Nền dân chủ thể hiện trong bầu cử và hoạt động cơ quan dân cử
Lương Anh Tế, Nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hải Dương Để chế độ dân chủ được thực hiện đầy đủ và hiệu quả, chúng ta - mỗi cử tri/công dân phải ý thức thực hiện ngay trong các hoạt động bầu cử - trách nhiệm của của tri và trong suốt quá trình hoạt động của các cơ quan dân cử, cơ quan nhà nước- trách nhiệm của người đại diện.
Dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện
Quyền dân chủ của Nhân dân thể hiện không chỉ thông qua việc thực hiện tốt quyền bầu cử, ứng cử mà còn là sự tôn trọng và thực hiện tốt quyền bãi miễn của Nhân dân. Nhất là trong tình hình hiện nay, tham nhũng, thoái hóa biến chất của một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị, hệ thống hành chính nhà nước đang được xem là “quốc nạn”. Quyền bãi miễn là một quyền của cử tri, của công dân nhằm kiểm tra và giám sát việc thực thi quyền lực nhà nước, là “thực hiện sự phục tùng thực sự của những người được bầu đối với nhân dân”, là nguyên tắc nhằm thực hiện triệt để chế độ dân chủ, bảo đảm quyền lực nhà nước thực sự thuộc về Nhân dân. Nội dung quyền bãi miễn và trách nhiệm của đại biểu dân cử đã được luật hóa rất cụ thể trong Hiến pháp năm 2013.
Mục tiêu xuyên suốt trong quá trình xây dựng đất nước là: Xây dựng xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Từ dân chủ ở đây là nói đến chế độ dân chủ và quyền dân chủ của Nhân dân. Chế độ dân chủ là chế độ chính trị, trong đó, toàn bộ quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân, do Nhân dân thực hiện trực tiếp hoặc thông qua cơ quan đại diện do Nhân dân bầu ra. Dân chủ được thực hiện bằng hai hình thức: Dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện, cả hai hình thức này đều đóng vai trò quan trọng bảo đảm cho việc thực hiện dân chủ, không thể thiếu được trong việc quản lý, điều hành, kiểm soát và thực thi quyền lực của Nhân dân.
Để thực hiện được dân chủ đại diện phải cần đến dân chủ trực tiếp, cụ thể là việc bầu cử lựa chọn ra các đại biểu Quốc hội hay đại biểu HĐND, nghĩa là trước khi mỗi công dân chuyển giao quyền lực của mình cho người đại diện- những đại biểu dân cử và cho Nhà nước thì họ đã phải thực hiện dân chủ trực tiếp bằng cách: Thứ nhất, tham gia vào hội nghị hiệp thương Nhân dân để lựa chọn các ứng cử viên, hoặc thông qua tiếp xúc trực tiếp với một hay một số ứng cử viên mình sẽ lựa chọn; thứ hai, thông qua việc bỏ phiếu kín, trên nguyên tắc phổ thông đầu phiếu, công bằng, công khai và minh bạch, để lựa chọn cho mình một đại biểu ưu tú dựa trên ý chí quyết định của chính mình. Ngược lại, đến lượt mình, các đại biểu dân cử đã được cử tri bầu, khi thực hiện quyền lực của công dân (cử tri) giao cho thì lại cần dựa trên phương thức dân chủ trực tiếp, nghĩa là tham gia một cách trực tiếp và thể hiện ý chí của mình trong việc lập pháp cũng như các công việc quan trọng khác của Nhà nước, của địa phương.
Điều này được Hiến pháp năm 2013 quy định: Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, HĐND... (Điều 6). Việc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND được tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín (Điều 7). Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, HĐND (Điều 27). Đây là sự thể hiện quyền dân chủ cao nhất của công dân, không chỉ được tham gia trực tiếp bỏ lá phiếu để bầu người đại diện cho mình vào cơ quan nhà nước các cấp, công dân đủ điều kiện còn được quyền ứng cử để bầu vào Quốc hội, HĐND các cấp. Vấn đề là cử tri/Nhân dân sử dụng quyền đó như thế nào để đạt hiệu quả cao nhất.

Ảnh: Huy Anh
Không thể tách rời
Đặc trưng của dân chủ xã hội chủ nghĩa là quyền dân chủ của công dân không ngừng được được mở rộng trong tất cả các lĩnh vực hoạt động của Nhà nước, xã hội thông qua hệ thống cơ quan nhà nước và các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội và tổ chức xã hội với sự tham gia tích cực vào hoạt động chính trị hàng ngày của đông đảo quần chúng Nhân dân lao động. Sau hơn 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, Việt Nam đã đạt được những thành tựu hết sức to lớn trên mọi phương diện. Trong đó, quá trình dân chủ hóa, tôn trọng và bảo đảm quyền dân chủ ngày càng được mở rộng và phát triển không ngừng. Dân chủ đại diện đã được thực hiện và bảo đảm ngày càng có hiệu quả, thể hiện qua hoạt động của hệ thống cơ quan dân cử, ý kiến, nguyện vọng hợp pháp, hợp lý của cử tri/Nhân dân ngày càng được tôn trọng, xem xét giải quyết kịp thời, thấu đáo.
Các cơ quan nhà nước giải quyết công việc nhanh chóng, hiệu quả hơn; việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, thực hiện chế độ một cửa, nâng cấp mức độ giải quyết thủ tục hành chính đã minh chứng cho việc thực hiện quy chế dân chủ đã đạt được những thành tựu đáng kể. Chế độ chính trị ngày càng được củng cố vững chắc, lòng tin của Nhân dân với sự lãnh đạo của Đảng, của chế độ ngày càng nâng cao - đó là điều không thể phủ nhận.
Tuy nhiên, chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa luôn luôn phải được ý thức thực hiện ở "những người đại diện" và tạo điều kiện để Nhân dân thực hiện, cần phải thấy rằng chính hình thức dân chủ trực tiếp là nội dung, là cái quyết định đối với nền dân chủ đại diện này. Chỉ khi nào mức độ dân chủ trực tiếp được hiện thực hóa một cách đầy đủ, hiệu quả và sâu rộng thì đó chính là tiền đề quan trọng cho việc thực hiện tốt hình thức dân chủ đại diện và nền dân chủ đại diện.
Chẳng hạn, khi quyền làm chủ của Nhân dân đã được ủy thác cho những đại diện của mình đòi hỏi những đại biểu này cần thường xuyên lắng nghe và phản ánh về những vấn đề thiết yếu hàng ngày của người dân. Những cuộc tiếp xúc trực tiếp với các cử tri và xử lý kiến nghị của cử tri cũng chính là một hình thức của dân chủ trực tiếp giúp cho việc thực hiện quyền làm chủ của Nhân dân ở cấp đại diện được bảo đảm hiệu quả hơn, phản ánh đúng và sâu sát với những bức xúc, trăn trở của Nhân dân. Hơn nữa, quyền lực của Nhân dân do được thực hiện thông qua người đại diện của mình cho nên đôi khi “bị khúc xạ” qua lăng kính trình độ và trách nhiệm của những người đại biểu. Do vậy, việc thực hiện dân chủ đại diện không thể tách rời dân chủ trực tiếp còn ở chỗ dân chủ trực tiếp chính là thước đo và là tiêu chuẩn để kiểm nghiệm, giám sát và đánh giá dân chủ gián tiếp.