Nepal và cuộc tranh giành ảnh hưởng Trung - Ấn
Ngay sau khi xảy ra động đất ở Nepal khiến hơn 7.000 người thiệt mạng, đội cứu trợ của Ấn Độ và Trung Quốc nằm trong số các đội cứu trợ quốc tế đầu tiên có mặt tại Thủ đô Kathmandu. Đây là minh chứng hoàn hảo cho cuộc cạnh tranh giữa hai nước khổng lồ châu Á tại quốc gia có chung đường biên giới.
Tại một bệnh viện có 12 giường bệnh, sâu trong dãy núi Himalaya thuộc lãnh thổ Nepal, trực thăng của Không quân Ấn Độ bận rộn cứu trợ những nạn nhân của vụ động đất. Họ gồm đàn ông, đàn bà, phụ nữ bị thương, được giải cứu từ các đỉnh đồi hoặc các thung lũng mà lực lượng cứu hộ Nepal chưa thể tiếp cận do đường sá hư hỏng.
Ở Thủ đô Kathmandu, lực lượng cứu hộ tới từ Trung Quốc trong đồng phục màu đỏ tích cực tìm kiếm người sống sót tại các đống đổ nát. Đài truyền hình Nepal trong ngày 28.4 còn chiếu cảnh đội cứu hộ Trung Quốc đang kéo một người đàn ông ra khỏi đống đổ nát của một khách sạn rồi nhanh chóng dùng cáng đưa nạn nhân đi.
Sau trận động đất tồi tệ nhất suốt gần một thế kỷ qua, giới chức Nepal gần như vắng bóng tại hiện trường nhưng Trung Quốc và Ấn Độ thì không. Hai nước này còn hứa hẹn gửi thêm lực lượng cứu hộ, chó nghiệp vụ, lều bạt, thực phẩm và lập tức nhận được sự ca ngợi từ người dân Nepal: Chúng tôi chẳng còn niềm tin vào chính quyền, chỉ có Ấn Độ và (Thủ tướng Narendra) Modi đang giúp đỡ - một dân làng tên Dhruba Kandel nói tại Dhading - Nếu không nhờ những chiếc trực thăng đó, hàng chục người chúng tôi có thể đã chết trên núi.
![]() Lực lượng cứu hộ Trung Quốc tham gia tìm kiếm người sống sót trong vụ động đất |
Trong khi đó Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, hứa hẹn sẽ lau khô nước mắt của mọi người dân Nepal. Ấn Độ coi Nepal không chỉ là một quốc gia tương đồng về nhiều mặt, có đa số người dân theo đạo Hindu, mà còn là một bộ phận không thể tách rời trong trường ảnh hưởng của họ tại khu vực Nam Á, là nhân tố chủ chốt trong chính sách đối ngoại của Thủ tướng Narendra Modi nhằm thúc đẩy các mối quan hệ kinh tế, văn hóa với các nước láng giềng của Ấn Độ thuộc Hiệp hội Vì hợp tác khu vực Nam Á (SAARC). Ngay sau trận động đất tại Nepal, ông Modi đã tuyên bố Ấn Độ nỗ lực hết sức để hỗ trợ Nepal khắc phục hậu quả. Lâu nay, Ấn Độ vẫn tự đóng vai trò anh cả trên chính trường Nepal và đã từng là bên trung gian hòa giải thúc đẩy thỏa thuận hòa bình chấm dứt cuộc nội chiến giữa Chính phủ và lực lượng nổi dậy theo Mao ở Nepal. Giáo sư Michael Hutt thuộc Trung tâm nghiên cứu phương Đông và châu Phi, Đại học London nhận định: cho đến nay, ông Modi vẫn chơi quân bài này khá tốt. Nhìn chung, dư luận Nepal đều coi ông Modi là một người bạn tốt.
Ngoài ra, còn một nhân tố quan trọng khác trong mối quan hệ giữa Ấn Độ và Nepal. Đó là, những người theo chủ nghĩa dân tộc Hindu ủng hộ đảng Nhân dân Ấn Độ của ông Modi đặc biệt quan tâm đến mối quan hệ với Nepal vì lý do tôn giáo. Một số người dân tộc chủ nghĩa Hindu theo đường lối cứng rắn đã tuyên bố ủng hộ tuyệt đối sự hỗ trợ của Chính phủ Ấn Độ đối với các đồng đạo Hindu tại Nepal.
Về phần mình, những năm gần đây Trung Quốc đang cố gắng khẳng định vị trí và ảnh hưởng của họ trong mối quan hệ với quốc gia láng giềng phía Nam này. Trung Quốc hiện có nhiều nguồn tài chính hơn Ấn Độ và đang tăng cường các chương trình viện trợ phát triển, xây dựng cơ sở hạ tầng tại Nepal – tuyến đường dễ tiếp cận nhất để vào khu tự trị Tây Tạng của Trung Quốc. Trung Quốc đang cân nhắc xây dựng một tuyến đường sắt nối nước này với Nepal, trong đó có một đường hầm xuyên qua lòng núi Everest. Nepal cũng là một trong những điểm quan trọng trong dự án Một vành đai, Một con đường (Vành đai kinh tế trên bộ và Con đường tơ lụa trên biển) mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang thúc đẩy