Đổi mới tư duy, công nghệ trong sản xuất sản phẩm truyền thống Việt
Theo thống kê của UBND xã Đại Đồng, huyện Thạch Thất, hiện trên địa bàn xã còn 40 hộ làm nghề chè kho, cung cấp sản phẩm đến với người tiêu dùng gần xa, trong thành phố và trên cả nước. Đặc biệt, sản phẩm chè kho đã được công nhận đạt 3 sao, sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm).
Chủ cơ sở sản xuất Chè kho Quý Trụ ở thôn 4 bà Vũ Thị Quý (67 tuổi) cho biết, trước đây các thế hệ trước làm Chè kho rất cầu kỳ, công phu với nhiều công đoạn như ngâm đỗ, xiết đỗ, đồ đỗ, đổ khuân,.. và mất cả một ngày mới có một mẻ bánh. Vất vả hơn cả là khâu đồ đỗ, đòi hỏi người làm phải dẻo dai, khéo léo, vừa giữ lửa vừa lấy đũa cả quấy, đẩy đi, đẩy lại tận đáy nồi đến khi đỗ quện mịn, vỗ tay không dính là được. Riêng thời gian đồ đậu khoảng vài ba tiếng đồng hồ, và sự tham gia của nhiều người. Nay, nhờ máy móc, làm Chè kho cũng đơn giản hơn, thời gian, nhân lực cũng ít hơn.
Bà Vũ Thị Quý cho biết, gia đình bà đầu tư khoảng 300 triệu đồng các loại máy như nồi hơi đun đậu, nồi cô đặc, máy xay, máy hút chân không… các loại máy móc sản xuất chè kho giúp cho quá trình làm bánh trở nên nhẹ nhàng hơn nhiều, nhất là không lo chè bị cháy, khét, hỏng và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm hơn.
Giờ đây, mỗi ngày gia đình bà làm 2-3 tạ sản phẩm. Sản phẩm chè kho được đóng gói, hút chân không có thể để được khoảng 10 ngày trong điều kiện thời tiết lạnh, còn thời tiết nóng thì để được từ 3 - 4 ngày. Nên để chè kho vào ngăn mát tủ lạnh, muốn ăn nóng và có lò vi sóng thì trước khi ăn.
Chủ tịch UBND xã Đại Đồng Kiều Thị Khuyến cho biết, những năm gần đây, chính quyền địa phương và các cấp ngành quan tâm, tạo đà phát triển nghề truyền thống, trong đó có chè kho. Vì vậy, chè kho Đại Đồng đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Nhãn hiệu tập thể. Sản phẩm chè kho của gia đình bà Vũ Thị Quý cũng được UBND Thành phố Hà Nội cấp chứng nhận sản phẩm đạt OCOP 3 sao.
Khẳng định thương hiệu Chè kho Đại Đồng trên thị trường
Hiện nay, một số cơ sở sản xuất ở xã Đại Đồng như Bằng An, Dạ Thảo đã cho ra thị trường sản phẩm Bánh chè kho Đại Đồng với hình thức mới mẻ, bắt mắt; vừa kết hợp được tinh hoa cổ truyền, vừa mang dáng dấp thời đại. Bánh có trọng lượng nhỏ hơn, mặt bánh có hình hoa sen, trúc, khi ăn có vị ngọt, độ đường vừa phải, thơm hương đỗ xanh. Bánh được đựng trong khay nhựa nhỏ xinh xắn, sau đó được bọc bằng túi nilon nhỏ. Hộp bánh được thiết kế hiện đại, đẹp mắt, tăng tính hấp dẫn của sản phẩm đối với người tiêu dùng.
Ông Kiều Cao Quyến - Cơ sở Sản xuất Chè kho Dạ Thảo cho biết, hiện nay, nhiều công đoạn trong làm bánh Chè kho thủ công đã được thay thế bằng máy. Sản phẩm cũng được thay đổi để đáp ứng nhu cầu của khách hàng như giảm độ ngọt, bánh được làm từ các khuôn nhỏ nên có trọng lượng nhỏ hơn, bao bì đẹp hơn, sang trọng hơn.
Tại Cơ sở Sản xuất Bánh kẹo truyền thống Bằng An, bánh Chè kho được sản xuất trong khu vực khép kín, một chiều, theo tiêu chuẩn ISO 22.000:2018. Chị Kiều Thị Thu Hà - thành viên sáng lập cơ sở Bằng An chia sẻ cho biết, hiện nay Cơ sở sản xuất đã, ứng dụng máy móc vào sản xuất, đưa ra quy trình sản xuất chuẩn từ nguồn nguyên liệu đến khâu đóng gói, đảm bảo sản phẩm đạt an toàn thực phẩm, vừa giữ được hương vị truyền thống, vừa đáp ứng xu hướng tiêu dùng mới.
Nói về xu hướng tiêu dùng mới, Chị Kiều Thị Thu Hà cho biết thêm, người tiêu dùng hiện nay thường ít ăn đồ ngọt, chú trọng ATTP, giới trẻ, giới văn phòng có phong cách ăn thưởng thức, “ăn chơi”, ăn ít hơn nên bánh cũng ít đường hơn; bánh nhỏ vừa ngon miệng, vừa ngon mắt. Ngoài phục vụ theo cách truyền thống như làm quà biếu, đồ lễ, chúng tôi đã đưa sản phẩm vào các phòng trà, khu du lịch.
Với tâm huyết, nỗ lực của các cơ sở sản xuất đã góp phần đưa Chè kho Đại Đồng từ một thức quà quê trở thành một sản phẩm Việt Nam có chất lượng cao, mẫu mã đẹp và người tiêu dùng ưa thích.