Qua nghiên cứu dự thảo Nghị quyết, đại biểu Trần Văn Khải nhận thấy, dự thảo đã xác định rõ phạm vi điều chỉnh, các nguyên tắc và cách thức thực hiện, giúp các cơ quan có căn cứ pháp lý để triển khai. Bảo đảm hoạt động liên tục của bộ máy nhà nước, hạn chế gián đoạn trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ và thủ tục hành chính cũng như thủ tục rườm rà cho người dân và doanh nghiệp (như các quy định không yêu cầu làm lại thủ tục hành chính, không yêu cầu cấp đổi giấy tờ không cần thiết…).
Dự thảo Nghị quyết cũng bảo đảm tính pháp lý và tuân thủ cam kết quốc tế thông qua việc giữ vững trách nhiệm thực hiện các điều ước quốc tế và hợp tác với đối tác nước ngoài trong quá trình điều chỉnh. Với cơ chế giám sát và xử lý vấn đề phát sinh, dự thảo đã có quy định cụ thể về trách nhiệm của Chính phủ, Quốc hội và các cấp chính quyền trong quá trình thực hiện.

Về những nội dung cụ thể, theo khoản 3, Điều 4 dự thảo Nghị quyết, “khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước mà số lượng cấp phó của người đứng đầu cơ quan nhiều hơn số lượng tối đa theo quy định hiện hành thì chậm nhất sau 5 năm kể từ ngày quyết định sắp xếp tổ chức bộ máy của cấp có thẩm quyền có hiệu lực, số lượng cấp phó của người đứng đầu cơ quan phải theo đúng quy định”.
Đại biểu Trần Văn Khải cho rằng, quy định như trên vẫn chưa có cơ chế rõ ràng để giải quyết ngay tình trạng dư thừa nhân sự, đặc biệt là lãnh đạo cấp phó; quy định thời gian 5 năm quá dài, có thể kéo dài tình trạng dư thừa, gây lãng phí ngân sách.
“Tôi đề nghị, cần rút ngắn thời gian tinh giản cấp phó, chỉ nên kéo dài tối đa 3 năm thay vì 5 năm”, đại biểu Trần Văn Khải đề xuất.

Với chính sách tái bố trí nhân sự, đại biểu đề nghị cần chuyển cán bộ dôi dư sang các đơn vị khác có nhu cầu nhân sự; đồng thời, bồi dưỡng, đào tạo lại cán bộ để họ phù hợp với vị trí mới; có cơ chế hỗ trợ nghỉ hưu sớm hoặc tự nguyện thôi việc.
Theo dự thảo Nghị quyết, tại khoản 1, Điều 4 quy định: “Khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định pháp luật hiện hành được tiếp tục thực hiện bởi các cơ quan, người có thẩm quyền tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn đó”.
Quy định như vậy là còn chung chung, chưa có cơ chế chi tiết để rà soát nhiệm vụ, có nguy cơ chồng lấn nhiệm vụ giữa các cơ quan mới và cũ; một số nhiệm vụ có thể bị bỏ sót do chưa có đơn vị cụ thể tiếp nhận.
Từ phân tích nêu trên, đại biểu Trần Văn Khải đề xuất, thành lập tổ công tác liên ngành để rà soát các chức năng, nhiệm vụ chồng chéo trước khi sáp nhập; xây dựng danh mục chi tiết về chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan sau khi sắp xếp, bảo đảm rõ ràng, tránh tình trạng không ai chịu trách nhiệm hoặc nhiều cơ quan cùng quản lý một nhiệm vụ; ban hành hướng dẫn chi tiết về việc phân công nhiệm vụ ngay sau khi Nghị quyết có hiệu lực.
Theo Điều 15, Nghị quyết này sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1.3.2025 và kết thúc vào ngày 28.2.2027.
Băn khoăn thời hạn 2 năm có thể không đủ để thực hiện sắp xếp bộ máy một cách hiệu quả và một số nhiệm vụ có thể cần thời gian dài hơn để triển khai, đại biểu Trần Văn Khải đề xuất, cần phân chia thời gian thực hiện theo từng giai đoạn.
Cụ thể, giai đoạn 1 (2025 - 2026) tập trung hoàn thành sắp xếp cơ cấu tổ chức; giai đoạn 2 (2026 - 2027) tập trung hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ và điều chỉnh luật pháp liên quan.
Đồng thời, quy định rõ lộ trình báo cáo tiến độ. Chính phủ cần báo cáo Quốc hội định kỳ 6 tháng một lần về tiến trình thực hiện; mở rộng thời gian thực hiện nếu cần thiết, Quốc hội có thể linh hoạt gia hạn Nghị quyết nếu phát sinh vấn đề phức tạp.
Những điều chỉnh trên sẽ giúp Dự thảo Nghị quyết trở nên hoàn thiện hơn, bảo đảm tinh gọn bộ máy hành chính nhưng vẫn giữ được hiệu quả hoạt động của Nhà nước, đại biểu Trần Văn Khải khẳng định.
Trước đó, trong Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày trước Quốc hội, Ủy ban Pháp luật tán thành việc cần thiết ban hành và đánh giá cao sáng kiến của Chính phủ trong việc xây dựng, trình Quốc hội ban hành Nghị quyết quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.

Việc Quốc hội ban hành Nghị quyết này nhằm bảo đảm cơ sở pháp lý để toàn hệ thống các cơ quan nhà nước có thể tiếp tục hoạt động một cách liên tục, bình thường trong và sau quá trình thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước, ngay cả khi chưa kịp sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật có liên quan, góp phần khẩn trương triển khai có hiệu quả cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, bảo đảm tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, Kết luận số 121-KL/TW ngày 24.1.2025 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW và các kết luận, ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, tạo điều kiện cho việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc, khơi dậy, phát huy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững của đất nước như yêu cầu nêu tại Nghị quyết số 27-NQ/TW.
Ủy ban Pháp luật cũng tán thành việc xác định phạm vi điều chỉnh như quy định tại Điều 1 của dự thảo Nghị quyết là tất cả cơ quan, tổ chức có liên quan trực tiếp đến việc thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy nhà nước và bao quát đầy đủ các trường hợp sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước theo đúng chỉ đạo tại Nghị quyết số 18-NQ/TW, Kết luận số 121-KL/TW và các kết luận, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Các vấn đề dự kiến được điều chỉnh phần nhiều đều là các nội dung có tính nguyên tắc, khái quát cao. Do tính chất rộng khắp và phức tạp của đợt sắp xếp này, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục khẩn trương rà soát công việc, nhiệm vụ, dự liệu tối đa các vấn đề, tình huống có thể phát sinh để có phương án xử lý ngay trong Nghị quyết này hoặc chủ động, kịp thời ban hành văn bản hướng dẫn trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được giao ngay sau khi có quyết định của cấp có thẩm quyền về sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước để bảo đảm cho các cơ quan, tổ chức sau khi sắp xếp có thể đi vào hoạt động ngay; không để ngắt quãng công việc, không để khoảng trống về thời gian, địa bàn, lĩnh vực; hạn chế đến mức thấp nhất các tác động, ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động bình thường của người dân, doanh nghiệp và xã hội nói chung.