Lãnh đạo chứ không “làm thay”
Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước nói chung và Quốc hội, HĐND nói riêng là vấn đề luôn được Đảng ta hết sức coi trọng. Vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước nói chung và Quốc hội, HĐND nói riêng đã được Hiến định. Sự lãnh đạo mang tính định hướng của Đảng đối với hoạt động của HĐND, trước hết là sự chỉ đạo trong thực hiện chức năng quyết định các vấn đề quan trọng tại địa phương. Theo đó, trên cơ sở Nghị quyết của cấp uỷ đảng cùng cấp và cấp trên, HĐND cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu chỉ tiêu thông qua việc quyết định các quyết sách, nhiệm vụ về phát triển trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh, nghị quyết chuyên đề trên các lĩnh vực. Việc thực hiện chức năng quyết định của HĐND thông qua cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng đồng thời cũng là một cách thức để Đảng đưa các nghị quyết của mình đi vào cuộc sống thông qua nhà nước.

Thực tiễn cho thấy, ở đâu Bí thư cấp uỷ làm Chủ tịch HĐND thì hoạt động của HĐND ở đó có thế mạnh và hiệu quả hơn. Theo Nghị quyết số 18-NQ/TW về Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, ở khá nhiều địa phương, cả 3 cấp chủ yếu thực hiện mô hình Bí thư cấp ủy làm Chủ tịch HĐND, những nơi không đủ điều kiện thực hiện thì cơ cấu Phó bí thư thường trực cấp ủy làm Chủ tịch HĐND. Như ở cấp tỉnh, thống kê nhiệm kỳ 2021-2026 cho thấy, trong số nhân sự 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, có 25 Ủy viên Trung ương, Bí thư Tỉnh uỷ trực tiếp làm Chủ tịch HĐND (có 3 Ủy viên dự khuyết làm Phó Chủ tịch HĐND); 34 Phó Bí thư cấp ủy trực tiếp đảm nhận vai trò Chủ tịch HĐND, trong đó có 9 đại biểu là Chủ tịch HĐND chuyên trách ở các địa phương; chỉ có 7 Ủy viên Thường vụ đảm nhận chức vụ Chủ tịch HĐND.
Đảng định hướng, xây dựng và tổ chức đội ngũ cán bộ ngày càng chuyên sâu về nghiệp vụ, nhạy bén về nhận thức chính trị. Chính đội ngũ những đại biểu dân cử là đảng viên vừa thể hiện vai trò lãnh đạo của Đảng ngay trong chính cơ quan dân cử nhưng không có nghĩa là Đảng bao biện, làm thay. “Đảng lãnh đạo chứ không làm thay HĐND, lãnh đạo ở đây thể hiện thông qua quan điểm, nghị quyết, những nội dung thuộc về thẩm quyền Hiến định của HĐND, cấp uỷ tuyệt đối không can thiệp làm thay mà để HĐND chủ động. Đây là điều được cấp uỷ xác định rất rõ qua các nhiệm kỳ. Tất cả đại biểu HĐND đều có vị trí độc lập như nhau trước pháp luật và có chính kiến riêng được tôn trọng, không phân biệt thành phần, cơ cấu, độ tuổi, chức vụ, vị trí, tôn giáo, dân tộc”– Nguyên Phó Bí thư Thường trực Thị uỷ, Chủ tịch HĐND thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh Nguyễn Văn Hải khẳng định.
Đối với chức năng giám sát của HĐND, Đảng lãnh đạo thể hiện ở chỗ kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục những thiếu sót trong công tác quản lý Nhà nước, nhất là những người đứng đầu các cơ quan Nhà nước. Đặc biệt, Đảng tiếp tục xác định trách nhiệm của người đứng đầu, cá nhân để xảy ra vi phạm quy định của pháp luật, từ đó tạo niềm tin trong Nhân dân. Giám sát cũng là một trong các cách thức để Đảng chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ kiểm soát quyền lực trong cơ quan Nhà nước. Nhất là khi HĐND thực hiện việc lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do HĐND bầu.
Quan trọng vẫn là vấn đề con người
Thực tiễn minh chứng, chỉ có thực hiện Bí thư Cấp ủy đồng thời là Chủ tịch HĐND mới bảo đảm nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND, bảo đảm được vị thế chính trị và tiếng nói của cơ quan dân cử. Trên thực tế, trong một số hoạt động của đại biểu, cơ quan dân cử còn hình thức, ngoài do nặng về cơ cấu, thiếu các cơ chế cụ thể để hoạt động, gốc của vấn đề đó chính là có nơi, cấp Ủy vẫn đang can thiệp quá sâu sắc vào hoạt động của cơ quan được coi là quyền lực nhà nước ở địa phương (thường ở cấp huyện và xã), dẫn đến có những nơi, những nội dung nguyện vọng của cử tri và Nhân dân mâu thuẫn với quyết định của cấp ủy thì buộc đại biểu dân cử phải theo sự chỉ đạo. Từ đó, muốn thể hiện bản lĩnh nhưng đại đa số đại biểu là đảng viên, quyết định theo đa số nên một số ý kiến tâm huyết, có phân tích cơ sở pháp lý, thực tiễn rõ ràng mà cấp ủy không quyết thì cũng đành chịu.
Để HĐND có tiếng nói riêng, đòi hỏi Thường trực và các Ban HĐND phải “cứng cựa”. Đó là lý do tại sao nên cơ cấu Chủ tịch HĐND là Bí thư cấp ủy cùng cấp. Nếu người đứng đầu cấp ủy đồng thời đứng đầu HĐND thì HĐND sẽ mạnh hơn – đó là điều chắc chắn. Tuy nhiên, để Bí thư cấp ủy kiêm Chủ tịch HĐND thực hiện “tròn vai”, Chủ tịch HĐND phải bảo đảm dành thời gian, tâm huyết cho hoạt động của HĐND và phân định rõ vai trò, chức năng lãnh đạo trên cương vị Bí thư cấp ủy và Chủ tịch HĐND.
Ngoài ra, để HĐND chủ động thì cấp uỷ cùng cấp cũng cần rà soát, bổ sung Quy chế làm việc, quy định cụ thể nhóm công việc mà cấp uỷ cho ý kiến lãnh đạo, chỉ đạo trước khi HĐND bàn, quyết định theo thẩm quyền: lãnh đạo xây dựng chương trình xây dựng nghị quyết, chương trình giám sát hằng năm, chương trình và nội dung các kỳ họp của HĐND; chỉ đạo chủ trương, định hướng lớn để HĐND thảo luận, quyết định những vấn đề quan trọng, bảo đảm các chủ trương lớn của Đảng, của cấp uỷ được kịp thời thể chế hóa về mặt Nhà nước ở địa phương thông qua nghị quyết tại các kỳ họp của HĐND.
Hiện nay, nhiều tỉnh thành, cấp uỷ đã ban hành Nghị quyết, Chỉ thị về lãnh đạo nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND, cho ý kiến về những vấn đề lớn mà qua giám sát HĐND phát hiện, kiến nghị để có sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất, bảo đảm các kiến nghị sau giám sát được đối tượng giám sát nghiêm túc tiếp thu và xem xét, giải quyết. Tuy nhiên, ở cấp huyện và xã, vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với hoạt động của HĐND chưa được thể chế hóa nhiều, đòi hỏi các địa phương cấp uỷ cần quan tâm hơn nữa tới hoạt động của HĐND.
Quả ngọt từ sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời
Quả ngọt của sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời đó chính là HĐND các cấp đã tham gia lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức rất thành công cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Cuộc bầu cử với quy mô lớn nhất từ trước đến nay với tỉ lệ tham gia bầu cử cao, 99,6%. Trong thành tích chung này, vai trò của các đại biểu cơ quan dân cử ở địa phương, nhất là đại biểu chuyên trách rất quan trọng.
Đặc biệt, có thể thấy rõ, HĐND các cấp đã hiện thực hóa chủ trương, đường lối của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ trong công cuộc phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, bằng sự chủ động, linh hoạt, dưới sự lãnh đạo của cấp uỷ, HĐND các địa phương đã kịp thời quyết định các quyết sách phù hợp góp phần quan trọng cùng cấp uỷ, chính quyền và Nhân dân vượt qua đại dịch, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Trong số đó, phải kể đến các địa phương có các quyết sách hiệu quả, góp phần phòng, chống dịch bệnh và phát triển kinh tế - xã hội như: Cần Thơ, Bình Dương, Đồng Nai, Đà Nẵng, Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội…