Nền tảng xây dựng con người Việt Nam mới

Lê Thư 01/11/2016 07:54

Thời gian qua, Diễn đàn “Xây dựng con người Việt Nam Nhân văn - Trách nhiệm - Sáng tạo” trên báo Đại biểu Nhân dân đã nhận được sự tham gia của nhiều ĐBQH, chuyên gia, nhà nghiên cứu trên nhiều lĩnh vực… Hơn 40 ý kiến có thể khác nhau về tiêu chí xây dựng con người Việt Nam nhưng tất cả đều thống nhất, đây là vấn đề cấp bách, đòi hỏi quyết tâm cao và sự vào cuộc của cả hệ thống.

Khoảng trống hệ giá trị

30 năm Đổi mới, Việt Nam trải qua bước chuyển mình lịch sử. Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và với hội nhập quốc tế đã tác động sâu rộng đến đời sống cá nhân và cộng đồng, kéo theo sự thay đổi cấu trúc xã hội, quan niệm đạo đức, biểu hiện tính cách, lối sống, hành vi ứng xử, ham muốn, sở thích… Đặc tính tiêu biểu của người Việt như: Tinh thần yêu nước; tính cộng đồng, đoàn kết; cần cù lao động; thông minh, sáng tạo; tinh thần nhân nghĩa, khoan dung; anh hùng, dũng cảm; hiếu học; trọng đạo lý, trọng gia đình... từng là ngọn lửa bùng lên khí thế cách mạng, tinh thần hăng hái nhập cuộc, nay đang có xu hướng giảm sút, có cái trì trệ, kìm hãm phát triển.

Trực tiếp hay gián tiếp, nhiều ý kiến nêu khuyết thiếu trong con người Việt Nam hiện nay, nhìn chung so với thế giới, “vốn con người” đang thấp. Nổi cộm là sự suy giảm giá trị nhân văn và khuyết nhược về ý thức kỷ luật, óc sáng tạo… Tuy nhiên, biểu hiện này mới chỉ là bệnh ngoài da. Cái chính là khoảng trống hệ giá trị. Nhà sử học Phan Huy Lê nhận định: “Hệ giá trị cổ truyền trên nhiều phương diện bị giải thể, giải cấu trúc, không còn giá trị và tính hệ thống nữa. Nhưng hệ giá trị mới lại chưa hình thành, chính xác là đang hình thành từng yếu tố nhưng chưa định hình được” (Cần xây dựng hệ giá trị, Đại biểu Nhân dân số 279).

Cần đầu tư mạnh cho con người

Các ý kiến trên Diễn đàn nhấn mạnh động lực tinh thần xuyên suốt của người Việt từ đầu nguồn lịch sử, với giá trị còn soi sáng: Tư tưởng khoan hòa, linh hoạt ứng biến, coi trọng con người thực tại… Thông qua kho tàng văn hóa dân gian và các sự kiện, nhân vật lịch sử, minh chứng các triết lý, tư tưởng ấy không phải “tầm chương trích cú” mà là sợi chỉ đỏ kết tinh văn hóa, trí tuệ các đời.

Tuy nhiên, một số ý kiến thẳng thắn chỉ ra, thời gian dài ta chạy theo lợi ích vật chất mà thiếu quan tâm xây dựng con người - sức mạnh tinh thần của xã hội. Nhìn lại nền giáo dục mấy chục năm qua, ngoài việc cung cấp kiến thức chuyên môn cho học sinh, ít chú ý giáo dục đạo làm người và tinh thần công dân cần thiết cho việc xây dựng xã hội trong thời bình, nhất là một xã hội đang muốn vươn lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Những đức tính như lòng trung thực, lương tâm chức nghiệp, ý thức tôn trọng của công, tôn trọng quy ước của xã hội văn minh, tư duy độc lập, sáng tạo… không được coi trọng. Đó là căn nguyên sinh ra xúc tu của hành vi vô văn hóa, vô kỷ luật.

“Tương lai xã hội cần định dạng bởi những giá trị phổ quát là con người với bản chất người kết hợp với tri thức văn hóa, văn minh mà mỗi con người lĩnh hội và lũy tích được chuyển hóa thành lối sống đẹp, sống có trách nhiệm với xã hội, dám dấn thân vì tương lai đất nước và nhân loại” - ông Nguyễn Quang Thạch, người khởi xướng chương trình Sách hóa Nông thôn khẳng định (Nhân văn là yếu tố nền cho sáng tạo có trách nhiệm, Đại biểu Nhân dân số 207). Chỉ có đầu tư vào sức mạnh con người, huy động cao nhất giá trị của con người, mới hiện thực hóa các mục tiêu đặt ra trong bối cảnh hiện nay.

Không thuần túy lý thuyết

Nhà nghiên cứu Ngô Hương Giang, Viện Triết học, cho rằng: “Ở Việt Nam, vấn đề xây dựng con người hiện vẫn mang tính khẩu hiệu và thuần túy lý thuyết. Hệ thống lý thuyết đầy đủ nhưng lại đóng băng với thực tiễn... khiến chúng ta không đạt được những mục tiêu đề ra trong chiến lược xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện” (Tự giáo dục - cái gốc của trí tuệ, Đại biểu Nhân dân số 216). Dẫn chứng thực tế mà các tác giả nêu ra cho thấy vấn đề xây dựng con người tuy ngày càng được chú trọng, những giá trị trội, giá trị phái sinh mặc dù đã được định vị tương đối nhưng vẫn chưa thể hiện sinh động trong cuộc sống và quan trọng hơn là biến thành hành động tự thân.

Một số ý kiến tỏ ra bi quan nhưng cũng không ít người lạc quan, cho rằng động lực tinh thần của người Việt không mất đi mà chỉ bước vào một cuộc trở dạ nhọc nhằn về văn hóa. Nhiều tác giả đưa ra giải pháp trước hiện tượng suy thoái nhanh và phổ biến, khẳng định cách làm đó là bước đệm quan trọng để xây dựng con người Việt Nam mới. Đồng thời, nhấn mạnh vấn đề xây dựng con người không chỉ là quá trình khơi gợi tinh thần hời hợt mà phải được thực hiện như một “cuộc cách mạng”. Trong đó, ngoài vai trò của giáo dục có khả năng đáp ứng nhu cầu mới của xã hội, ngoài sự nghiêm minh của pháp luật, phải có chỗ cho sáng kiến công dân, có chỗ cho trí tuệ và năng lực cá nhân được tự do hoạt động. “Không thể lấy giá trị trước kia để áp đặt nhưng vẫn phải trên nguyên tắc tôn trọng các giá trị trội hằng xuyên. Cùng với việc ra các quy tắc, luật lệ, phải tạo điều kiện để thực hành các quy tắc, luật lệ đó” - nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nêu ý kiến (Để “lòng tốt trở nên thừa”, Đại biểu Nhân dân số 218)…

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang xây dựng đề án “Đẩy mạnh công tác xây dựng đạo đức, lối sống của con người Việt Nam trong giai đoạn hiện nay”. Hy vọng, các ý kiến trên Diễn đàn sẽ được tiếp thu và cụ thể hóa, góp phần xây dựng con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập.   

    Nổi bật
        Mới nhất
        Nền tảng xây dựng con người Việt Nam mới
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO