Nên ưu tiên điện cho ngành nào mang lại lợi ích kinh tế cao

- Thứ Hai, 29/07/2013, 08:37 - Chia sẻ
Hiệp hội Thép và Hiệp hội Xi măng - những đối tượng dự kiến sẽ được áp dụng một mức giá điện lớn hơn so với các ngành kinh tế khác từ 2 -16% - đã chính thức lên tiếng về quy định này tại Dự thảo Cơ cấu biểu giá bán lẻ điện do Cục Điều tiết Điện lực, Bộ Công thương xây dựng. Theo các ngành này, việc áp dụng mức giá điện cao hơn so với các ngành khác trong nền kinh tế là thiếu bình đẳng.

Nguồn: vcmadia.vn
Xi măng và thép được đề xuất áp dụng mức giá điện cao hơn các ngành kinh tế khác bởi lẽ đây là 2 ngành tiêu thụ điện năng nhiều. Việc áp dụng mức giá điện tương đương các ngành khác sẽ không giúp hình thành ý thức tiết kiệm điện, gây lãng phí nguồn năng lượng này. Tuy nhiên, đại diện Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho rằng, Quy hoạch ngành xi măng giai đoạn 2011 - 2020, dự kiến đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, với tổng công suất đến năm 2015 đạt 75 triệu tấn dựa trên dự báo tình hình phát triển của đất nước. Do khó khăn của nền kinh tế vài năm trở lại đây đã dẫn đến dư thừa trong nước, ngành xi măng phải tìm hướng xuất khẩu ra nước ngoài, bảo đảm việc làm và thu nhập cho người lao động. Mặt khác, doanh nghiệp trong ngành đang sử dụng công nghệ tiên tiến, tự động hóa cao, tiết kiệm tối đa năng lượng. Tính đến cuối năm 2013 tổng công suất toàn ngành đạt 70 triệu tấn xi măng, trong đó 68,5 tấn được sản xuất bằng công nghệ tiên tiến, chỉ còn khoảng 1,5 triệu tấn công suất của 13 dây chuyền lò đứng là công nghệ lạc hậu. Dự kiến, đến năm 2015, tất cả các nhà máy xi măng đều có thiết bị tận dụng nhiệt khí thải, và sẽ tự sản xuất khoảng 15% lượng điện tiêu thụ.

Không chỉ lĩnh vực xi măng, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam Nguyễn Tiến Nghi cho biết, trong ngành này điện được sử dụng phần lớn trong sản xuất phôi thép. Hiện công nghệ sản xuất phôi thép đang dần được hiện đại, tỷ lệ tiêu tốn điện năng tại các các lò điện hồ quang lớn chỉ chiếm khoảng 5 - 6% giá thành sản phẩm. Vì vậy, việc Dự thảo Cơ cấu giá bán lẻ điện dự kiến sẽ tăng giá điện cao hơn từ 2-16% so với các ngành khác là không công bằng và thiếu thuyết phục. Nhiều doanh nghiệp sản xuất thép cũng cho rằng, quy định này sẽ làm khó cho các đơn vị trong bối cảnh hiện nay. Hiện Chính phủ đang đưa ra các chính sách để hỗ trợ sản xuất, kinh doanh thì sẽ không hợp lý khi đưa quy định gây khó khăn cho doanh nghiệp thép và xi măng.

Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công thương Bùi Quang Chuyện đánh giá cao những đóng góp của ngành thép và xi măng đối với nền kinh tế thời gian qua, cũng như việc không ngừng thay đổi công nghệ giúp cho tỷ lệ tiêu thụ điện ngày càng giảm đi. Song, ông Bùi Quang Chuyện cũng cho rằng, nhiều doanh nghiệp thép chưa thân thiện với môi trường, lượng tiêu hao than cốc, điện năng còn cao hơn nhiều so với các công nghệ tiên tiến. Việc tiêu hao điện của ngành xi măng hiện vẫn chiếm khoảng 15 - 17% giá thành. Trong khi, ở nhiều quốc gia khác, mức tiêu hao này chỉ khoảng 12%, nên việc áp dụng mức giá điện cao hơn sẽ thúc đẩy 2 ngành này đổi mới công nghệ, giảm tiêu hao điện năng.

Trong khi mỗi ngành đều có những lý do chính đáng để bảo vệ cho ngành mình trước áp lực tăng giá điện, tăng chi phí đầu vào, thì Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam Trần Viết Ngãi nhấn mạnh, hàng loạt các dự án điện đang chậm tiến độ vì thiếu vốn, Quy hoạch điện VII bị phá vỡ bởi tất cả các dự án nguồn và lưới điện quốc gia đều chậm. Như vậy, nếu nền kinh tế phục hồi  nhanh, sản xuất trở lại bình thường thì việc thiếu điện là chắc chắn. Bởi theo kế hoạch, đến năm 2020, hệ thống nguồn phát điện quốc gia phải đạt hơn 67.000MW, trong khi hiện nay mới chỉ có hơn 25.000MW điện trên toàn hệ thống. Vì lẽ đó, việc phân chia lĩnh vực sản xuất để tính giá điện là cần thiết. Kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới cũng cho thấy, ngành nào mang lại lợi ích kinh tế cao hơn so với lượng điện năng sử dụng thì sẽ được ưu tiên cung cấp điện, còn ngành nào cho hiệu quả kinh tế thấp trong khi cường độ sử dụng điện cao thì không được ưu tiên. Việc tính giá điện theo cường độ năng lượng đối với ngành thép, xi măng là phù hợp với điều kiện của nước ta.

Nguyên Long