Nên giữ quyền chất vấn với Chánh án Tòa án nhân dân và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ Chín, chiều 7.5, các ĐBQH tham gia thảo luận tại Tổ 19 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Phú Thọ, Đồng Nai, Quảng Bình) cho ý kiến với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.
.jpg)
Tại phiên thảo luận, các ĐBQH bày tỏ đồng tình với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013. Sau hơn 11 năm triển khai thi hành, Hiến pháp 2013 đã đáp ứng được yêu cầu của công cuộc đổi mới đất nước cũng như xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, với thực tế hiện nay yêu cầu một bộ máy tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực và hiệu quả đòi hỏi phải xem xét các yếu tố mang tính vĩ mô nhằm đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới.

Góp ý cụ thể với dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, ĐBQH Trần Quang Minh (Quảng Bình) nêu vấn đề, tại Mục 1, Điều 9 quy định, “MTTQ Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài”.
Theo đại biểu, cần xem lại việc có nên đưa cụm từ “các cá nhân tiêu biểu...” vào hay không, bởi lẽ với cụm từ này không thể hiện được tính đại diện cho toàn bộ các giai cấp, tầng lớp, dân tộc hay tôn giáo. Trong khi đó, MTTQ phải là tổ chức đoàn kết rộng rãi trong các tầng lớp Nhân dân…, còn khi hiệp thương chọn nhân sự để tham gia Ủy ban MTTQ các cấp, chúng ta có thể tùy theo tình hình cụ thể để cơ cấu các cá nhân tiêu biểu hay chuyên gia thuộc các lĩnh vực, đại diện cho các ngành, dân tộc, tôn giáo, doanh nhân…
Tại nội dung 2 của Mục 1, Điều 9 ngoài việc giữ nguyên nội dung: “… tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc" đã bổ sung 2 nội dung rất quan trọng, là “thể hiện ý chí, nguyện vọng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân" và “phản ánh ý kiến, kiến nghị của Nhân dân”. Đại biểu Trần Quang Minh đề nghị bổ sung nội dung: Đoàn kết, tập hợp các lực lượng, các giai cấp, tầng lớp thực hiện các phong trào thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

ĐBQH Nguyễn Thành Nam (Phú Thọ) đánh giá, các nội dung trong dự thảo Nghị quyết rất rõ ràng, cụ thể, tuy nhiên đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, làm rõ hơn quy định về quyền chất vấn của đại biểu HĐND.
Quyền chất vấn của đại biểu HĐND được quy định tại nhiều văn bản pháp luật, cao nhất là Hiến pháp năm 2013, sau đó là Luật Tổ chức Chính quyền địa phương, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND.
Cụ thể, khoản 2, Điều 115 Hiến pháp 2013 quy định " Đại biểu HĐND có quyền chất vấn Chủ tịch UBND, các thành viên khác của UBND, Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân và Thủ trưởng cơ quan thuộc UBND. Người bị chất vấn phải trả lời trước HĐND.
Đại biểu HĐND có quyền kiến nghị với các cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị ở địa phương. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị này có trách nhiệm tiếp đại biểu, xem xét, giải quyết kiến nghị của đại biểu".
Tuy nhiên, trong dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 115 của Hiến pháp năm 2013 (tại khoản 8, Điều 1 dự thảo Nghị quyết) theo hướng: không quy định Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân thuộc phạm vi đối tượng trả lời chất vấn của đại biểu HĐND. Việc chất vấn của đại biểu HĐND sẽ tập trung vào UBND (Chủ tịch UBND, các thành viên khác của UBND và người đứng đầu cơ quan thuộc UBND) để nâng cao hiệu quả hoạt động trên thực tế.
Đại biểu khẳng định, chất vấn là hình thức giám sát đặc biệt quan trọng, thể hiện quyền lực của cơ quan dân cử và trách nhiệm của các đại biểu HĐND, là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân địa phương, chịu trách nhiệm trước cử tri địa phương và trước HĐND về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đại biểu của mình.
Khi thực hiện các chủ trương của Đảng liên quan đến tổ chức bộ máy, hệ thống tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án Nhân dân sẽ có cấp tỉnh, cấp khu vực. Vì vậy, việc thực hiện quyền chất vấn của đại biểu HĐND là cần thiết, để thực hiện quyền, trách nhiệm trước cử tri ở địa phương.
Do đó, “nên tiếp tục duy trì cơ chế này theo hướng quy định đại biểu HĐND cấp tỉnh có quyền chất vấn Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh và cấp khu vực. Đồng thời cần rà soát, điều chỉnh, thống nhất trong các Luật có liên quan như: dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) đang trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Chín, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND số 87/2015/QH13....”, đại biểu Nguyễn Thành Nam đề xuất.

Liên quan đến quy định tại khoản 2 Điều 115, ĐBQH Nguyễn Công Long (Đồng Nai) cho rằng, nếu không quy định quyền chất vấn của HĐND đối với Chánh án, Viện trưởng Viện kiểm sát với lý do đang tổ chức lại mô hình của hệ thống của hai cơ quan này là chưa chặt chẽ.
Bởi, hệ thống của hai cơ quan tư pháp cấp tỉnh vẫn có, nếu HĐND cấp tỉnh không chất vấn Chánh án, Viện trưởng Viện kiểm sát thì không bảo đảm tính chặt chẽ về mô hình tổ chức. Vì vậy, đại biểu Nguyễn Công Long đề nghị, cần cân nhắc lại khoản 2 Điều 115 theo hướng nên quy định đại biểu HĐND cấp tỉnh có quyền chất vấn đối với Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân và Chánh án Tòa án nhân dân.

Nhất trí với ý kiến đề xuất của các đại biểu, ĐBQH Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp, nêu rõ, nếu bỏ quyền của đại biểu HĐND được chất vấn Chánh án Tòa án nhân dân và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân sẽ ảnh hưởng đến việc thực hiện chức năng của các đại diện cơ quan dân cử. Do đó, cần hết sức cân nhắc việc không quy định quyền chất vấn của đại biểu HĐND với hai chức danh tư pháp cấp tỉnh này.