Triển khai sáng kiến trồng 1 tỷ cây xanh

Nên trồng theo cấu trúc rừng tự nhiên

- Chủ Nhật, 06/12/2020, 06:55 - Chia sẻ
Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ ngày 2.12, Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nghiên cứu xây dựng đề án, chính sách cụ thể để triển khai sáng kiến trồng 1 tỷ cây xanh trong 5 năm tới. GS. TS Vương Văn Quỳnh, nguyên Viện trưởng Viện Sinh thái rừng và Môi trường (Đại học Lâm nghiệp) cho rằng, nên trồng theo cấu trúc rừng tự nhiên và trước mắt ưu tiên trồng ở nơi có nguy cơ cao sạt lở đất, lũ quét, lũ ống và vùng ven biển chịu nhiều ảnh hưởng của bão.

 Mỗi người chỉ cần trồng 2 - 4 cây xanh/năm

Ông Phạm Đình Sâm, Trưởng bộ môn Nông lâm kết hợp, Viện Nghiên cứu lâm sinh (Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam) cho rằng, thời gian qua, diện tích rừng tăng thuần trên quy mô, còn chất lượng rừng vẫn bị suy giảm nghiêm trọng, không bảo đảm chức năng hệ sinh thái của rừng. Tình trạng mất rừng vẫn diễn ra tại nhiều địa phương. Vì vậy, việc thực hiện sáng kiến trồng 1 tỷ cây xanh trong 5 năm tới của Thủ tướng là cấp thiết để góp phần giảm nhẹ sự tàn phá của thiên tai cũng như các diễn biến ngày càng cực đoan của thời tiết.

Ảnh minh họa
Ảnh ITN

“Mục tiêu trồng 1 tỷ cây xanh trong 5 năm tới là thông điệp mạnh mẽ về quyết tâm của Nhà nước trong việc bảo vệ rừng, cây xanh và bảo vệ môi trường nói chung. Việc này hoàn toàn khả thi!”, GS. TS. Vương Văn Quỳnh, nguyên Viện trưởng Viện Sinh thái rừng và Môi trường (Đại học Lâm nghiệp) nói. Theo ông, trồng 1 tỷ cây xanh tương đương với khoảng 300 - 500 nghìn hecta rừng trồng tập trung.  Nhà nước quy hoạch diện tích đất cho lâm nghiệp là 16,2 triệu hecta, hiện chúng ta có 14,6 triệu hecta, nghĩa là vẫn còn khoảng 1,8 triệu hecta đất chưa có rừng. Số liệu này phù hợp với số liệu kiểm kê rừng năm của các địa phương. Có thể trong 1,8 triệu hecta này có những diện tích khó trồng rừng mà chỉ có thể phục hồi bằng khoanh nuôi, một số diện tích khác thì đang xin chuyển thành đất nông nghiệp, nhưng tối thiểu thì vẫn còn 600 - 700 nghìn hecta đất có thể trồng rừng. 

“Như vậy, chỉ riêng diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp chưa có rừng cũng đủ để trồng 1 tỷ cây xanh”, ông Quỳnh tính toán. Ngoài ra có thể trồng cây gỗ ở bên đường, xung quanh khu dân cư, các khu sản xuất, nhà máy. Ở đồng ruộng có thể trồng những dải rừng chắn gió. Trồng 1 tỷ cây xanh trong 5 năm tương đương mỗi người trồng 2 - 4 cây/năm, con số này hoàn toàn không lớn.

Nên thành lập ban chỉ đạo

Để thực hiện hiệu quả sáng kiến này, ông Phạm Đình Sâm, Trưởng bộ môn Nông lâm kết hợp, Viện Nghiên cứu lâm sinh cho rằng, cần phải xác định các hoạt động với những chỉ tiêu cụ thể nhằm phục hồi được diện tích rừng đã mất, bảo tồn các hệ sinh thái rừng và bảo đảm sinh kế cho các hộ dân trong khu vực. Cùng với đó, cần có đánh giá, hiểu biết về thực trạng cấu trúc và chức năng cũng như thực trạng quản lý rừng, đặc biệt là rừng phòng hộ đầu nguồn.

Bên cạnh đó, phải dựa trên các tiêu chí đánh giá về khả năng phòng hộ của từng loại rừng (rừng tự nhiên và rừng trồng) và trạng thái đất rừng bị thoái hóa, đất bỏ hoang hóa để xác định giải pháp kỹ thuật phù hợp cho từng đối tượng tương ứng. Cây trồng phải được lựa chọn dựa trên đặc tính sinh lý, sinh thái, đáp ứng cho mỗi chức năng cụ thể của rừng và đất rừng phòng hộ, trong đó tập trung vào các loài cây bản địa, đa mục đích.

	Ảnh minh họa
Ảnh ITN

Đối với các rừng phòng hộ ít xung yếu và ít đa dạng hơn có thể kết hợp các hoạt động sản xuất nông lâm nghiệp như: trồng cây công nghiệp, rừng trồng có năng suất cao, cây ăn quả. Cũng có thể kết hợp trồng cây nông nghiệp và chăn nuôi để bảo đảm duy trì hệ sinh thái - nhân văn cân bằng, do nhu cầu sản xuất và chăn nuôi gia súc của các hộ dân ở vùng đầu nguồn là tất yếu. “Cần xác định các giải pháp khoa học công nghệ về trồng rừng thích ứng với biến đổi khí hậu, đặc biệt cho rừng phòng hộ, từ phân vùng phòng hộ, phân chia lập địa, chọn loài cây, giống cây và kỹ thuật trồng”, ông Sâm nói.

Để trồng 1 tỷ cây xanh trên quy mô cả nước, GS.TS. Vương Văn Quỳnh nhấn mạnh, cần tổ chức chặt chẽ, có kế hoạch rõ ràng, phân công cụ thể. Đặc biệt, xác định rõ trồng rừng khu vực nào, dùng loài cây nào, nguồn giống ở đâu, cách trồng cụ thể và nhân lực ra sao… “Trước mắt nên ưu tiên trồng ở vùng núi, nơi có nguy cơ sạt lở, lũ quét, lũ ống cao và vùng ven biển chịu nhiều ảnh hưởng của bão. Nên trồng rừng theo cấu trúc rừng tự nhiên, nhiều loài, nhiều tầng lớp và không phát quang thảm thực vật trên toàn diện tích”.

Cụ thể, khu vực phòng hộ nên trồng cây bản địa, chịu được đất khô hạn, có rễ sâu và cứng chắc để giữ đất như: ràng ràng mít, xoan đào, lát hoa, lim xanh, chò nâu, sến mật, gụ, vàng tâm, pơ mu, vù hương, hoàng đàn, sưa, táu, nghiến, đa, si…; hoặc một số cây gỗ sống lâu năm cho sản phẩm phụ như trám, sấu, táo mèo, dổi, trầm hương... Dưới tán rừng có thể trồng thảo dược, thực phẩm như sâm, ba kích, sa nhân, thảo quả, củ mài...

Ở ven biển, cần chọn loài có rễ ăn sâu, rộng, thân khỏe và phân bố cành đều trên thân làm tăng hiệu quả chắn sóng như đước, bần, mấm, trang, sú, vẹt. Tại đô thị, chọn những cây lâu năm, thường xanh, tán đẹp, hoa đẹp, có hương thơm, rễ sâu có khả năng chống gió bão, ít sâu bệnh, không có nhựa hoặc hương độc, che bóng và giữ bụi tốt như: ngọc lan, bằng lăng, phượng, móng bò...

GS.TS. Vương Văn Quỳnh cũng đề xuất thành lập Ban chỉ đạo quốc gia thực hiện mục tiêu trồng 1 tỷ cây xanh. Ban chỉ đạo sẽ xác định nội dung công việc cụ thể và nguồn lực cần thiết; lập và giao kế hoạch cho các cấp, ngành, địa phương; kiểm tra và điều chỉnh kế hoạch cho phù hợp với thực tiễn. Đến lượt địa phương cũng phải xem đây là nhiệm vụ chính trị cần thực hiện để bảo vệ môi trường, huy động các nguồn lực để thực hiện. Bên cạnh đó, cần tuyên truyền để toàn dân hiểu đây là nhiệm vụ của mọi người vì sự phát triển bền vững của đất nước, vì cuộc sống an lành mỗi người dân và tự giác tham gia.

An Thiện