Nén chữ và chia sẻ

Nguyên Anh 14/12/2014 09:18

Nữ đạo diễn Việt Linh ví cuộc sống như chiếc rương, mỗi khi gặp cái gì hay, lại nhặt bỏ vào đó. Chiếc rương ngày càng lớn, gìn giữ biết bao món tình cờ có được qua nhiều cách, nhiều ngả, thậm chí đôi khi phải trả bằng nước mắt. Những cái liên quan được xâu chuỗi, chia sẻ với mọi người qua Năm phút với ga xép vừa được NXB Trẻ xuất bản.

Sau đợt tai biến cách đây gần chục năm, Việt Linh - đạo diễn của các tác phẩm điện ảnh Gánh xiếc rong, Chung cư, Mê Thảo thời vang bóng... cảm thấy không còn đủ sức khỏe để làm phim. Chị tự nguyện bước lên lề, nhường đường cho các đạo diễn trẻ, dõi theo cổ vũ và sẵn sàng giúp đỡ họ. Tuy nhiên, trên lề đường cũng có nhiều lối đi, và giờ đây ta lại bắt gặp Việt Linh trong lĩnh vực sân khấu và con chữ.

Giữa thời buổi bận rộn và dễ bị phân tán bởi trăm thứ, tác giả Việt Linh ngay từ đầu đã xác định không làm mất thời gian của độc giả. “Ngày nay không ai đi mà toàn chạy. Chúng ta bị cuốn vào cuộc sống, không sống chậm được, cũng không có thời gian để đọc những cái gì dài. Vì thế, tôi chỉ muốn chia sẻ với mọi người những câu chuyện rất nhỏ tôi nhặt được trên đường, về nhiều thân phận tôi tình cờ được biết trên khắp thế giới này. Tôi là người nén chữ, 900 - 1.200 từ là vừa vặn, người đọc cũng không mệt mỏi. Đối với tôi không có cái gì chật hẹp, bao nhiêu đó là đủ rồi”. Việt Linh cám ơn Năm phút với ga xép, bởi nhờ chuyên mục đó mà chị có dịp lôi ra biết bao cảm xúc dồn nén từ cái rương lớn của cuộc đời...

Năm phút với ga xép có 80 tạp văn, chủ yếu trên chuyên mục của tạp chí Đẹp và một số bài viết trên các báo khác. Cuốn sách cố ý được sắp xếp với mở đầu là Leo núi, kết thúc là Đẹp để biến mất, như một khuynh cảm nhân sinh, các bài còn lại buông theo thứ tự chữ cái. Đạo diễn - tác giả Việt Linh giải thích: sống là phải leo núi. Mỗi khó khăn trong cuộc đời như một ngọn núi mà ta phải vượt qua. “Ta đọc đâu đó thấy người Ấn Độ có triết lý tâm linh rất an nhiên về cuộc sống, rằng những gì đã xảy ra - cho mỗi chúng ta - chính là những gì nên xảy ra và phải xảy ra, để giúp ta có bài học tiến lên. Rằng bất kỳ tình huống nào trong cuộc đời mà chúng ta đối mặt đều thiết yếu, ngay cả khi nó thách thức sự hiểu biết và bản ngã của chúng ta. Rằng đó là lý do tại sao chúng ta, dù cam go, hay tiếp tục hành trình sự sống. Em mến yêu ơi, nếu mặc tưởng đời người là lộ trình liên miên núi, ta sẽ điềm nhẫn leo qua, hết ngọn này sang ngọn khác… Leo, để thấy mình, hóa ra, rất mạnh mẽ”. Và, ai cũng sẽ phải biến mất, nhưng trước khi biến mất, phải đẹp.

Chưa bao giờ nhận mình là nhà văn, cũng “không có ý nhón chân ngấp nghé văn đàn chuyên nghiệp”, nhưng Việt Linh chia sẻ rằng mình yêu chữ từ nhỏ, thấy nó như bầu bạn, bầu trời, như vũ khí, như dược liệu… Với giọng văn sâu sắc và chân thành, chuyện xưa chuyện nay, chuyện đông chuyện tây, chuyện mình chuyện người, chuyện gia đình chuyện xã hội, chuyện buồn chuyện vui… được Việt Linh nhào nặn và mang lại những giây phút thư giãn hoặc suy tư cho độc giả. Theo Pgs.Ts Lưu Khánh Thơ, Viện Văn học: tản văn của Việt Linh có thể đọc đi đọc lại, rất day dứt. Mỗi trang viết là bài học nhân sinh, bài học làm người, là tình yêu đất nước, xứ sở, giản dị nhưng sâu sắc. Nhà báo Lê Hồng Lâm - người kết nối đạo diễn Việt Linh và tạp chí Đẹp nhận xét: “Việt Linh dùng con mắt và cái đầu tỉnh táo của một công dân nhiều trải nghiệm, nhiều quan sát nhưng lại chuyển tải với trái tim của một người phụ nữ từng trải, nên bất cứ câu chuyện nào, dù nặng nề đến đâu cũng trở nên nhẹ tênh dưới những con chữ của chị… Chỉ 5 phút dừng lại ở “ga xép” của Việt Linh, tôi tin rằng khi chuyến tàu cuộc đời tiếp tục lăn bánh, những dư âm đầy lưu luyến của nó không dễ rời bỏ ta, để rồi lại mong ngóng đến ga xép kế tiếp!”.

Nguồn: dep.com.vn
Nguồn: dep.com.vn

Đạo diễn - tác giả Việt Linh tự nhận bị trời hành, mọi thứ đến với chị một cách tự nhiên, cứ rớt vào đầu, và thấy cái gì cũng có thể viết. Chị kể, năm 2012, khi nghe tin Công an đề nghị in tên cha mẹ trên chứng minh nhân dân, chị viết bài Không cần thanh kiếm dài. Gửi đâu các báo cũng từ chối, sau đó được Báo Đại biểu nhân dân chào đón (số 253, ngày 9.9.2012). Bài báo có chi tiết, nhớ lại chuyện nhà văn Nguyễn Mộng Giác khi ra Huế, nhìn tượng Quang Trung hoành tráng sừng sững bên núi Bân, ông đã nói: một ông vua trí dũng song toàn như Nguyễn Huệ không cần cây kiếm dài quá... chị đã đặt tên cho bài viết của mình như vậy. Bài viết nhấn mạnh: một nền hành pháp tự tin, lấy con người làm trung tâm, là đối tượng phục vụ như chúng ta vẫn đề cao trong các nghị quyết, không cần những “thanh kiếm” quá dài. Bài viết ấy sau được Tặng thưởng tác phẩm báo chí về đề tài QH và HĐND năm 2012 của Báo Đại biểu nhân dân. Phần ghi họ tên cha mẹ trên chứng minh nhân dân sau đó cũng được bãi bỏ. Trước đó, năm 2004, sau khi đọc bài báo về một người cha bị nghi giết con, phải ở tù, nhưng sau một thời gian người con trở về, tuy nhiên địa phương (Tiền Giang) không xin lỗi ông; Việt Linh quyết định viết thư ngỏ gửi Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, đặt ông vào địa vị người cha. Chỉ ít ngày sau, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang đã có thư trả lời, xin lỗi và cám ơn ý kiến đóng góp của đạo diễn Việt Linh; đồng thời cho biết đã chỉ đạo các ngành, các cấp giải quyết để bù một phần thiệt hại mà nạn nhân phải gánh chịu; xin lỗi công khai người bị oan. “Những gì tôi viết ra có lợi nhiều người. Nhưng chính những câu chuyện nhỏ nhỏ đó cũng tạo cho tôi niềm tin” - đạo diễn - tác giả Việt Linh nói.

Nhớ một lần vui chuyện, Tổng biên tập Báo Đại biểu nhân dân nhận xét: vẫn biết Việt Linh là đạo diễn điện ảnh tài năng, nhưng vẫn muốn tin chị là một nhà văn, một nhà báo với nghĩa đầy đủ và trung thực nhất của nó. Không vụ lợi.

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

    Nổi bật
        Mới nhất
        Nén chữ và chia sẻ
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO