Nên tạm thời giữ nguyên mô hình tổ chức thi hành án như hiện nay

26/05/2008 00:00

01-nen tam thoi 14708-180.jpg

      Trong tờ trình dự án Luật Thi hành án dân sự thì cơ quan thi hành án dân sự được tổ chức ở 2 cấp (cấp tỉnh, cấp huyện) và thành lập cơ quan trực thuộc Bộ Tư pháp để thực hiện chức năng quản lý thi hành án dân sự. Như vậy cơ quan thi hành án dân sự ở địa phương được tổ chức độc lập với Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp và trực thuộc theo hệ thống ngành dọc từ Trung ương đến địa phương.

       Hoạt động thi hành án mang tính chất quyền lực nhà nước có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, các quyền tự do dân chủ, các quyền cơ bản của công dân. Do đó, quá trình thi hành án đòi hỏi phải tuân thủ một cách nghiêm ngặt các nguyên tắc, thủ tục, luật định mang tính chất tố tụng để tránh sự xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của các bên. Muốn tránh được những sai sót đó đòi hỏi chấp hành viên phải có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, nắm vững pháp luật, mặt khác phải có cơ quan quản lý chuyên sâu về lĩnh vực pháp luật để tổ chức chỉ đạo, hướng dẫn chấp hành viên và các cơ quan thi hành án thực hiện đúng bản án và các quy định của pháp luật về thi hành án. Với những đặc thù như vậy việc giao cho Bộ Tư pháp quản lý tập trung thống nhất công tác thi hành án dân sự là phù hợp với đòi hỏi của thực tế khách quan. 

      Hoạt động thi hành án là một trong những bước tiếp theo hết sức quan trọng để kết thúc một quá trình tố tụng, nhằm lập lại trật tự, công bằng xã hội cũng như các hoạt động khác như khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử. Hoạt động thi hành án cũng là hoạt động mang tính quyền lực chung thống nhất trong phạm vi toàn quốc. Vì vậy không thể phân cấp để tạo ra sự phân tán trong tổ chức và hoạt động của thi hành án dân sự. 

      Khi nền kinh tế thị trường ngày càng phát triển thì không chỉ xuất hiện đa dạng các loại thành phần kinh tế mà còn xuất hiện các tổ chức kinh tế liên địa phương, liên quốc gia cũng là một tất yếu. Cùng với sự phát triển đó, các doanh nghiệp có tài sản ở nhiều địa phương trên cả nước, thậm chí tài sản ở nước ngoài là điều không tránh khỏi. Như vậy một khi doanh nghiệp nào đó phải thi hành án thì tính chất hoạt động thi hành án dân sự cũng không bó hẹp phạm vi ở một tỉnh, một địa phương cụ thể mà ở nhiều địa phương khác nhau. Điều này càng đòi hỏi sự thống nhất và gắn kết, phối hợp chặt chẽ các cơ quan thi hành án trong phạm vi toàn quốc. Vì vậy hoạt động thi hành án dân sự cần phải có sự chỉ đạo thống nhất, tập trung hơn là sự phân tán. 

      Song mô hình tổ chức cơ quan thi hành án dân sự trên có một số hạn chế. Đó là: UBND không trực tiếp tham gia vào việc chỉ đạo điều hành thi hành án, nên công tác này sẽ gặp những khó khăn nhất định; Sẽ phải thành lập thêm một cơ cấu tổ chức mới ở cấp tỉnh trong bối cảnh chúng ta đang thực hiện tinh giảm đầu mối. Để đảm bảo tính khả thi của phương án về tổ chức cơ quan thi hành án dân sự này đòi hỏi cần phải có một đề án chuyển giao cụ thể chặt chẽ, phải xác định rõ lộ trình thực hiện và phải có kế hoạch đầu tư về kinh phí, sắp xếp bố trí nhân sự một cách hợp lý khoa học. 

      Do vậy, trong giai đoạn từ nay đến năm 2010 tôi đề nghị tạm thời giữ nguyên mô hình tổ chức thi hành án như hiện nay để chuẩn bị cơ sở vật chất và con người nhằm chuyển giao công tác thi hành án dân sự sang cho Bộ Tư pháp quản lý, tập trung thống nhất trong giai đoạn sau năm 2010.

ĐBQH Vũ Hồng Anh  (Hà Nội) 

    Nổi bật
        Mới nhất
        Nên tạm thời giữ nguyên mô hình tổ chức thi hành án như hiện nay
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO