Nền tảng để phục hồi và phát triển

- Thứ Bảy, 04/12/2021, 06:13 - Chia sẻ
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong tháng 11, cùng với kiểm soát dịch bệnh, mở cửa từng bước nền kinh tế, các chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất, chuỗi sinh hoạt xã hội dần được nối lại theo hướng bình thường mới, tình hình kinh tế - xã hội chuyển biến tích cực và tiếp tục khởi sắc.

Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát ở mức thấp, các cân đối lớn được bảo đảm. Chỉ số CPI tháng 11 tăng 0,32% so tháng 10; 11 tháng tăng 1,84% so cùng kỳ. Thị trường tiền tệ, tỷ giá ổn định, lãi suất tiếp tục duy trì mặt bằng thấp; tăng trưởng tín dụng đạt 9,65%. Tính đến hết tháng 11, thu ngân sách nhà nước đạt hơn 100% dự toán năm. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 11 tăng 6,2% so tháng trước, trong đó nhiều ngành dịch vụ phục hồi tích cực. Đặc biệt, công tác bảo đảm an sinh xã hội được chú trọng, đời sống người dân nhìn chung ổn định. Đã hỗ trợ hơn 28.400 tỷ đồng theo Nghị quyết 68 cho trên 28 triệu người.

Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động cũng tăng 15,2% so với tháng trước. Tính chung 11 tháng qua, cả nước có 105,6 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 1.454,2 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 784,2 nghìn lao động. Có 40,5 nghìn doanh nghiệp quay lại hoạt động, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay lại hoạt động trong 11 tháng lên 146,1 nghìn doanh nghiệp. Bình quân một tháng có 13,3 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay lại hoạt động.

Sản xuất công nghiệp tháng 11 cũng khởi sắc khi hầu hết ngành công nghiệp cấp I đều tăng so với tháng trước và tăng so với cùng kỳ. Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước tháng 11 tăng 14,7% so với tháng 10.2021, đạt 73,8% kế hoạch năm. Tổng vốn FDI đăng ký cấp mới và tăng thêm 11 tháng tăng 11%, vốn thực hiện đạt 17,1 tỷ USD, cho thấy các doanh nghiệp nước ngoài tiếp tục tin tưởng vào môi trường đầu tư của Việt Nam.

Như vậy có thể thấy, cùng với sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, các giải pháp kịp thời, hiệu quả của các cơ quan chức năng, nền kinh tế nước ta đã đạt những kết quả tích cực, tạo nền tảng, động lực quan trọng cho việc thực hiện các mục tiêu của năm, đồng thời là tiền đề quan trọng cho những năm tiếp theo. Thế nhưng trong tháng cuối của năm cũng như trong năm tiếp theo vẫn còn nhiều khó khăn, trong đó chủ yếu do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, xuất hiện các biến thể mới trên thế giới. Kinh tế thế giới phục hồi nhưng thiếu ổn định, tiềm ẩn nhiều rủi ro về ổn định tài chính, nguồn cung năng lượng thiếu hụt. Năng lực hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng, sản xuất thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế trong nước chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu phòng, chống dịch bệnh khi có tình huống bất ngờ phức tạp phát sinh…

Do đó, ngoài việc phải sớm có Đề án tổng thể về tái cơ cấu kinh tế thì nguyên tắc điều hành vẫn phải ưu tiên tối đa cho việc giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô. Phải giữ lạm phát và lãi suất ở mức thấp, tỷ giá ổn định, đầu tư công cần được thực hiện đúng mục đích và giám sát tốt, môi trường đầu tư phải tiếp tục được cải thiện. Ngoài ra, phải bám sát diễn biến dịch bệnh, chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực, có phương án chủ động ứng phó với mọi tình huống xảy ra, không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. Đồng thời, kiên định, quyết tâm, quán triệt nghiêm quan điểm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất có thể trong năm 2021, tạo nền tảng, động lực phục hồi và phát triển vững chắc từ năm 2022.

Đặc biệt, như quan điểm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trong một bài viết mới đây là cần áp dụng các biện pháp nhất quán, đồng bộ, thống nhất từ Trung ương đến địa phương để duy trì cả cung và cầu trên thị trường; duy trì sản xuất, cung ứng, lưu thông, vận chuyển hàng hóa, ổn định thị trường tiêu dùng trong nước... Phối hợp chặt chẽ, điều hành linh hoạt giữa chính sách tiền tệ, chính sách tín dụng với chính sách tài khóa và chính sách an sinh xã hội trên tinh thần tận dụng tối đa và hiệu quả các nguồn lực.

Ninh Hà