống và linh hồn như bao người khác.

Theo luật thông thường, tư cách pháp nhân được cấp cho các công ty, cũng như cho các thực thể phi con người khác bao gồm quỹ tín thác, công ty liên doanh và quốc gia. Các trường hợp như sông Whanganui, mặc dù dựa trên luật Maori, đã cho thấy sự thay đổi luật thông thường trong việc mở rộng quyền tư cách pháp nhân đối với thế giới tự nhiên.

Thực tế cho thấy, việc mở rộng tư cách pháp nhân cho sông Whanganui không phải là quyết định tùy tiện. Luật được đưa ra sau hai thế kỷ đấu tranh về thể chất và pháp lý của bộ tộc Iwi của người Maori sống gần sông Whanganui chống lại quyền kiểm soát của thực dân đối với dòng sông. Tòa án Waitangi (được thành lập vào năm 1975 để giải quyết các khiếu nại tồn đọng phát sinh từ hiệp ước duy nhất của New Zealand, Hiệp ước Waitangi) đã ghi lại lịch sử hành động của họ trong Báo cáo về sông Whanganui năm 1999.

Sông Whanganui ở New Zealand

Nguồn: Getty images 

Tòa án đã khám phá mối liên hệ chặt chẽ giữa dòng sông này với con người. Đối với bộ tộc Iwi, dòng sông là tổ tiên của họ, và họ là hậu duệ của dòng sông. Như Tòa án đã lưu ý, “giống như tổ tiên mang mọi người lại với nhau, thì dòng sông cũng vậy”. Tòa kết luận rằng, người Maori không có quan niệm nào vào thời điểm tồn tại các nguyên tắc thông luật về sở hữu và chuyển nhượng đất đai: “Đất đai không phải là một mặt hàng có thể trao đổi hoặc sử dụng một lần. Được truyền lại qua các tổ tiên từ Papatuanuku [mẹ trái đất], nó đã được lưu truyền đến các thế hệ tương lai của bộ tộc”. (Báo cáo sông Whanganui, trang 106).

Vì vậy, tài sản và quyền sở hữu là không thể hòa giải với mối quan hệ tổ tiên - con cháu này. Tòa án công nhận rằng, thông luật Anh chỉ là một thế giới quan trong số nhiều: “… quyền sở hữu đất không phải là luật chung mà là một cấu trúc cụ thể của một số nền văn hóa… Về mặt đó, người Maori không phân biệt chế độ đất đai và nước - tất cả chúng đều là một phần mà bộ tộc sở hữu”. Như sau này đã được ghi nhận trong luật cho sông Whanganui, bộ tộc Iwi có một cách hiểu chung: “Ko au te Awa, ko te Awa ko au”, nghĩa là “tôi là sông, và sông là tôi”. Dân luật và Thông luật (Civil Law và Common Law) là 2 hệ thống pháp luật phổ biến nhất trên thế giới. Hai hệ thống này có những đặc điểm riêng biệt tạo nên hai “dòng họ pháp luật” với những đặc trưng pháp lý riêng biệt. Hệ thống thông luật có nguồn gốc từ Vương quốc Anh.

Theo luật, sông Whanganuig được tuyên bố là một thực thể sống, nắm giữ “quyền hạn, nghĩa vụ và trách nhiệm của một pháp nhân”. Để duy trì các quyền và lợi ích này, luật thành lập một cơ quan quản lý gồm hai thành viên, hoạt động như “bộ mặt con người” của dòng sông. Cơ quan này được thiết kế để “tư vấn và hỗ trợ sông thực hiện các chức năng của mình”. Cơ quan bao gồm một đại diện do bộ tộc Whanganui Iwi vốn có có lợi ích ở sông Whanganui đề cử và một đại diện từ chính phủ. Luật chính thức thừa nhận trách nhiệm mà bộ tộc Whanganui Iwi nắm giữ để duy trì sức khỏe và sự thịnh vượng của dòng sông, dựa trên tikanga (hệ thống quản lý thời kỳ tiền thuộc địa của họ). Luật cũng bao gồm vấn đề bồi thường tài chính và lời xin lỗi từ Chính phủ về những thiệt hại đã gây ra cho dòng sông và người dân… New Zealand là một trong 54 thành viên của Khối thịnh vượng Chung, trong số này có 16 quốc gia coi Nữ hoàng Anh Elizabeth II là người đứng đầu nhà nước.

Ngọc Minh