Rõ quy định cho lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam
Thảo luận tại Tổ 4 (gồm Đoàn ĐBQH TP. Hải Phòng và các tỉnh: Tuyên Quang, Ninh Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu) sáng 9.11, các ĐBQH bày tỏ thống nhất cao với sự cần thiết phải sửa đổi Luật Việc làm năm 2013 theo Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội.
Theo đó, việc sửa đổi Luật nhằm thể chế hóa các quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về việc làm; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; phù hợp các tiêu chuẩn, thông lệ và cam kết trong lĩnh vực việc làm; khắc phục các hạn chế, bất cập trong thực tiễn về quản lý lao động, chính sách hỗ trợ người lao động, trong đó có lao động yếu thế, lao động nghèo, lao động nông thôn, người thất nghiệp và tăng cường cơ hội việc làm cho lao động khu vực phi chính thức…
Góp ý cụ thể vào dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), ĐBQH Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa – Vũng Tàu) cho rằng, về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng (Điều 2), dự thảo Luật đã mở rộng phạm vi áp dụng đến các đối tượng là “người lao động, người sử dụng lao động và cơ quan, tổ chức có liên quan”. Tuy nhiên, đối tượng là lao động nước ngoài hay người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài vẫn chưa rõ ràng, cụ thể. Trong khi Luật Bảo hiểm xã hội, Bộ luật Lao động, dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) dự kiến thông qua tại Kỳ họp này, đều có nội dung về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
Do vậy, đại biểu đề nghị làm rõ thêm công dân người nước ngoài khi làm việc tại Việt Nam có bắt buộc tuân thủ Luật Việc làm không; nếu không xác định rõ sẽ gây khó khăn trong thực hiện.
Về đối tượng vay vốn, Điều 8 dự thảo Luật quy định đối tượng vay vốn là “người lao động”. Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Thị Yến, “người lao động” là một khái niệm rất chung và phổ quát.
Trong đối tượng là “người lao động” có dạng khá đặc biệt là “người lao động đã chấp hành xong hình phạt tù”. Hiện, Bộ Công an cũng như các bộ, ngành đã có quy định hỗ trợ vay vốn cho họ, để họ có cơ hội tìm việc làm, trở thành công dân có ích cho xã hội. Vì vậy, cần quan tâm thêm đối tượng này để có chính sách hỗ trợ vay vốn tạo việc làm.
Cũng liên quan đến vay vốn, Điều 11, Điều 18 dự thảo Luật quy định về chính sách cho vay hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài. “Đây là một chính sách đầy tiềm năng, nhưng trong dự thảo Luật chưa đủ chi tiết về cách thức triển khai và nguồn vốn, đặc biệt đối với các địa phương khó khăn về ngân sách”, đại biểu Nguyễn Thị Yến nhận định.
Thực tế, lao động đi làm việc ở nước ngoài không chỉ tạo ra thu nhập, nâng cao tay nghề mà còn góp phần giảm tải áp lực lao động trong nước. Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung đánh giá tác động và quy định rõ ràng về việc bố trí nguồn vốn từ ngân sách địa phương, ưu tiên cho các vùng khó khăn và chính sách hỗ trợ bền vững hơn. Chính sách này, nếu được thiết kế chặt chẽ có thể trở thành đòn bẩy kinh tế - xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển tại các địa phương có điều kiện kinh tế khó khăn.
Bổ sung quy định ưu tiên tuyển dụng với người cao tuổi
Điểm đáng chú, dự thảo Luật quy định cụ thể về hỗ trợ giải quyết việc làm cho người cao tuổi (Điều 17). Theo đó, người lao động là người cao tuổi còn khả năng lao động, có nhu cầu làm việc được Nhà nước hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề; đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; tư vấn việc làm; tư vấn chính sách, pháp luật về lao động, việc làm, đào tạo nghề qua trung tâm dịch vụ việc làm; giới thiệu việc làm, cung cấp thông tin thị trường lao động qua trung tâm dịch vụ việc làm; cho vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì, mở rộng việc làm từ nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm.
Nhấn mạnh chính sách này là cần thiết trong bối cảnh già hóa dân số, tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Thị Yến, quy định như dự thảo Luật chưa thể hiện rõ cách hỗ trợ cụ thể đối với người cao tuổi. Vì vậy, đại biểu đề nghị cân nhắc bổ sung các quy định cụ thể về việc ưu tiên tuyển dụng, cải thiện môi trường làm việc, bảo đảm an toàn sức khỏe, từ đó tạo điều kiện cho người cao tuổi tiếp tục đóng góp vào xã hội.
Cũng theo đại biểu, dự thảo Luật đang quy định đối tượng đăng ký việc làm là người lao động có hoạt động tạo ra thu nhập mà không bị pháp luật cấm… Đại biểu đề nghị cân nhắc làm rõ về việc có cần thiết quy định thêm thủ tục đăng ký lao động đối với hơn 18 triệu lao động đã tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc không, bởi thông tin của họ đã có sẵn trên hệ thống dữ liệu.
“Chúng ta cũng nên quan tâm để có thông tin việc làm mới song song với Luật Dữ liệu mà hôm qua Quốc hội đã thảo luận. Tất cả đều đưa vào hệ thống dữ liệu của quốc gia, thì đối với Luật Việc làm chúng ta cũng phải đưa vào để thuận lợi hơn, qua đó đánh giá được Việt Nam có việc làm là bao nhiêu, việc làm thế nào, thiếu kỹ năng gì, trình độ ra sao, từ đó có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng. Nếu không đưa vào cơ sở dữ liệu thì sẽ rất khó”, đại biểu Nguyễn Thị Yến đề nghị.
Thúc đẩy ứng dụng công nghệ, tạo thuận lợi trong đăng ký lao động
Đánh giá cao dự thảo Luật đã bổ sung quy định để thích ứng với sự phát triển về khoa học - công nghệ, chuyển đổi việc làm trong bối cảnh già hóa dân số; quan tâm hỗ trợ giải quyết việc làm cho người yếu thế, người dân tộc thiểu số, lao động là thanh niên, người khuyết tật, phụ nữ…, tuy nhiên, ĐBQH Lò Thị Việt Hà (Tuyên Quang) cho rằng, vẫn cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung một số vấn đề.
Theo đó, về hệ thống thông tin thị trường lao động, việc triển khai xây dựng hệ thống này của các tổ chức, cá nhân từ trước đến nay còn chưa thông suốt, chưa được quan tâm đầu tư phát triển trên phạm vi toàn quốc dẫn đến sự đứt gãy thông tin thị trường lao động. Điều này đã bộc lộ trong giai đoạn dịch Covid-19. Đại biểu mong muốn thông tin thị trường lao động sẽ dễ dàng truy cập, tìm hiểu xu hướng ngành nghề, việc làm theo hướng hiện đại, thúc đẩy việc làm cho xã hội.
Về đăng ký lao động, đại biểu Lò Thị Việt Hà đề nghị, nghiên cứu bổ sung các quy định nhằm thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ thông tin, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người lao động đăng ký lao động, vì hiện nay đăng ký trên mạng qua điện thoại rất thuận tiện, không nhất thiết phải qua UBND xã. Điều này cũng giúp người sử dụng lao động thuận tiện trong việc kết nối tạo việc làm, thúc đẩy việc làm bền vững và hạn chế được tiêu cực.
Ngoài ra, theo đại biểu, Trung tâm dịch vụ việc làm cần có sự liên thông về thông tin đến cơ quan quản lý nhà nước; thông tin về nhu cầu việc làm, tư vấn việc làm cần rõ ràng, minh bạch trong hoạt động giao dịch việc làm, tránh trục lợi chính sách về việc làm, lừa đảo qua mạng về việc làm…