Nelson Mandela và 8 bài học lãnh đạo

Tú Khôi 20/07/2008 00:00

Mặc dù đã rời chính trường nhiều năm nay, nhưng phong thái và cách nói chuyện của vị chiến binh chống chủ nghĩa Apartheid vẫn gợi cho người tiếp xúc cảm nhận được tinh thần đấu tranh không mệt mỏi vì lẽ phải và vì hạnh phúc nhân loại. Ông đã đúc rút một số bài học lãnh đạo từ những trải nghiệm trong cuộc đời hoạt động và đấu tranh của chính ông. Tất cả chỉ nhằm hướng đến một mục đích: Làm thế nào để thế giới tốt đẹp hơn.

      1. Chế ngự nỗi sợ hãi, truyền cảm hứng cho người khác
      Mandela từng thú nhận về nỗi sợ hãi trào dâng khi ông đứng trước tòa ở Rivonia và trong suốt thời gian bị tù đày trên đảo Robben. Mandela tâm sự: “Tất nhiên là tôi sợ. Tôi không thể làm ra vẻ là một người dũng cảm. Nhưng là một nhà lãnh đạo, bạn không thể để người khác biết điều đó. Bạn phải luôn là người đi đầu”.
Những ngày bị tù đày trên đảo Robben, có vô số điều sợ hãi vây quanh tù nhân. Nhưng ngày nào người ta cũng thấy Mandela tản bộ qua những khoảng sân nhà tù và những con đường nhỏ với vẻ ngạo nghễ và tự tin. Chính điều này đã giúp những người bạn tù của ông vượt qua nỗi sợ hãi. Tại sao ông làm được điều đó? Bởi vì ông biết rằng, mình là một mẫu hình cho những người khác, điều đó giúp ông có sức mạnh chế ngự và vượt qua nỗi sợ hãi của bản thân.
      2. Biết hy vọng vào tương lai
      Năm 1985, sau hàng thập kỷ coi ANC là “những tù nhân không thể đàm phán” và sau một cuộc đấu tranh vũ trang, Chính quyền Apartheid đã phải khuất phục. Nelson Mandela quyết định đây là thời gian thích hợp để thương lượng với những kẻ áp bức. Thế nhưng, những người đồng chí thuộc Đại hội Dân tộc Phi (ANC) đã phản đối ý tưởng của Mandela, họ cho rằng điều này là không tưởng và Mandela đã chọn một giải pháp quá nguy hiểm. Còn Mandela vẫn tin vào quyết định của mình và tới từng xà lim để thuyết phục những người đồng chí.
      Với Mandela, thương lượng là một mưu kế, không phải là nguyên tắc. Trong suốt cuộc đời hoạt động của mình, ông đã trở thành một nhà thương lượng xuất chúng. Nguyên tắc kiên định của ông là: lật đổ chế độ Apartheid, đem lại tự do, dân chủ cho người dân, để mỗi người dân đều có một lá phiếu.
      “Mandela là một người lỗi lạc”, Ramaphosa, một đồng chí ANC của ông ca ngợi. “Ông ấy thường nghĩ trước chúng tôi”. 27 năm trong tù đã cho ông khả năng có cái nhìn tổng quát và xa hơn. Ông thường nghĩ đến những việc không chỉ diễn ra trong hàng ngày, hàng tuần mà hàng thập kỷ sau. Ông biết rằng lịch sử sẽ xảy ra, kết quả không thể tránh khỏi. Điều quan trọng là bao giờ điều đó xảy ra và làm cách nào để thành công.
      3. Dẫn dắt từ phía sau và để cho người khác biết rằng họ đang ở phía trước
      Mandela thích hồi tưởng về thời thơ ấu của ông với những buổi chiều đi thả bầy gia súc: “Bạn biết đấy. Bạn chỉ có thể điều khiển bọn chúng từ đằng sau”. Khi còn nhỏ, Mandela chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ tộc trưởng Jongintaba, người nuôi dưỡng ông. Khi tộc trưởng Jongintaba tổ chức các buổi họp, những người đàn ông thường tụ tập lại trong một vòng tròn, và khi tất cả mọi người đã có ý kiến xong, tộc trưởng mới bắt đầu phát biểu. Mandela rút ra bài học rằng: nhiệm vụ của người lãnh đạo không phải là bảo mọi người làm gì mà tổng kết lại những điều mọi người đã nói tạo ra sự nhất trí cao. Ông thường nói: “Người lãnh đạo không nên tham gia vào cuộc tranh luận quá sớm”.
      Trong thời kỳ còn hoạt động chính trị, Mandela thường tụ tập những người dưới quyền như Ramaphosa, Thabo Mbeki (đương kim Tổng thống Nam Phi) quanh bàn tròn ở phòng ăn tại nhà riêng Houghton, ngoại ô Johannesburg, để họp bàn công việc. Một số cộng sự đôi khi chỉ trích Mandela suy nghĩ quá nhanh hoặc quá bảo thủ. Mandela chỉ im lặng lắng nghe. Khi mọi người đã phát biểu hết, Mandela mới chậm rãi và tổng hợp lại chi tiết ý kiến của mọi người và sau đó bày tỏ suy nghĩ của ông rồi khôn khéo đi đến quyết định cuối cùng. Mandela tâm sự: “Người lãnh đạo thông minh là người biết thuyết phục mọi người hạnh động theo quyết định của mình nhưng quan trọng hơn phải làm cho họ nghĩ đó cũng là ý kiến của chính họ”.
      4. Hiểu rõ về kẻ thù
      Trở lại những năm 1960, khi Mandela bắt đầu học tiếng Hà Lan, ngôn ngữ của người Nam Phi da trắng, người tạo ra chủ nghĩa phân biệt chủng tộc Apartheid. Những người đồng chí ANC chỉ trích ông về điều này, nhưng ông muốn hiểu thế giới quan của những người Phi gốc Âu, ông biết rằng một ngày kia ông sẽ phải chiến đấu hoặc đàm phán với họ. Vì thế, chỉ bằng cách hiểu được họ, ông mới có khả năng giành chiến thắng.
Việc học ngôn ngữ của người Phi da trắng có hai mục đích: Khi Mandela đàm phán với những người đối lập bằng chính ngôn ngữ của họ, ông sẽ hiểu được điểm mạnh cũng như điểm yếu của đối phương để đề ra mưu lược cụ thể. Đồng thời, việc này cũng giúp ông lấy lòng đối phương. Đối phương hết sức ngạc nhiên trước việc Mandela sử dụng ngôn ngữ của họ một cách thành thục và những am hiểu của ông về lịch sử của những người Phi gốc Âu. Ông còn biết được cả sở thích về thể thao của những người này. Ông cho rằng, đây là một trong những điều làm nên thành công trong những cuộc đàm phán của ông.
      5. Giữ bạn bè ở gần, nhưng đối thủ phải gần hơn nữa
      Mandela tiết lộ rằng, rất nhiều vị khách ông mời đến nhà riêng ở Qunu là người ông không hoàn toàn tin tưởng. Cùng dùng bữa với họ, cùng họ bàn công việc, ca ngợi họ, tặng quà họ khi ra về. Thậm chí, ông còn tỏ ra thân thiết với những đối thủ của mình hơn cả những người thân cận. Gọi điện chúc mừng họ nhân ngày sinh, đến viếng thăm khi gia đình họ có đám hiếu. Tất cả những điều này đều là mưu lược của Mandela.
      Mandela tin rằng, điều này sẽ giúp ông khống chế được đối thủ: họ sẽ nguy hiểm hơn nếu họ ở ngoài vòng kiểm soát của bạn. Nếu không tin cậy được, hãy trung lập người đó.
      6. Dáng vẻ chỉn chu và luôn mỉm cười
      Khi Mandela còn là một chàng sinh viên luật nghèo ở Johannesburg với bộ comple cũ, ông đã lọt vào mắt Walter Sisulu, nhà lãnh đạo trẻ của ANC. Sisulu nhớ lại hình ảnh Mandela khi đó. Như một vị lãnh đạo của quần chúng, với dáng người cao lực lưỡng như một võ sỹ quyền anh nghiệp dư và khá đẹp trai. Quan trọng hơn, anh ta luôn nở một nụ cười như ánh mặt trời ló rạng vào một ngày đầy mây đen.
Đôi khi chúng ta quên mất mối liên hệ giữa vai trò lãnh đạo và vấn đề thể chất. George Bizos, luật sư của Mandela, kể rằng, lần đầu tiên ông gặp Mandela tại một tiệm may của Ấn Độ vào những năm 1950 và ông nhận thấy, Mandela là người đàn ông Nam Phi da đen đầu tiên mặc comple vừa vặn đến vậy. Bây giờ, khi xuất hiện trước công chúng, Mandela thường mặc những chiếc áo sơ mi với nhiều hoa văn biểu trưng ông là người đàn ông thoải mái của châu Phi hiện đại.
      Bên cạnh quần áo, nụ cười không thể thiếu trên gương mặt người lãnh đạo. Với những người Nam Phi da trắng, nụ cười của Mandela thể hiện không còn nỗi cay đắng nào trong cuộc đời của ông nữa và gợi ý rằng, ông rất thông cảm với họ. Với những cử tri da đen, nụ cười của Mandela nói rằng, tôi là một chiến binh hạnh phúc, chúng ta sẽ chiến thắng. Trong các poster tranh cử của ANC, luôn có hình ảnh khuôn mặt Mandela với nụ cười rạng rỡ. Với Mandela: Nụ cười luôn gửi đi một thông điệp sâu sắc nhất.
      7. Không có gì chỉ đen hoặc trắng
      Mỗi khi phỏng vấn Mandela, các phóng viên thường hỏi ông một câu quen thuộc: Khi ông quyết định loại bỏ phương thức đấu tranh vũ trang, có phải do ông nhận thấy rằng, các ông sẽ không có đủ sức mạnh để lật đổ chế độ Apartheid hay bởi vì ông biết rằng ông có thể giành được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế bằng cách chọn giải pháp phi bạo lực? Ông thường mỉnh cười hóm hỉnh và trả lời: Tại sao không phải là hai? Vũ trang là cần thiết, nhưng biện pháp phi bạo lực cũng có sức mạnh riêng của nó.
      Thông điệp của ông rất rõ ràng: Cuộc sống không bao giờ chỉ toàn đen hoặc toàn trắng. Các quyết định thường phức tạp và nó luôn bao hàm nhiều nguyên nhân. 
      Mandela quen với mâu thuẫn. Là một chính trị gia, ông phải là người thực dụng, người có thể nhìn thấy thế giới với vô vàn sắc thái khác nhau. Nhất là khi ông lại là một người da đen, sống dưới chế độ Apartheid hà khắc, ông phải suy xét để lựa chọn: Sẽ phục tùng ông chủ da trắng để có được một công việc mong muốn và tránh bị trừng phạt, hay sẽ đi con đường riêng của mình.
      Là một lãnh tụ chính trị, Mandela trung thành tuyệt đối với Muammar Gaddafi và Fidel Castro, những người đã giúp đỡ ANC khi Mỹ gán cho Mandela cái mác “khủng bố”.
      8. Biết rút lui đúng lúc
      Năm 1993, sau khi tìm hiểu Mandela phát hiện ra rằng: Indonesia, Cuba, Nicaragua, CHDCND Triều Tiên và Iran là những nước cho phép người dưới 18 tuổi đi bầu cử. Mandela rất phấn khích về điều này. Hai tuần sau, Mandela lên truyền hình Nam Phi và tuyên bố, công dân được đi bỏ phiếu từ 14 tuổi. Ramaphosa nhớ lại: “Mandela đã cố thuyết phục chúng tôi về ý tưởng này, nhưng không ai ủng hộ. Và cuối cùng ông phải đối đầu với một thực tế là ông đã thất bại. Nhưng ông đã chấp nhận nó với một sự khiêm tốn đáng nể. Ông không hề giận dữ. Đó là bài học của người lãnh đạo”.
      Biết cách từ bỏ một ý tưởng, một kết hoạch đã thất bại nhưng không nhụt chí, đó là một việc khó khăn nhất của người lãnh đạo.
      Trong lịch sử châu Phi, chỉ có một nhà lãnh đạo duy nhất đắc cử trong một cuộc bầu cử dân chủ mà sau đó sẵn sàng rút lui khỏi chính trường. Mandela là nhân vật đó. Ông rút lui để những hậu thế tiếp theo bước ông, không chỉ ở riêng Nam Phi mà trên khắp châu lục. Ông là người đối lập hoàn toàn với Robert Mugabe. Mandela là người đặt nền móng cho nền dân chủ ở đất nước Nam Phi mới, nhưng ông không cầm tù nền dân chủ. Ông hiểu rằng, lãnh đạo là người dẫn dẵn mọi người theo con đường mà họ đã chọn chứ không phải làm những gì mà họ đã làm.

Theo Time

    Nổi bật
        Mới nhất
        Nelson Mandela và 8 bài học lãnh đạo
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO